21/03/2021 06:03
Thấy thông tin kết luận về nguyên nhân của chùm ca bệnh ở làng Kon Kum được đăng tải trên Báo Kon Tum online, cô bạn tôi vội vàng mở ra xem, ít giây sau liền buồn bã chép miệng: Vậy, chính xác là ngộ độc thực phẩm rồi. Trầm ngâm một lát, bạn thở dài nhắc lại câu nói của một vị đại biểu Quốc hội mà sau này nhiều người hay sử dụng khi nói về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm: Đúng là “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế” với vẻ đau xót.
Căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đối với 3 trường hợp là A.L và A.V (cùng 24 tuổi), nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 25/2 và anh A.D (25 tuổi), nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 2/3, ngành Y tế đã xác định nguyên nhân của chùm ca bệnh này do ngộ độc thực phẩm và tác nhân gây bệnh được xác định là Clostridium Botulinum sinh độc tố typ E. Kết quả điều tra an toàn thực phẩm cho thấy, từ ngày 13-21/2, các nhóm hộ ở làng Kon Kum tập trung tổ chức nhiều bữa ăn, uống rượu với nhau nên rất khó xác định được bữa ăn và thực phẩm nhiễm Clostridium Botulinum.
Trước đó, trên các báo đều đăng tải thông tin về chùm ca bệnh này với nghi vấn ngộ độc thực phẩm đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Xót xa hơn cả là trong số nhiều người phải nhập viện cấp cứu, có 2 người đã tử vong trước đó.
|
Không riêng ở tỉnh ta, chỉ mới đây, vào ngày 14/3, tại tỉnh Lai Châu cũng xảy ra một vụ ngộ độc tập tập thể sau khi ăn đám cưới của một gia đình tại xã Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ, làm 93 người bị ngộ độc.
Hằng ngày, hằng giờ, trên các mặt báo, phương tiện thông tin cũng luôn đăng tải, trên các trang mạng xã hội chia sẻ rất nhiều tin tức về các vụ ngộ độc thực phẩm hay những vấn đề liên quan đến thực phẩm bẩn. Ngộ độc thực phẩm - vấn đề cũ, nhưng nỗi lo luôn mới. Đặc biệt, những năm qua, số lượng các vụ ngộ độc ở các vùng đồng bào DTTS xảy ra ngày càng nhiều và hậu quả thường rất nghiêm trọng.
Nguyên nhân chủ yếu được các ngành chức năng đưa ra, đó là những thói quen sử dụng thực phẩm không đảm bảo, không rõ nguồn gốc xuất xứ; việc chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách; uống rượu vô tội vạ, sử dụng rượu có chứa độc tố…
Về mặt khách quan, hiện nay, việc vận chuyển, đưa hàng hóa thực phẩm đến các vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, đa phần là do tiểu thương “hai sọt” cung ứng nên người dân khó tiếp cận được với nguồn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn. Trong khi đó, người dân ở nhiều làng đồng bào DTTS hay tụ tập ăn uống nên những vụ ngộ độc thường có số lượng nạn nhân đông.
Đa số các vụ ngộ độc xảy ra ở những vùng xa xôi, giao thông đi lại khó khăn, trong khi các trạm y tế của các xã hầu như không đủ năng lực và điều kiện để can thiệp, xử lý. Thêm vào đó, tâm lý của người dân thường chủ quan, tự chữa trị khi mắc bệnh nên các vụ ngộ độc khi được phát hiện và cấp cứu thì phần đa đã chuyển biến nặng.
Một điều đáng nói là cứ sau mỗi vụ ngộ độc thực phẩm thì chính quyền địa phương, ngành chức năng mới tiến hành thanh tra, kiểm tra ráo riết, đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, sau một quãng thời gian, khi mọi chuyện lắng xuống thì việc thanh tra, kiểm tra, truyền thông cũng mờ nhạt dần, nên người dân lại có tâm lý chủ quan, lơ là và thói quen tụ tập ăn uống lại tiếp diễn.
Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng ngộ độc thực phẩm? Ðó là câu hỏi không dễ trả lời... Thế nhưng, nâng cao kiến thức, thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề an toàn thực phẩm, từ đó, hạn chế bớt những vụ ngộ độc đáng tiếc thì lại là việc hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Để thực hiện được điều này, những biện pháp như thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở trên cần được triển khai thường xuyên, liên tục, quyết liệt hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Đây có lẽ không chỉ là việc của riêng ngành Y tế mà cần có sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành khác, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền các địa phương ở cơ sở.
Thực phẩm là một trong những nhu yếu phẩm không thể thiếu trong đời sống mỗi ngày, mọi con đường của thực phẩm cuối cùng đều đến bữa ăn và tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người. Để mỗi bữa ăn, buổi tiệc không còn những điều phải nuối tiếc thì cùng với công tác quản lý, mỗi người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, ý thức trong sử dụng, chế biến, tiêu thụ thực phẩm.
Thùy Hương