Nhân nghĩa ở đời

20/02/2021 13:06

Cầm trên tay giỏ xách lát lỉnh kỉnh quà quê, lòng anh V. nặng trĩu. Người quê mình xưa giờ vẫn vậy, hiền lành chơn chất, sống nghĩa tình, trước sau. Xuân này, anh và gia đình lại có thêm người bạn tốt, khó tìm. Bỗng nhiên anh thấy đời rất vui...

Chiều trôi nhanh qua những đỉnh đồi còn hâm hấp nóng. Nắng cuối ngày chưa tắt mà trời đã chập choạng về đêm, rệu rã trong cơn gió bấc tràn về.

Chị D. dắt xe vào cổng: Ông xã ơi, đâu rồi?

Anh V. tưới nước cây góc sân vội thả vòi: Gì vậy em?

Anh xem ai đây nè - chị D. vui vẻ nói.

Anh V. bước ra ngoài, ngạc nhiên nhìn hai người lạ từ đầu đến chân, một nam một nữ, tuổi chừng bốn mươi.

- Anh không nhớ em à. Em là T. trước làm giáo viên công tác trên huyện đó anh - người phụ nữ có vẻ thân tình.

Nói đoạn, cô níu tay người đàn ông kia đon đả: Đây là anh V. hồi giúp em xin chuyển việc về gần nhà.

Quay sang anh V. người phụ nữ ấy lễ phép: Dạ còn đây là chồng em ạ, anh ấy đồng nghiệp, cùng quê với em.

Sau một lúc ngỡ ngàng, anh V. nhận ra đó là cô giáo năm xưa anh tình cờ quen trong chuyến công tác tại một xã giáp ranh với huyện miền núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi. Anh V. rất vui, vội mời vợ chồng cô ấy vào nhà.

Câu chuyện giữa những người thân yêu của hai người bạn chỉ gặp một lần từ rất lâu trở nên thân tình, ấm áp.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 

Anh V. nhớ lại, cách đây chừng mười lăm năm, thời điểm ấy Kon Tum còn nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ngày đó, giao thông trở ngại, người làm giáo viên như em T. ở một xã vùng sâu nằm phía Đông dãy Trường Sơn, phải cắm chốt luôn ở trường. Đường sá xa xôi, đi lại không thuận lợi nên chỉ khi nào có việc rất cần hoặc kết thúc năm học thầy cô ở đây mới ra huyện.

Hôm công tác trên địa bàn xã nơi em T. dạy học, do lỡ ngày nên anh V. và đồng nghiệp phải ở lại. Anh em rủ nhau vào trường học.

Quang cảnh ở đây thật lạ lẫm, im ắng không một bóng người. Mưa bay bay trong chiều muộn làm vùng núi trở nên u mịch. Trời lạnh thấu xương. Sự hoang vắng khiến người ta có cảm giác buồn hơn nhiều lần buồn.

Nhìn mãi mới thấy có người phụ nữ lấp ló sau cánh cửa làm bằng cây le ngả màu vàng rượm, anh V. vừa rùng vai vì lạnh vừa đến gần hỏi: Em ơi, cho anh nhờ xíu.

Một dáng người nhỏ nhắn mặt trùm kín mít chỉ ló hai con mắt đen như hạt nhãn, hé cửa thận trọng: Hai anh là ai vậy, nhờ gì ạ.

- Tụi anh là phóng viên, công tác trên xã ghé vào thăm trường nhưng không thấy ai, ngang qua dãy tập thể thấy có khói bếp nên... - anh V. ngập ngừng.

- Dạ, hôm nay cuối tuần, thầy cô rủ nhau ra huyện chơi hết rồi ạ. Nói xong, em vui vẻ mời cả hai vào nhà.

Căn nhà nhỏ nền đất rỗng tuếch, gió lùa qua vách nứa rung bần bật. Trời lạnh sâu, đêm xuống rất nhanh. Ba anh em, cả khách lẫn chủ ngồi bên bếp lửa, người co rúm lại. Ở cái nơi xa xôi hẻo lánh này, mọi thứ bỗng chốc trở nên thân quen.

T. kể, thầy cô ở trường có kế hoạch ra huyện chơi từ mấy tuần rồi, nhưng chờ đường khô ráo nay mới đi được, còn T. mệt nên ở lại. Gần hết một học kỳ, từ lúc khai giảng đến giờ chưa ai rời trường ra tới huyện. Cách đây hơn tháng, có cô giáo nhận tin báo người nhà ốm, vội vã xin phép trường về thăm. Đi từ trưa nhưng tối mịt phải quay lại trường vì đường mưa cách trở. Mọi người thấy cô ấy mình mẩy lấm lem, run lẩy bẩy vì lạnh ai cũng thương cảm.

Trong câu chuyện chung ở trường, T. cũng có câu chuyện kể về nỗi niềm riêng khó tỏ bày. T. tâm sự, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, em rời nhà ở vùng quê hẻo lánh thuộc tỉnh Gia Lai lên Kon Tum xin dạy học. Em được huyện tuyển dụng, bố trí về trường xã để giảng dạy.

