Nhịp chiêng ngân

21/03/2022 13:00

Mấy ngày nay, ông A Đưa cứ kêu cô con gái út mở cho ông xem đi xem lại cái clip đêm khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần III mà bạn cô đi dự, quay và gửi về.

Cô con gái cười thầm mãi. Chẳng phải là vì đoạn clip này có đội chiêng của làng, và cháu nội của ông hay sao?

Ờ, mà cái thằng cũng giỏi. Lông bông thế, nhưng khi làm là chắc như dao chém đá- cô thầm khen đứa cháu mình. Nó giữ chiếc guông (chiêng núm) to nhất, cầm nhịp cho cả đội.

Cô biết, nếu không phải cái lưng yếu, không phải vì cái chân đau, thì ông già đã dẫn đội chiêng đi rồi.

Nhưng ở nhà mà lòng ông già vui phơi phới, vì cuối cùng, thằng cháu nội cũng đã chịu chìa vai ra gánh vác thay ông trách nhiệm giữ gìn, trao truyền văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng ta.

Mỗi lần xem, ông lại gật gù: Thằng này khá. Hai chân nhún như thế là được, thể hiện được cơ bắp và sự dẻo dai, mạnh mẽ như con beo, con cọp. Lúc  quay vòng thì nhẹ nhàng và nhanh nhẹn, như con nai trong rừng. 

Ông tự hào về đội chiêng của làng năm, thì tự hào về đứa cháu nội của mình mười. Cuối cùng, “cái thằng lông bông”, ông gọi nó như vậy, cũng làm ông nở mày nở mặt.

Thật ra, ông vui từ khi nó nhận lời tham gia đội chiêng của làng tập luyện để tham gia Liên hoan. Hôm nghe nó bất ngờ đồng ý, ông ngạc nhiên lắm. Trước đó, ông thuyết phục mãi mà nó cứ ậm ừ. Rồi làm những chuyện, mà theo chú út của nó nói, thể hiện “sự khác biệt thế hệ”.

Không thể một ngày một bữa mà liệt kê hết những khác biệt giữa thế hệ của nó và ông. Như trong chuyện bảo quản bộ chinh (chiêng bằng), guông (chiêng núm) của nhà, nó và ông đã khác.

Ông thường ngồi trước hiên nhà, bày bộ chiêng trên chiếu, dùng khăn vải mềm tỉ mẩn lau từng chiếc, thỉnh thoảng lại vươn vai, đấm lưng thùm thụp. Mỗi lần đứng lên là kêu đau.

Nó ngắm nghía một hồi, chạy đi mượn cái máy, lắp miếng chà vào, bật quay vù vù làm ông hết hồn, đuổi thẳng.

Mỗi lần đưa ông nội rời làng xuống thành phố thăm chú út, nó thì hí hửng, như chim sổ lồng, còn ông thì bùi ngùi như thể sẽ lâu lắm không được về nhà nữa.

Nhắc đến chuyện nhà, cũng cho thấy sự khác biệt của 2 ông cháu. Đến nay, ông vẫn giữ nguyên nếp nhà truyền thống của người Xơ Đăng. Đó là căn nhà có hai mái chính (mái trước và mái sau); hai đầu hồi được làm thêm hai chái để che  nắng, mưa. Mái lợp tranh, có nẹp giữ chồng lên đòn tay.

Còn nó, luôn ước ao sẽ xây được căn nhà mái bằng, quay mặt ra phía hồ hứng nắng và gió. Có thêm giàn pin năng lượng mặt trời nữa là hết ý.

May mắn thay, nó được “thừa hưởng” cái gen văn nghệ của ông và bố. Đó có lẽ cũng là niềm an ủi lớn nhất của ông.

Nhịp chiêng kết nối giữa các thế hệ. Ảnh: HL

 

Trong làng, ai cũng biết, nó là đứa sáng dạ, có khiếu âm nhạc, biết đánh chiêng, gãy ting ning. Sinh ra trong gia đình có ông nội, có bố giỏi nhiều loại nhạc cụ truyền thống, nhất là cồng chiêng, nó biết đánh chiêng từ nhỏ là chuyện dễ hiểu.

