Nguy cơ từ “bảo mẫu” công nghệ số

06/06/2018 13:05

Cuộc sống hiện đại, các thiết bị thông minh, từ ti vi thông minh, điện thoại thông minh, iphone, ipad, máy vi tính… với các tính năng ứng dụng của nó cứ thế mà ùa vào từng gia đình, chen ngang vào cuộc sống và dường như trở thành “vật bất ly thân” của không ít con trẻ.

Con nhỏ, phải có “bảo mẫu” iphone, ipad… mới ăn được miếng cháo. Lớn hơn chút, cũng phải có “bảo bối” iphone, ipad… mới hết mè nheo cha mẹ. Mới vài ba tuổi, cũng quẹt ngang quẹt dọc điện thoại thông minh, sành sỏi lắm. Thấy vậy, có người hào hứng khoe, con trẻ bây giờ giỏi quá, mới tí tuổi đầu đã làm chủ được công nghệ. Có người thì lại thở dài, báo chí, truyền thông đã cảnh báo, biết là lợi bất cập hại đấy, nhưng thành trào lưu, con người ta có, con mình không, sao đặng…

Vậy là, không quá khó để chúng ta bắt gặp những khi nhà neo người, những khi nhà có tiệc…, để yên chuyện cho người lớn trò chuyện hay làm công việc, con trẻ cứ thế mà thoải mái vùi đầu vào các thiết bị công nghệ. Thậm chí có những gia đình, dù đã chọn không gian riêng tư cho gia đình, dù tổ chức những bữa cơm sum vầy, nhưng từ cha mẹ đến các con, lại đều vùi đầu vào điện thoại…

Không ai phủ nhận được những thay đổi cuộc sống mà công nghệ thông tin mang lại. Người dân, đặc biệt là lớp trẻ hòa nhập với thế giới công nghệ số, được cập nhật kiến thức, được tăng thêm tính sáng tạo...

Nhưng, đi cùng với đó là mặt trái mà thế giới công nghệ số đã, đang và sẽ tạo ra - những rủi ro, nguy hại cho trẻ em nếu không có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Tiếp cận từ thơ bé, những ứng dụng giải trí, mạng xã hội trên các thiết bị công nghệ trở thành vật bất ly thân với nhiều con trẻ. Trong những lần sum họp của gia đình, của bạn bè cùng trang lứa, không ít người đã theo đuổi một thế giới riêng, dù rất gần nhau, nhưng cứ ngỡ như xa lắm. Sống ảo, sự xa cách đó cứ thế mà lớn dần lên. Thiếu đi sự gần gũi, chia sẻ, bố mẹ cũng khó mà hiểu được tâm tư mà định hướng con trẻ…

Chuyện con trẻ say mê thế giới công nghệ số, thậm chí theo hướng nghiện những ứng dụng giải trí, mạng xã hội có lẽ chẳng phải của riêng gia đình nào mà trở thành căn bệnh xã hội hiện đại. Thụ động, học hành sa sút, sức khỏe ảnh hưởng, bị tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ những nguồn thông tin thiếu lành mạnh. Có em còn phát sinh những thói hư như không nghe lời bố mẹ, bỏ học, trộm cắp, lừa dối mọi người…

Đã có không biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ tiêu tốn thời gian cho những lần theo dõi, những cuộc khuyên răn, đe dọa khi con mải mê theo game…

Đã có không ít trẻ trở thành “miếng mồi” xâm hại, bóc lột, lừa đảo… vì thiếu đi những kỹ năng khi tham gia vào thế giới công nghệ số…

Và cũng đã có không biết bao nhiêu tiếng thở dài và cả những giọt nước mắt… khi con lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật mà nguyên nhân cũng chỉ vì  lỡ nghiện game, mạng xã hội…

Biết hại là vậy, nhưng không ít ông bố bà mẹ đành tặc lưỡi, cũng không có cách nào khác. Khi điểm vui chơi công cộng, không gian sinh hoạt cộng đồng thiếu, con trẻ biết đi đâu, làm gì. Và so với hàng loạt các nguy cơ bủa vây: xâm hại tình dục, đuối nước, tai nạn thương tích… mang đến hậu quả tức thì thì cho con tiếp cận với thế giới công nghệ số: game, mạng xã hội, xem ti vi, vi tính… có lẽ vẫn là lựa chọn an toàn khi mình không có đủ thời gian bên con…

Nhằm hạn chế những rủi ro trên mạng cho trẻ em, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Song cùng với các biện pháp được các cấp, các ngành triển khai, các bậc phụ huynh đành cứ dặn lòng, thôi thì, căn dặn, nhắc nhở con sử dụng hiệu quả, hợp lý vẫn là điều cốt yếu…

Nhưng, trong thời đại công nghệ số phát triển nhanh và sự bùng nổ mạng xã hội như hiện nay, chỉ riêng từ phía phụ huynh là chưa đủ. Tháng hành động vì trẻ em cấp quốc gia năm nay với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, một lần nữa cho thấy sự day dứt và sự nỗ lực của toàn xã hội xung quanh chuyện, làm sao để trẻ có được môi trường học tập, an toàn, làm sao để trẻ không lạm dụng “bảo mẫu”, “bảo bối” trong thế giới công nghệ số hiện nay… là hết sức cần thiết.

Nguyên Phúc 

Chuyên mục khác