Em vui vì đã có việc làm ổn định, có tiền lương dành dụm gửi về phụ giúp vợ chồng anh trai để lo cho ba mẹ. Khi buồn nhớ nhà, em tự an ủi mình cố gắng vượt qua, có đồng nghiệp chia sẻ, động viên nên em vững vàng hơn.

Nhưng cuộc đời không thể ngờ, mọi việc diễn ra đâu phải lúc nào cũng như ý. Công tác được hai năm, em nhận tin anh trai gặp nạn, chị dâu sau đó dắt cháu bỏ đi không từ biệt. Nhà neo người, ba mẹ chỉ có hai anh em. Ba mất sức lao động vì bệnh nan y, còn mẹ tuổi chưa tới sáu mươi nhưng người gầy rạc vì khó khổ, già yếu trông như cụ bà đã ngoài bảy mươi. Anh trai là chỗ dựa của gia đình, giờ anh bị nạn nằm đó lấy ai gánh vác.

T. thương ba mẹ, thương anh trai nhiều, nhưng chưa biết phải làm sao. Bỏ việc về nhà thì lấy đâu ra tiền để lo cho gia đình; ở lại thì không ai chăm ba, chăm anh trai và đỡ đần giúp mẹ, càng nghĩ em càng tủi thân. Từ khi anh trai gặp chuyện không may gia đình nhỏ li tán, mẹ buồn và khóc nhiều nên đôi mắt mờ đục không còn nhìn rõ. Cuộc sống cơ cực từ lâu cùng với biến cố gia đình ập đến, mẹ em đã ngã quỵ.

Có lần T. tâm tình với đồng nghiệp để nhận lời khuyên, nhưng rồi em ngậm ngùi vì bế tắc. Có người bảo em xin chuyển công tác về quê để gần nhà, nhưng đâu phải dễ. Nói là quê chứ thực ra đó là nơi đang sinh sống của gia đình em thôi. Ba mẹ quê Bình Định, đưa em cùng anh trai lên lập nghiệp ở vùng đất mới này cũng chỉ mươi năm, có họ hàng quen biết ai đâu để mà nhờ vả. Với lại, nếu xin được việc gần nhà thì chuyển về cũng khó vì khi tuyển dụng T. cam kết sẽ công tác lâu dài. Nếu mọi người đều vậy thì còn ai ở lại dạy học vùng sâu nữa. Càng nghĩ, em càng buồn tủi.

Bẵng đi một thời gian, T. nhận tin gia đình đã xin được việc cho em gần nhà. Trời thương, có người hàng xóm tốt bụng công tác lâu năm ở huyện nơi ba mẹ em sinh sống biết hoàn cảnh đã trình bày với huyện và được huyện đồng ý tiếp nhận chuyển việc.

Nhận tin này, em không dám vui, cũng không kể ai nghe. Em chỉ thầm ước thời gian trôi qua thật nhanh, ít nhất là hết năm học mới dám đề đạt nguyện vọng. Vì thế, em buồn nhiều và trở nên lầm lũi, ít nói...

Hôm ấy, tình cờ nghe câu chuyện của T, cả anh V. và bạn cứ xuýt xoa mãi. Tội nghiệp em. Tuổi thanh xuân căng tràn, em mơ ước được cống hiến và trưởng thành ở nơi đại ngàn xinh tươi này, ngờ đâu nghịch cảnh gia đình đã làm em lung lay...

Miên man ôn lại chuyện cũ, không khí buổi hàn huyên chùng xuống. Mọi người như chợt hiểu sâu hơn một điều gì đó, thật gần nhưng khó diễn tả thành lời.

Trong bữa cơm chiều thân tình, T. cho biết cuộc sống hiện tại của gia đình em rất vui vẻ và hạnh phúc, công việc thuận lợi. Em bảo rằng, em không thể không gặp lại anh V. một lần, để nói lời cảm ơn và nhắc nhớ một ân tình em đã nặng nợ. Ngày đó, sau khi biết được gia cảnh của em qua thông tin từ anh V, huyện đã quan tâm tạo điều kiện cho em được chuyển công tác về gần nhà theo nguyện vọng. Trước khi tạm biệt Kon Tum, em đã tìm đến nhà cũ của anh V. để báo tin nhưng chỉ có chị D. vợ anh. Giờ gặp lại, T. mong muốn hai gia đình gắn kết với nhau, như một lẽ tự nhiên ở đời.

Anh V. cũng vui vẻ kể cho vợ chồng T. nghe về cuộc sống, con người ở Kon Tum hiện tại; kể câu chuyện dạy và học ở Kon Tum và cho em biết những người “cõng chữ lên non” như em ngày trước giờ đỡ vất vả hơn rất nhiều; các em học sinh ở vùng sâu vùng xa đều được chăm lo, học hành chu đáo...

Trời dần khuya, vợ chồng T. tạm biệt ra về trong lưu luyến tình thân. Cầm trên tay giỏ xách lát lỉnh kỉnh quà quê, nào bánh tráng, củ mì tinh, nào mắm mực, dừa khô, lòng anh V. nặng trĩu. Người quê mình xưa giờ vẫn vậy, hiền lành chơn chất, sống nghĩa tình, trước sau.

Xuân này, anh V. và gia đình lại có thêm người bạn tốt, khó tìm. Bỗng nhiên anh thấy đời rất vui...

Phạm Nguyễn

Chuyên mục khác