Nhà trên cây

12/01/2021 13:02

Nhà quay về hướng Tây Nam, cây rủ theo chiều ngược lại. Ở đó, trên những cành nhánh chắc khỏe, vững vàng, cha con ông đã dọn một khoảng trống, dựng lên một cái “chòi” con, tạm gọi là gian nhà, rất riêng và rất lạ. Để thêm một chỗ trú đêm, để ngắm sao trời và nghe gió thổi.

Sau những đợt mưa liên tiếp do hết bão xa rồi lại bão gần, trời đã tạnh ráo. Nắng cũng tươi hơn.

Ăn nhanh chén cơm gạo thơm, thằng con trai vội lên xe ra rẫy, chuẩn bị sửa sang lại vạt cà phê tới kỳ cỗi khô, đã kịp mùa xuống giống. Ông lay lay, nhấc thử chiếc thang cũ xem ra vẫn còn chắc chắn, rồi nhẩn nha trèo lên cái nhà nho nhỏ trên cây ở ngay trước sân nhà. Sáng nay, ông một mình tu bổ lại nó.

Lại một mùa khô nữa tới rồi. Và những ngày nắng rát, nóng khan đang chờ nữa. Một nếp nhà nhỏ trên cây vẫn là chỗ nghỉ ngơi mát mẻ.

Nhà ông nằm ở cuối làng, nhìn thẳng ra cánh đồng mỗi năm hai vụ sạ lúa. Bên khoảng sân khá rộng đã được cẩn thận lát nền bằng xi măng, từ lâu rồi, có một cây si tỏa bóng. Nhà quay về hướng Tây Nam, cây rủ theo chiều ngược lại. Ở đó, trên những cành nhánh chắc khỏe, vững vàng, cha con ông đã dọn một khoảng trống, dựng lên một cái “chòi” con, tạm gọi là gian nhà, rất riêng và rất lạ. Để thêm một chỗ trú đêm, để ngắm sao trời và nghe gió thổi.

Có lần, tôi đã xem và vui mãi với một bộ phim hoạt hình dí dỏm có những chú sóc, chú chim tinh anh chuyền leo trong những căn nhà “tí hon” nằm ở trên cổ thụ nơi giữa rừng sâu. Lòng thầm ước giá được “mục sở thị” thực tế một chuyến thì hay biết bao! Lại khi đến với Măng Đen thông reo đèo cao, hào hứng nhận ra ý tưởng của chủ homestay về những căn nhà trên cây ở Khu du lịch sinh thái quốc gia để thu hút du khách phương xa. Tuy vậy, quả thật thì cho đến giờ, vẫn chưa may mắn lần nào trải nghiệm.

Nhà trên cây như chiếc tổ chim. Ảnh: T.N 

 

Những mong là thế, nên lần này, chỉ tình cờ mà gặp ngay nhà ở trên cây chẳng phải đâu xa, nằm ngay vùng ven thành phố, trong một làng nhỏ của đồng bào Ba Na ở xã Hòa Bình, mới thấy lạ làm sao!

Chủ nhà hay cười, tiếng Kinh không thạo, nhưng cũng đủ nhẩn nha chia sẻ. Ông bảo, từ xửa từ xưa, làng tận ngút ngàn rừng sâu núi thẳm; mấy chục năm nay, mới dời về chỗ sống bây giờ. Định cư và định canh. Có ruộng và nhà xây. Cái nghèo bớt đeo bám. Niềm vui ngày thêm nảy nở. Mái cao nhà rông mọc lên. Cồng chiêng, múa xoang hòa nhịp... Chỉ riêng một chỗ trên cây, ông giữ gìn từ ông cha để lại.

Ông kể, ngày còn bé xíu, đã ở nếp nhà trên cây, từ nơi rẫy xa, mẹ cha sớm chiều lặn lội. Thuở ấy, mỗi năm một mùa tỉa trồng. Thời gian ở rừng của các gia đình dài theo vụ lúa, vụ bắp. Nhà nào cũng có nhà chòi, nhà nào cũng làm bếp củi. Ý già sức trẻ cùng nhau dựng nhà trên cây để tránh xa muông thú. Nhà ở trên cây, ngày ấy rất đỗi đơn sơ, bằng nan bằng le, bằng dây bằng lá… Kỹ càng, cẩn thận “đánh” tranh, nước mưa không lo ngấm xuống. Mùa khô nắng khan, nóng hạn, lại là chỗ nghỉ mát mẻ. 

Thuở ấy dần xa. Sau này, cho dù rất quen, nhưng chẳng mấy người chịu khó cất công giữ nhà trên cây, tạo thêm chỗ trú. Riêng ông, sau bao năm lãng quên, cho đến một lần, ông chợt nhớ ra.

Nếp nhà trên cây ấy trông xa như chiếc tổ chim rất to, nép mình trong tán lá. Rộng, dài cũng đủ chỗ cho dăm người nằm ngang. Cùng với những cọc gỗ, thân le, liếp tre, sợi lạt, ông tranh thủ dùng thêm tấm bạt để tăng độ bền.

 “Nắng nóng, tối tối lên đây, mệt nhọc mấy đều tiêu tan hết”- ông cười nhẹ tênh, thả người xuống sàn liếp nhẵn. Ông bảo, từ ngày dựng nên nếp nhà trên cây, đã không ít lần sửa sang và làm lại. Thằng con trai đã ngoài 20, bận rộn cả ngày với cà phê, cao su và lúa ruộng, vẫn thích ngủ đêm trong cái “chuồng chim” bình dị, lạ lùng.

Nếp nhà trên cây đơn sơ, gần gũi. Ở đây, có khi là ông và bạn già, thỉnh thoảng là vài ba người bên ghè rượu. Nơi này như chiếc tổ chim, mà gió thổi, mây xa, sao trời… Căn nhà xây khang trang làm sao có được?

Ông chưa một lần nghe từ “homestay”, cũng chẳng hay đâu đó, đã có người làm nhà trên cây để làm du lịch. Ông chỉ là một người Ba Na tuổi ngày càng cao, luôn hoài nhớ và mong mỏi truyền trao một nét đẹp từ thuở rất xa, kẻo đến một ngày, sẽ không còn nữa.

Thanh Như

Chuyên mục khác