01/08/2020 14:26
Như chiều nay chẳng hạn. Đang đi trên phố thì gặp mưa. Cứ ngỡ như mấy ngày nay, mưa kéo xuống ào ạt rồi tạnh, ai ngờ được thể làm tới, dầm dề mãi, khiến hắn lướt thướt trong cái áo mưa tiện lợi có giá 5 ngàn đồng mua vội ở quán tạp hóa ven đường.
Dừng xe chờ đèn đỏ dưới màn mưa nhạt nhòa, từ quán cà phê nhập nhòa vọng lại giai điệu buồn buồn: Trước mặt tôi/Nước mưa xóa nhòa phố xá/Nhớ tới quê hương/Cơn mưa nặng hạt/Gió về nghiêng ngả vườn cau.
Hắn xoắn xuýt với ý nghĩ, đất nước mình lạ quá lạ chừng, bão ở đâu đâu ngoài Bắc mà tận Tây Nguyên cũng mưa tối mắt, đầu ngày đến cuối đêm vẫn một thứ âm thanh rả rích.
Rồi hắn giật mình nhớ lại, ai đó cũng từng nói bâng quơ như thế với hắn khi ngồi bó gối ngó chuỗi mưa xiêu xiêu.
Dưới mưa, ký ức đã ngủ yên 20 năm qua ùa về. Hắn nhớ chuyến công tác về miệt Ngọc Tụ của Đăk Tô hồi mới chân ướt chân ráo vào Kon Tum. Thật không may khi đúng vào một ngày mưa dầm dề do ảnh hưởng bão.
Từ một làng hẻo lánh chạy gần đến xã thì gặp mưa trắng trời trắng đất. Đường lầy, bánh xe ngập trong ổ voi, nước tràn vào ống xả. Con xe cub cà tàng nấc lên rồi ngất lịm luôn. Hì hục vừa dắt vừa kéo được một đoạn thì may thay, ven đường hiện lên gian quán lợp tranh chìm trong màn mưa…
Lui cui rửa đôi giày đầy bùn nhão dưới giọt tranh, hắn phân trần với bà chủ quán về cái chuyện đi làm mắc mưa. Trong khi cô con gái chủ quán vừa tròn mắt nhìn vừa nói “chờ mưa tạnh sẽ chỉ đường đi tìm quán sửa xe ngoài xã”. Bà chủ quán nhẹ nhàng chỉ bếp lửa cháy lép bép, rồi bảo cứ treo đồ ướt gần đó để hong, hơi hôi khói một chút, còn đỡ hơn chịu lạnh.
Hắn vội vàng mở ba lô, loay hoay giở tập tài liệu, sổ sách ra xếp xung quanh bếp lửa. May mà cái máy ảnh cũ kỹ đã được bọc trong mấy lần túi nilon. Kinh nghiệm học được từ những anh chị đi trước.
|
“Mưa dột, giấy ướt thêm rồi kìa” - cô con gái cười rúc rích nhắc. Hắn luýnh quýnh dịch tờ giấy sang chỗ khác. Những đợt gió đẫm nước ập tới, đập phành phạch vào phên liếp. Cơn mưa tháng Bảy sầm sập như ai đó nghiêng cả thùng nước trút xuống. Hắn vội vàng đứng lên phụ bà chủ quán ôm xô chậu đi rải khắp nhà hứng dột.
Cô con gái ngồi bó gối nhìn ra màn mưa liêu xiêu trắng xóa, như hàng rào ngăn cách gian quán nhỏ với xung quanh, nói bâng quơ: Đất nước mình lạ quá lạ chừng, bão ở đâu đâu ngoài Bắc mà tận Tây Nguyên cũng mưa tối mắt.
Mưa đậu trên tóc cô, từng hạt tròn trong veo.
Trời vẫn mưa như trút, gió thổi những hạt mưa qua song cửa bay vào mắt. Bà chủ quán tốt bụng hối con gái dọn cơm, hắn lúng túng khi thấy trên mâm có thêm chén đũa. Bà chủ cười hiền: Mưa như thế này còn lâu mới tạnh, gặp bữa, mời con ăn cơm cho vui, đừng ngại.
Chưa bao giờ hắn thấy món cá kho tiêu và món canh cải gừng lại ngon đến thế, hơn đứt bữa cơm được huyện chiêu đãi ở nhà hàng ngoài thị trấn chiều qua. Cô con gái cúi đầu che nụ cười mỉm. Chỉ là cười mỉm thôi mà lúm đồng tiền rõ quá chừng.
Bà chủ vừa ăn vừa lo chuyện mua bán sẽ khó khăn nếu trời vẫn mưa dai dẳng. “Từ sáng đến chiều một màu trời âm u đùng đục như thế này thì mưa dầm đây. Chẳng ai muốn ra khỏi nhà đâu. Chỉ cần còn cầm cự được, họ sẽ ở bên bếp lửa, không mua bán gì”. Bà nói.