Chỉ tiếc, nó thích dàn nhạc hiện đại hơn. Trong khi ông đau đáu với chiêng, thì nó quay cuồng với ghi ta điện, với trống điện tử. Ông miệt mài truyền dạy nhạc cụ dân tộc thì nó tham gia ban nhạc phục vụ các đám cưới, liên hoan…

Ông không cấm cản, nhưng tiếc, luôn muốn hướng nó về với chiêng, với t’rưng, với ting ning, k’lông put… Và nhất là tập luyện để thay ông đi dự Liên hoan lần này.

Thuyết phục mãi không được, ông đành ôm chiêng ra nhà rông. Được tham gia Liên hoan là vinh dự lớn lao.

Thật ra, việc tập luyện cũng không vất vả lắm. Lâu nay ông đã dày công dạy bảo, uốn nắn từng người. Từ cách tay phải cầm dùi như thế nào, hoặc cườm tay kích vào mặt chiêng (đối với chiêng không dùng dùi) ra sao; tay trái lúc nào chặn vào mặt chiêng, lúc nào rời khỏi mặt chiêng thì tạo ra âm chiêng hay.

Ông thường nói, học chiêng đòi hỏi sự tập trung, bởi không có bài bản cụ thể, ký âm đàng hoàng, mà phải nghe bằng tai, nắn từng nhịp.

Đội chiêng là một bản nhạc, và mỗi cá nhân là một nốt nhạc, tham gia vào dàn chiêng với vị trí và tiết tấu khác nhau. Mỗi nốt nhạc hay sẽ làm cả bản nhạc hay, nhưng một nốt trật nhịp, cả bài nhạc sẽ hỏng. Do vậy, ông yêu cầu mỗi người phải nắm rất chắc thời khắc gõ chiêng của mình.

Tập được 2 hôm thì nó nói muốn tham gia. Ông không hỏi vì sao nó đổi ý. Nên ông đâu có biết, cái hôm nhìn ông khó nhọc leo lên bậc thang nhà rông của làng, nó muốn rớt nước mắt.

Ông đâu có biết, hôm ấy, đứng nhìn mái tóc bạc rung rung, khuôn mặt như tạc bằng đá đắm chìm vào tiếng chiêng của ông, dòng máu yêu chiêng lại rần rật chảy trong huyết quản của nó.

Nó nghe kể, khi nó mới sinh ra, ông nội và dân làng đã đem chiêng đến đánh để đón chào thành viên mới.

Nó vẫn nhớ, khi là cậu bé lấm lem bùn đất, đầu còn chưa mọc đủ tóc, đã náo nức nghe chiêng mỗi dịp cúng lễ thần linh, cầu được mùa lúa.

Nó tin rằng, mai này lấy vợ sinh con, cuộc sống nó vẫn sẽ gắn với chiêng. Con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, nó sẽ gõ chiêng mời dân làng ăn mừng. Các vòng đời cứ tiếp diễn, và tiếng chiêng kết nối  những vòng đời ấy.

Và nó đã đưa ra quyết định của mình.

Chiều nay, cơm nước xong. Ông A Đưa lụi cụi trải chiếu, ôm chiếc chiêng, cũng cũ kỹ, già nua như mình ra, dùng bàn tay thô ráp đấm nhẹ vào mặt chiêng. Tiếng chiêng lúc nỉ non, khi du dương, lúc trầm buồn, khi réo rắt quẩn quanh những mái nhà ám khói, ngược về phía đại ngàn.

Nhịp chiêng ngân. Ảnh: HL

 

Ngày mai đội chiêng của làng sẽ về, thằng cháu ông sẽ về. Làng lại sẽ rộn rã nhịp chiêng ngân mỗi đêm.

HỒNG LAM

Chuyên mục khác