Nghèo ơi, tạm biệt nhé

16/02/2021 13:04

Từ hôm nay Nhàn sẽ chăm chỉ làm việc hơn, sẽ chịu khó tăng ca ở nhà máy và tranh thủ trồng thêm rau, mua thêm đàn gà về nuôi. Rồi mọi thứ sẽ tốt hơn thôi. Cô nhoẻn miệng cười hạnh phúc “Nghèo ơi, tạm biệt nhé, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại”.

Đêm đã khuya. Nhàn trằn trọc, không thể nào chợp mắt được, trong đầu ngập tràn những suy nghĩ. Chưa bao giờ Nhàn suy nghĩ nhiều như tối nay. Bình thường, giờ này Nhàn đang say giấc nồng rồi. Có lẽ là do chuyện xảy ra chiều nay chăng? Nhàn tự hỏi.

Chiều nay, Nhàn đi họp rà soát hộ nghèo tại nhà văn hóa của thôn.

Nhàn sinh ra trong một gia đình nghèo khó, và trải qua một tuổi thơ khá nhọc nhằn. Cô chẳng được ăn học tử tế lại điếc nhẹ, thành ra cũng có nhiều lúc cứ lóng nga lóng ngóng.  Nhàn chẳng được sắc sảo, nhanh nhẹn, nhưng bù lại có nét duyên ngầm, nhìn khá dễ thương. Cô đi làm, vào tận Sài Gòn xa xôi khi chỉ mới 15 tuổi, phiêu bạt khắp đây đó. Trong quãng thời gian thanh xuân của mình, có những người đàn ông đến rồi say mê cô, tưởng rằng đó là bến đỗ của đời mình. Nhưng rồi, họ cứ lặng lẽ ra đi.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 

Hơn 30 tuổi, cô là mẹ đơn thân, một mình nuôi 3 đứa con. Nơi đất khách quê người nếm đủ cay đắng cuộc đời. Biết rằng, không thể bám trụ mãi ở một nơi xa xôi, cô quyết định trở về quê, sống cùng bố mẹ già. Tháng ngày lầm lũi với ruộng đồng, thu nhập chẳng được là bao, cuộc sống rất khó khăn, túng thiếu, Nhàn thấy mình nghèo lắm, và khu dân cư cũng nhận ra điều đó, thế là họ cho Nhàn vào danh sách hộ nghèo mỗi khi rà soát.

Được hộ nghèo, Nhàn và các con được Nhà nước cấp cho thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, các con Nhàn đi học được miễn giảm học phí. Nhàn làm chế độ hộ nghèo đơn thân nuôi con, mỗi tháng lại được thêm vài trăm nghìn trang trải. Vừa rồi, dịch bệnh Covid- 19, hộ nghèo nằm trong danh sách được hỗ trợ, ấy thế là lại có tiền. Đấy, trước chưa “vào nghèo” thiếu trăm thứ, khổ. Giờ “được nghèo”, được quan tâm Nhàn thấy phấn khởi. Năm nào đi họp thôn về, nhà Nhàn nằm trong danh sách hộ nghèo là Nhàn thấy hồ hởi, những cái “lợi” cứ vụt sáng trong Nhàn. Thế nhưng…

“Thưa bà con. Hôm nay, về dự hội nghị rà soát nghèo ở thôn mình, tôi mong các bác, các cô, chú, anh, chị, em có mặt ở đây hãy lắng nghe những tâm sự từ tận đáy lòng của tôi. Thưa mọi người, tôi chỉ nghĩ một điều rất đơn giản, chúng ta sinh ra khỏe mạnh, lành lặn đã là một niềm hạnh phúc. Hạnh phúc vì ta là một người có đủ khả năng để lao động, tạo ra những giá trị để nuôi sống bản thân mình và có thể giúp ích cho xã hội. Tôi thấy ngoài kia có nhiều người khiếm thị vẫn ngày đêm miệt mài với những chiếc tăm nhỏ bé, có những người khuyết tật vẫn trở thành vận động viên và tỏa sáng, có nhiều, nhiều lắm những tấm gương về nghị lực vượt khó. Vì đơn giản, với mỗi người lòng tự trọng và niềm tin vào bản thân mình lớn lao hơn bao giờ hết. Tôi buồn vì chúng ta chỉ biết xin vào nghèo, chứ không ai muốn xin ra. Buồn vì, nhiều người nỗ lực, cống hiến để xây dựng đất nước phồn thịnh và hạnh phúc thì cũng lại có nhiều người muốn trở thành gánh nặng của xã hội. Trong khi, ngay cả những người sinh ra đã không được may mắn, vẫn cố gắng và không ngừng nỗ lực, để trở thành người có ích, kiếm sống bằng sức lực của mình, tại sao chúng ta không coi đó là tấm gương, là động lực cho chính bản thân mình. Chúng ta lại đi so đo, tranh nhau vào nghèo chỉ vì những lợi ích cá nhân hết sức tầm thường. Tiền bạc và của cải đến rồi lại đi, nhưng lòng tự trọng và niềm kiêu hãnh thì còn mãi” - giọng của chị Thùy, cán bộ Văn hóa xã vang lên, dập tan những lời tị nạnh, cãi vã tranh nhau “vào nghèo” của người dân trong thôn.