Cái cách ngó trời dè chừng của bà làm dậy trong hắn nỗi nhớ về nhiều năm trước, thuở còn là con nít. Khi ấy, hắn còn nhỏ, thường theo chị gái canh trời để phơi lúa, trong khi người lớn đi làm. Cứ lảng vảng ngoài sân, dáo dác ngó trời, chỉ cần thấy hửng nắng là nhào vô dỡ lá chuối che mưa, rải đống lúa đang sắp lên mầm. Rồi tiếp tục rình rập, thấy phía chân trời mây mưa lấp ló lại hối hả gom lại.
Những trận mưa tháng Sáu, tháng Bảy thường làm cỏ tươi tốt mà lòng nhà nông héo hắt. Lúa gặt về không phơi được nắng mọc mầm hết, chỉ còn nước bán rẻ, nếu không muốn để dành nuôi lợn, nuôi gà. Tiếp đó là những ngày tháng đói ăn triền miên.
Lớn lên một chút, cũng như những đứa trẻ cùng lứa khác, hắn học được cách nhìn trời, để canh chừng che đống củi đang phơi, cất sào quần áo, hay chiếc chiếu vắt trên rào; nhìn trời để kịp chạy mưa cho đống lúa. Lớn lên nữa thì nhìn trời để còn biết khi nào nên cày đất, gieo hạt…
Mãi rồi hắn không còn thấy “trời đẹp” như chúng bạn nữa, mà chỉ có mưa hay nắng, có sương mù hay không, có trở lạnh hay không… Đêm trăng, cả đám rủ nhau ra bờ đê ngồi, đứa nào cũng khen trăng đẹp, nhưng hắn ngắm vầng trăng với vòng sáng mờ nhiều màu bao quanh thì lại lo mấy hôm tới sẽ mưa dầm, trong khi lúa đang chuẩn bị gặt.
Con nhà nông mà không biết nhìn mây, đoán mưa… thì đói, bà ngoại hắn vẫn thường nói vậy, khi khum khum tay che mắt ngó lên khoảng trời nhập nhèm mưa.
Cơn mưa và mâm cơm đơn sơ làm hắn nhớ nhà, nhớ bà ngoại!
Gió mưa vẫn ràn rạt bên ngoài. Cô gái bưng chén cơm ăn nhẩn nha, hỏi nhẩn nha “anh đi làm xa vậy chắc là vất vả lắm”, giọng nhẹ như bụi mưa.
Ờ, cũng bình thường, thanh niên mà - hắn cười. Tự dưng thấy mình “to” lên, không còn là một cậu trai trẻ mới ra trường đang chập chững đi những bước đầu tiên trên con đường chữ nghĩa. Rồi hắn kể chuyện ngoài Bắc, chuyện ký túc xá đại học, cả về những chuyến đi công tác đầu tiên ở vùng đất mới mà khi đi học chưa bao giờ hắn nghĩ sẽ đặt chân tới.
Còn cô gái ngồi nghe say sưa, thỉnh thoảng lại tò mò hỏi vặn khi phát hiện chi tiết “hơi vô lý” - như cách nói của cô, hay hít hà khi có điều gì đó thú vị. Có khi cằn nhằn khi biết hắn nhịn ăn để lấy tiền mua quà sinh nhật cho bạn. “Thật là không đúng tý nào. Chuyện ăn uống là quan trọng nhất, không ăn sao học được” - cô nhấm nhẳng.
Hắn ngượng ngịu cười. Cái kiểu nhấm nhẳng ấy giống y chang cô em gái kế hắn, đang học sư phạm ngoài quê. Lúc này hắn đã biết tên cô gái là Nguyên. Con gái mà tên như con trai - cô tự lẩm bẩm.
Mãi rồi mưa cũng ngớt. Hắn phải ra khỏi con đường lầy lội này trước khi trời tối hẳn. Mở cửa cho hắn, cô gái ngập ngừng: “Chắc là sau này em không gặp được anh đâu”. Hắn cười cười, hứa “mai mốt sẽ lên chơi, còn đi công tác trên này dài dài”, cố gắng kiềm chế ước muốn đưa tay xoa đầu cô như với đứa em gái ở nhà.
Nhưng cái mai mốt của hắn kéo dài gần chục năm trời. Bởi có quá nhiều thứ để hắn lãng quên gian quán nhỏ ven đường, bữa cơm trong chiều mưa và lời hứa năm ấy. Khi hắn quay lại, gian quán ấy đã không còn, mẹ con bà chủ quán cũng dọn đi mất từ hồi nào.
Chiều nay, có người dầm mưa lang thang trên phố vì nhớ đến câu nói “đất nước mình lạ quá lạ chừng, bão ở đâu đâu ngoài Bắc mà tận Tây Nguyên cũng mưa tối mắt”.
Nhìn mưa lại nhớ người!
Hồng Lam