Nghỉ hè của con, nỗi lo của cha mẹ

01/06/2019 06:00

Một năm học vừa kết thúc và các em học sinh bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè. Nghỉ hè là niềm vui đối với trẻ, nhưng dường như lại là nỗi lo của không ít bậc phụ huynh. Làm sao để có một mùa hè vui vẻ, an toàn và bổ ích cho con là điều khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

Vừa qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum tổ chức họp phụ huynh cuối năm để thông báo kết quả học tập và kế hoạch nghỉ hè của học sinh.

Vừa rời buổi họp, cô bạn tôi sau một vài lời hỏi thăm, chia sẻ về thành tích học tập của con mình thì lập tức than vắn thở dài, vì gia đình chưa biết tính thế nào với mấy tháng hè của hai cậu con trai.

Bạn nói: Mọi năm, cứ hè đến là vợ chồng mình chọn giải pháp gửi con về quê để nhờ ông bà ngoại chăm hộ. Nhưng năm nay, ông bà ngoại đều yếu, các con lớn thêm, nghịch ngợm hơn nên giải pháp này không khả quan nữa. Giờ vợ chồng mình chưa biết tính sao...

Quản lý con em trong dịp hè, nỗi lo ấy có lẽ không của riêng ai, nhất là với những gia đình công nhân, viên chức ở thành phố.

Con trẻ mong đợi đến kỳ nghỉ hè để không phải dậy sớm, không phải vùi đầu học tập từ sáng đến chiều, được thoải mái vui chơi và thực hiện những dự định mà chúng luôn ấp ủ, nhưng với cha mẹ thì đây là khoảng thời gian “đau đầu” nhất.

Lướt qua các trang mạng xã hội, tôi thấy trên diễn đàn dành cho cha mẹ cũng xuất hiện nhiều câu hỏi và những chia sẻ của các bậc phụ huynh về kinh nghiệm “ứng phó” với kỳ nghỉ hè của con. Phần đông mọi người đều bày tỏ lo lắng về kỳ nghỉ dài này. Bởi, nếu gia đình không quản lý tốt thì trẻ con (nhất là những em học sinh ở độ tuổi từ cuối cấp tiểu học trở lên) sẽ sa vào những trò chơi vô bổ như điện tử, chơi bời lêu lổng, thậm chí là vướng vào các tệ nạn xã hội; còn với trẻ nhỏ thì tìm đâu ra chỗ gửi con cho an toàn, tránh được những tai nạn thương tích. Đây không phải là vấn đề mới, song nhiều gia đình vẫn luôn tỏ ra lúng túng trong việc tìm ra giải pháp tối ưu nhất…

Đúng là, không lo sao được khi mà mỗi năm, những chuyện không vui xảy ra với trẻ em vào dịp hè luôn chiếm tỷ lệ cao. Thậm chí, ngay khi chưa vào hè, nhưng thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục xuất hiện những tin tức học sinh bị đuối nước xảy ra ở nhiều địa phương.

Thống kê của ngành chức năng cho thấy, mỗi năm cả nước có trên 2.000 trẻ em bị đuối nước, trong đó phần lớn xảy ra vào ngày hè khiến nhiều người xót xa, các bậc làm cha mẹ không khỏi giật mình lo lắng. Rồi tình trạng tai nạn giao thông, xâm hại trẻ em đang diễn ra ở nhiều nơi. 

Thời gian nghỉ hè của học sinh kéo dài gần 3 tháng, trong khi đó, các bậc phụ huynh vẫn phải đi làm cả ngày. Với những gia đình may mắn ở cùng ông bà thì đỡ phải lo lắng, vì đã có ông bà trông nom. Với những gia đình mà ông bà ở quê vẫn còn khỏe thì việc gửi con về quê, nhờ ông bà trông hộ cũng là giải pháp an toàn. Thêm vào đó, đây là cách giúp trẻ tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, có chỗ vui chơi thoải mái và có nhiều trải nghiệm bổ ích...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể nhờ cậy được ông bà.

Bí quá, nhiều người đành “nhốt” con ở nhà, rồi mở tivi, ipad để “giữ chân” trẻ, cha mẹ nghỉ làm luân phiên trông con hoặc đưa con đến cơ quan.

Nhiều phụ huynh thì “chạy đôn, chạy đáo” tìm những lớp học thêm với lịch học dày đặc mà cốt yếu là để “lấp đầy” thời gian rảnh của con. Học thêm, học thêm và học thêm - điệp khúc ấy lại diễn ra; kỳ nghỉ hè của trẻ lại biến thành kỳ học thứ ba, nhưng biết làm sao được.

Vậy là kỳ nghỉ hè của con trẻ bất đắc dĩ đã trở thành gánh nặng cho bố mẹ, còn các con cũng không được nghỉ ngơi, vui chơi đúng nghĩa.

Vẫn biết, việc mang đến một kỳ nghỉ hè với những hoạt động bổ ích để trẻ được thực sự nghỉ ngơi, giải trí lấy lại sự cân bằng chuẩn bị cho một năm học mới là cần thiết, nhưng với nhiều bậc phụ huynh thực hiện điều này không hề dễ dàng. Không riêng gì những bậc cha mẹ có con nhỏ, đây cũng là trăn trở, lo lắng của những người có trách nhiệm.

Ngay trong Lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Kon Tum” năm 2019, một trong những nội dung được Ban chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh quan tâm, mong muốn là vào dịp hè, các địa phương tăng cường chỉ đạo phối hợp triển khai các giải pháp đảm bảo “Mùa hè an toàn cho trẻ em” ở cơ sở. Nhà trường, gia đình và chính quyền, đoàn thể phối hợp quản lý, giám sát, hướng dẫn thiếu niên, nhi đồng vui chơi lành mạnh, bổ ích, an toàn; hướng các em đến các lớp bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách sống có trách nhiệm, tích cực với cộng đồng, xã hội…

Có như vậy, nỗi lo lắng mang tên “con được nghỉ hè” của các bậc phụ huynh mới được giải tỏa và kỳ nghỉ hè của con trẻ thực sự là những tháng ngày vui vẻ.

Thùy Hương

Chuyên mục khác