Nhàn tự thấy người run lên bần bật, không phải vì sợ người ta không nhất trí cho nhà Nhàn nghèo nữa. Mà vì, những lời nói kia làm Nhàn chạnh lòng. Sao Nhàn cứ thấy như thể người ta đang ám chỉ mình ấy nhỉ, mặc dù Nhàn biết không phải như thế. Ừ phải, từ lúc sinh ra, ngoại trừ việc Nhàn hơi nặng tai một chút, thì mọi thứ của Nhàn vẫn bình thường cơ mà. Vậy mà, Nhàn chưa làm được gì cả, đến ngay cả bố mẹ Nhàn đã già cả, ốm yếu mà vẫn phải chăm lo cho 3 đứa con của Nhàn. Cứ thế, Nhàn thấy cay cay nơi sống mũi, cổ họng nghẹn lại. Người ta vẫn nhất trí cho nhà Nhàn hộ nghèo, thế là nhà Nhàn vẫn “được nghèo”, nhưng bỗng dưng Nhàn lại ước “ước gì mọi người đừng cho Nhàn vào hộ nghèo nữa, đừng thương hại Nhàn nữa”.

Đã 12 giờ đêm, Nhàn vẫn không thể nào ngủ được. Nhàn ngồi dậy, ngắm nghía 3 đứa con đang say giấc nồng, chúng thật ngây thơ và đáng yêu. Nhàn chợt nhớ đến câu nói của đứa con lớn “Mẹ ơi, bao giờ nhà mình mới hết nghèo hở mẹ”. Nhàn không biết trả lời sao nữa, cô chỉ nhớ khi còn nhỏ, cô cũng đã hỏi bố mẹ như thế. Và thực tế đã chứng minh, gần 30 năm rồi cái nghèo cứ quanh quẩn hết đời bố mẹ Nhàn rồi lại đến đời Nhàn. Thế còn đời các con Nhàn, chợt Nhàn thấy tim nhói đau, Nhàn không dám nghĩ nữa. Không, Nhàn không muốn, không muốn cuộc đời các con của mình lại quanh quẩn trong cái nghèo, cuộc sống của chúng phải khác. Nhàn có sức khỏe, có ruộng đất, có vườn tược. Càng ngẫm nghĩ, Nhàn càng thấy mình còn hơn nhiều hoàn cảnh khác. Vậy thì lý do gì cứ phải bấu víu vào cái sổ hộ nghèo? Nhàn hiểu, mình phải làm gì rồi.

Sáng sớm, trước khi đi làm, Nhàn tạt vào nhà bác trưởng thôn “Bác cho em xin cái đơn thoát nghèo”. Bác trưởng thôn còn chưa hết bất ngờ, Nhàn đã vội tiếp lời “Em không muốn nghèo nữa bác ạ, em không muốn con em là con nhà nghèo. Em thấy, khi trong đầu mình còn có suy nghĩ muốn vào nghèo thì không biết bao giờ cái nghèo nó mới bỏ mình mà đi bác nhỉ”. Nói rồi, Nhàn cười một cách thoải mái, có vẻ như cô vừa trút được một gánh nặng. Bác trưởng thôn cũng vui vẻ “Cảm ơn cô đã nghĩ được như thế, cô làm thế là giúp được nhiều người lắm rồi đấy nhé”.

Nhàn không rõ nữa, Nhàn chẳng biết mình sẽ giúp được những ai, ngoài kia người ta lại có thể xì xào rằng Nhàn dở hơi. Nhưng Nhàn mặc kệ, Nhàn thấy vui vì đã giúp được chính mình và chính các con của mình. Từ hôm nay Nhàn sẽ chăm chỉ làm việc hơn, sẽ chịu khó tăng ca ở nhà máy và tranh thủ trồng thêm rau, mua thêm đàn gà về nuôi. Rồi mọi thứ sẽ tốt hơn thôi. Tiếng xe đạp vẫn cọc cạch trên con đường về nhà máy, nhưng Nhàn thấy nó vui tai, bởi lẽ trong lòng Nhàn đang ngập tràn một niềm tin vào tương lai. Cô nhoẻn miệng cười hạnh phúc “Nghèo ơi, tạm biệt nhé, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại”./.

Trần Tú

Chuyên mục khác