Ngồi nghe gió hát

24/05/2021 13:06

Anh tung chăn ngồi dậy, nhìn ra cửa sổ, trời mới nhờ nhờ sáng. Ở cái làng nằm nép dưới chân núi này, mặt trời đến muộn hơn. Phía nhà văn hóa thôn bắt đầu rộn ràng âm thanh của ca khúc Bài ca bầu cử từ chiếc loa phóng thanh, sau một hồi khọt khẹt như “dọn giọng lấy hơi”.

Mấy anh chị trong tổ bầu cử thôn này cũng “bắt trend” nhanh thật- vừa dọn dẹp giường chiếu, anh vừa vui vẻ nghĩ, miệng lẩm nhẩm theo giai điệu vui tươi của ca khúc đang nổi rần rần trên mạng xã hội.

Hé cửa bước ra hành lang, anh như lọt hẳn vào màn sương. Những hạt li ti giăng kín núi rừng, cây cối, la đà bay trên những mái nhà tôn còn nằm im lìm sau hàng rào thưa xiêu xiêu.

Vậy là anh đã “neo” lại một mình ở làng được 1 tuần. Khi các đồng nghiệp khăn gói rút quân vì đề án khảo sát khoáng sản cơ bản hoàn thiện, anh được điều lên để hoàn tất khâu cuối là hiệu chỉnh kết quả, sắp xếp mẫu vật trước khi chuyển đi. Khối lượng công việc nhiều, thời gian kéo dài ngoài dự kiến nên anh được bổ sung vào danh sách cử tri của làng.

Khi anh đến đăng ký, chị trưởng thôn phấn khởi quá, nhờ anh tham gia trang trí điểm bỏ phiếu. Anh tỉ mẩn làm hòm phiếu, kẻ vẽ bảng hướng dẫn, xuống thị trấn mua dây nilon màu về căng luồng đi cho cử tri…

Trong sương, đã nghe tiếng bước chân, rồi tiếng người nói cười lao xao. Anh nhìn đồng hồ, mới 6 giờ 15 phút. Cán bộ ơi, dậy chưa? Đi bầu thôi- có người gọi với lên. Rồi tiếng cười rúc rích của mấy cô gái. Cán bộ đừng đi muộn nhất nhé, xấu hổ lắm đấy. Anh hình dung ra gương mặt trái xoan, đôi mắt to, tròn, sâu hun hút của người đang nói.

Cô gái có đôi mắt sâu hun hút ấy cũng là người đã dẫn anh đến nhà già làng vào buổi chiều muộn một tuần trước, khi anh đang lơ ngơ đứng giữa ngã ba đường.

Nhớ lại anh vẫn thấy xấu hổ. Bởi cách đây hơn 10 năm, anh cũng đã từng ở đeo ba lô lặn lội nhiều ngày ở vùng này để khảo sát thực địa, phục vụ cho việc lập bản đồ các điểm khoáng sản. Hẳn là do làng thay đổi nhiều quá- cô gái an ủi khi nghe anh lúng túng nói đã từng ở đây, nhưng giờ lại quên cả đường đi.

Mà cũng phải. Làng bây giờ trù phú, khang trang lắm. Con đường đất rách tướp, nhỏ như sợi chỉ, lồi lõm những hố, những rãnh đã được trải bê tông phẳng phiu; 2 bên đường nhà dân san sát, hầu hết đều xây gạch, lợp tôn kiên cố; vườn tược được rào dậu để trồng rau…   

Anh ghé vào cửa hàng tạp hóa trước nhà văn hóa thôn mua mấy hộp bánh làm quà. Thật bất ngờ khi có người trong nhóm thanh niên đi làm rẫy về, ghé vào uống nước nhận ra, gọi tên anh. Vồn vã bắt tay nhau, vồn vã mời nhau uống nước.

Anh quay như chong chóng, chào hỏi mọi người. A Hậu đây à. Hồi trước đi theo dẫn đường, nhanh như sóc, nay đã có vợ con rồi cơ đấy. Còn A Khâu này, khỏe không? Tự học tập kinh nghiệm trồng cà phê, bời lời; nay có 4 sào cà phê, 2 sào bời lời và một ngôi nhà khang trang, tường gạch, mái lợp tôn, nền lát gạch hoa cơ à. Lấy vợ đi. Con gái trong làng thường đem ra để so sánh và... ước ao ai mà được A Khâu chọn thì sướng đấy...

Tiếng cười râm ran quán nhỏ. Anh nhận ra, dù cuộc sống đổi thay nhiều rồi, nhưng dân làng trước sau vẫn vậy, nồng hậu, mến khách và chân thành.

Mấy ngày sau đó, cô gái có ánh mắt sâu hun hút tự nguyện trở thành “hướng dẫn viên” cho anh. Cuối tháng Năm, trời thường trong vắt như được lọc qua một tấm vải màu xanh.

Đang ở thời điểm mùa mưa dùng dằng chưa tới, mà mùa khô hãy còn vướng víu trên những sườn núi với nắng vàng rừng rực. Dù có nóng nực chút đấy, nhưng thỉnh thoảng lại trút xuống một cơn mưa rào… rất lạ.

Nói như vậy vì mưa rào ở đây khác với mưa rào miền Bắc quê anh. Có hôm nhìn trời âm u, cứ chuẩn bị tinh thần cho một ngày mưa, thế nhưng gió hiu hiu, trời mát mẻ và… tạnh ráo, ấy thế mà hôm trời nắng chang chang, mưa bất ngờ đổ xuống, đúng vào lúc không ngờ nhất. 

