Nghiêm khắc với hành vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng

11/11/2019 13:04

Để hạn chế tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, việc tăng chế tài xử lý là điều cần thiết nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và có tác dụng răn đe của pháp luật. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm là điều hết sức quan trọng…

Trong dòng thông tin sự kiện tuần qua, tôi đặc biệt ấn tượng về vụ việc ngày 1/11, Tòa án nhân dân quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) tuyên phạt 18 tháng tù giam đối với bị cáo Bùi Văn Sáng - đối tượng dùng hóa chất để rửa rau củ. Đây là trường hợp đầu tiên trên cả nước đối tượng có hành vi cố ý gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây nguy hiểm cho xã hội và sức khỏe người tiêu dùng bị xử lý hình sự, điều này nhận được sự quan tâm và đồng thuận cao của dư luận xã hội.

Theo cáo trạng, Bùi Văn Sáng là chủ cơ sở chế biến nông sản, cung cấp cho chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức. Từ tháng 1/2017, đối tượng này thuê người dùng hóa chất sodium sulfate để ngâm, rửa củ cải; cung ứng ra thị trường 7-8 tấn củ cải “ngậm” hóa chất mỗi ngày. Phải sau rất nhiều ngày theo dõi, đến ngày 14/4/2018, trinh sát Đội 3 Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt được quả tang các nhân viên đang thực hiện hành vi dùng hóa chất ngâm 3,1 tấn cà rốt, củ cải. Đây là loại hóa chất có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, tổn thương mao mạch; người thường xuyên sử dụng thực phẩm bị tẩy trắng có nguy cơ bị ung thư rất cao…

Chắc hẳn, qua vụ án tẩm hóa chất vào thức phẩm này, nhiều người  không khỏi giật mình lo sợ cho sức khỏe của bản thân và gia đình mình; bởi không ai có thể thống kê mình đã sử dụng bao nhiêu kilôgam củ cải, cà rốt được “tắm” hóa chất này cho bữa ăn của gia đình. Hành vi buôn bán “thực phẩm bẩn” bất chấp đạo lý chỉ nhằm trục lợi này không khác gì những kẻ phạm phải tội ác giết người hàng loạt; bởi nó gián tiếp đầu độc, giết hại nhiều người.

Mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Hoài Tiến

 

Tôi vẫn nhớ như in, trên địa bàn tỉnh ta, vào tháng 9/2017, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh bắt quả tang cơ sở thu mua sầu riêng của bà Trần Thị Tuyết (tổ 4, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum) đang làm chín sầu riêng bằng hóa chất không rõ nguồn gốc. Tại hiện trường, lực lượng chức năng kiểm kê phát hiện có khoảng gần 2 tấn sầu riêng, trong đó, có khoảng 1,2 tấn đã được nhúng hóa chất.

Việc xử lý hình sự hành vi sử dụng hóa chất cho thực phẩm đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận vì từ lâu vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là điều khiến người dân lo lắng.

Thực tế, thời gian qua, câu chuyện thực phẩm “ướp” hóa chất độc hại; sử dụng kháng sinh, chất kích thích, chất tạo nạc bừa bãi trong chăn nuôi; rồi việc dùng thuốc tăng trưởng, trừ sâu vô tội vạ trong trồng trọt... không còn xa lạ với người tiêu dùng mà trở thành vấn đề phổ biến. Người dân không còn ngạc nhiên trước việc ở một số nơi, nông dân trồng rau hai luống, nuôi lợn hai chuồng, sản phẩm an toàn để nhà dùng còn sản phẩm chứa chất độc hại thì mang đi bán. Rồi đến lượt mình, thương lái thêm một lần nữa tiếp tục cho các loại thực phẩm “ngậm” đủ các loại hóa chất. Có người còn công khai mua sầu riêng non, bơ non, chuối non… rồi về ngâm hóa chất cho nở ra và chín đều, tươi mãi không hỏng; rau, củ rửa qua hóa chất cho trắng, sạch, tươi rói, bắt mắt, thậm chí là tiếp tục lớn trong quá trình bày bán…

Nhiều người vẫn hay nói đùa với nhau rằng, “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn như thế”, “ăn cũng chết, không ăn cũng chết, nhưng ăn thì chết dần, không ăn thì chết liền”… Vậy nên, biết rằng không ít thực phẩm được bày bán hàng ngày ở các chợ chứa hóa chất độc hại, nhưng các bà nội trợ đành tặc lưỡi phó mặc cho số phận.

Nhiều người bất chấp đạo đức, bất chấp sức khỏe, mạng sống của người khác chỉ để kiếm tiền, kiếm tiền bằng mọi giá. Nhưng qua đó, các cơ quan nhà nước cũng phải nhìn nhận lại, có lẽ chính chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe hay các cơ quan chức năng, những người thực thi nhiệm vụ đâu đó vẫn còn tình trạng “nể nang” là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hành vi trên vẫn tồn tại, bởi các đối tượng vi phạm “lờn thuốc”. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng tẩm hóa chất khi bị phát hiện chỉ bị xử phạt hành chính, nhắc nhở quá nhẹ nên sau đó họ vẫn tiếp tục vi phạm.

Vừa qua, các cơ quan chức năng ở quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) xử lý hình sự vụ việc tẩm hóa chất độc hại vào thực phẩm là tín hiệu đáng mừng, cho thấy bước chuyển quan trọng trong cuộc chiến chống “thực phẩm bẩn”, bảo vệ sức khỏe người dân. Chưa bao giờ người tiêu dùng lại mong chờ sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng như bây giờ. Truy cứu trách nhiệm hình sự, bỏ tù, xử lý nghiêm đối với những kẻ sản xuất, kinh doanh “thực phẩm bẩn”… là những ý kiến mà người tiêu dùng thường bày tỏ lâu nay thì nay đã được các cơ quan chức năng áp dụng trong thực tế, một hành động quyết liệt của các cơ quan thực thi pháp luật trước vấn nạn này.

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, mới đây, UBND tỉnh Kon Tum ban hành văn bản số 2833 /UBND-KGVX (ngày 28/10/2019) yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trong đó sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Để hạn chế tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, việc tăng chế tài xử lý là điều cần thiết nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và có tác dụng răn đe của pháp luật. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm là điều hết sức quan trọng…

Thùy Hương

Chuyên mục khác