Đôi khi anh so sánh với mưa miền Bắc quê mình. Vào cữ cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu, miền Bắc cũng hay có mưa rào, nhưng thường thường không lớn bằng mưa ở đây. Mưa xong sẽ có khoảng thời gian “quá độ”, mát mẻ, hiu hiu cái đã, chứ không thoắt một cái mưa, mưa xong lại nắng liền.

Vào những lúc mưa như thế, anh và cô bé thường đang lang thang tận rẫy cà phê, hoặc những sườn đồi ngút ngàn cỏ đuôi chồn, nên không kịp tìm chỗ trú, ướt lướt thướt. Cô gái vẫn đi nhanh thoăn thoắt theo sườn núi trơn trượt, tiếng cười vang và trong như chuông bạc.

Ánh mắt sâu hun hút thỉnh thoảng lại nhìn anh, như muốn nói: Cảm giác của anh thế nào? Tôi không biết. Nhưng tôi biết là đối với nhiều người, ở làng vào những ngày này mê không chịu nổi đâu. 

Ảnh minh họa.

 

Ở đây, nắng như reo và gió như hát. Không khí thanh bình hiện lên từ ngọn gió, từ tiếng cười trong veo, từ tiếng mõ trâu lốc cốc, tiếng giã gạo thong dong của người mẹ, người chị nào đó. 

Ở đây, cuộc sống cũng còn nhiều vất vả, nhưng dân làng sống nhẹ nhàng, bình dị, không bôn ba, lo nghĩ quá đến tiện nghi cuộc sống, kiểu như tủ lạnh, máy giặt hay điều hòa không khí… Như buổi trưa, cũng oi, cũng nóng, cũng mồ hôi kê nhễ nhại, nhưng mọi người hài lòng với việc kiếm một chỗ nào có gió mát để chợp mắt chút xíu.

Anh thích được đi bộ trên những lối đi ngoằn ngoèo, hai bên đầy hoa dại, dẫn tới những ngôi nhà sàn nhỏ, những khoảnh sân đất líu ríu đàn gà kiếm ăn, vài con heo dũi đất bên bể nước; bầy trẻ con chạy giỡn, mặt mũi lem luốc mà cười trong veo…

Anh thích được ngồi trên sườn đồi vào những buổi chiều, giữa mênh mông cỏ đuôi chồn, nhìn về làng đang vờn lên những cụm khói. Vào một chiều như thế, cô gái nhủ anh nhắm mắt lại sẽ nghe “gió hát”. Anh đã bật cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy, nhưng vẫn làm theo, và kỳ lạ thay, anh đã nghe gió hát thật. Hiền hòa và dịu êm, giai điệu của gió làm lòng anh mềm lại, bao nghĩ suy, dằn vặt, trăn trở lắng dịu hơn.

Anh ngẩn ngơ với những hàng rào bên đường trở nên sặc sỡ với váy áo, chăn màn hong nắng. Vài người phụ nữ tắm gội xong ra sân phơi tóc mỉm cười khi anh đưa máy ảnh lên, nụ cười thật thân thiết, dịu dàng, ấm áp, không phải kiểu cười xã giao, cười “cho có” mà anh thường gặp đâu đó trên phố.

Người già ngồi hút thuốc phía đầu hồi, rất sẵn lòng mời khách vào nhà thưởng thức cang rượu ủ bằng men lá rừng và hạt kê, nhấm nháp miếng mây nhân nhẩn đắng mà ngọt hậu. Và khi khách về, thể nào cũng được dúi vào tay trái dưa nước trồng trên rẫy mập mạp, nhìn thôi đã muốn cắn một miếng cho đã.

Tối hôm ấy, trong căn nhà sàn của già làng, dân làng tụ tập tiễn chân anh. Trong bếp, củi gỗ thông cháy rừng rực, thỉnh thoảng nổ lép bép, bắn tung ra những tràng hoa lửa. Ngày mai anh sẽ theo xe chuyển mẫu quặng về xuôi. Gió thổi miên man trên triền đồi, luồn vào từng góc nhà, thổi tung mái tóc của những cô gái.

Khói bốc lên, quanh quẩn trên mái nhà, rồi lại sà xuống bếp. Những khuôn mặt cũng ánh lên trong lửa, hồng hào bởi men rượu ghè. Trong góc nhà, có ánh mắt sâu hun hút nhìn anh.

Anh đắm chìm trong không gian huyền ảo, được tạo nên bởi mùi thơm củi thông và hơi khói, và tiếng hát nồng nàn của A Hậu: “Ơi! Em gái cao nguyên đội nắng trên vai đôi. Mắt sáng sáng hơn sao trời, dù bao gian khó gian khổ lắm miệng vẫn tươi cười. Ta về nghe gió hát ca bên ta, thương về nơi ấy thênh thang đại ngàn. Mai này rời xa em có quên ta. Xin gửi chút nắng cho ta lại về” (Về nghe gió kể).

Anh chợt thấy buồn, thấy sợ khi nghĩ tới chuyện phải rời xa làng, xa cuộc sống thanh bình và những nụ cười cởi mở, ấm áp trong vài ngày tới. 

Nhắm mắt lại, anh mơ màng nghe tiếng hát như xa, như gần. A Hậu hát hay gió đang hát?

Hồng Lam

Chuyên mục khác