Nghe gió bấc về

14/12/2020 06:02

Gió bấc về... Ngọn gió ấy không đơn thuần là ngọn gió. Mà nó xôn xao gọi Tết và chất chứa bao nhiêu là niềm thương nỗi nhớ, bao nhiêu là ước mong. Nên năm nào cũng vậy, chị cứ mãi náo nức đón chờ, cứ mãi xốn xang khi những cơn gió bấc về.

Đang say nồng chị chợt thức giấc. Tiếng gió rít từng hồi dài, xuyên qua những hàng cây, kéo theo những lá cây mỏng manh rơi loạt xoạt trên mái nhà. Trời hẵng còn sớm. Ngoài đường vẫn yên ắng. Chỉ có đôi chim sáo có lẽ vì gió, vì lạnh rủ nhau dậy sớm lích chích trên cây lộc vừng trước ngõ. Chỉ có những cơn gió vẫn cứ rít từng cơn dài mang theo cái lạnh tràn về cao nguyên, qua căn nhà nhỏ, luồn sâu vào lớp chăn, qua những lớp áo...

Gió bấc về rồi. Gió bấc về, Tết cũng sắp về rồi.

Liếc nhìn cuốn lịch trên tường chỉ còn lại lớp mỏng, sắc đỏ bìa lịch cũng đã lợt màu. Nhanh thật, chẳng còn mấy chốc nữa là hết năm 2020 chồng chất gian khó. Và cũng chẳng còn bao lâu nữa là đến Tết.

Ngẫm lại chị cũng vô tâm thật. Ngày qua ngày, hết việc nọ đến việc kia, ngoảnh mặt lại mới biết Tết sắp về rồi. Chẳng phải qua mưa, khô tới, khi những cơn gió bấc thốc người mang theo cái khô lạnh là ở vạt đồi cuối làng dã quỳ trở mình, khoe sắc vàng đơn sơ, mộc mạc, báo hiệu những ngày cuối năm. Chẳng phải dọc con đường về làng, đào đậu – loài hoa mà chị vẫn thầm gọi là hoa xuân của làng đã lặng lẽ trút những chiếc lá úa vàng, chỉ còn trơ trụi những cành cây khẳng khiu, hoang dã, tự nhiên, không cắt gọt. Đợi thêm những cơn gió bấc thổi cái lạnh về phương nam và đợi thêm những ngày nắng hanh hao, đào đậu ủ mầm xuân, Tết về sẽ bung sắc trắng/hồng mỏng manh tinh khiết, tô thắm cho vẻ đẹp làng quê trong dịp tết Nguyên đán…

Gió bấc về, Tết cũng sắp về. Ảnh minh họa

 

Nhẩm ngày, nhẩm tháng, chị nghĩ vài ba hôm nữa là bắt tay gieo trồng hoa, rau đón Tết là đẹp. Năm nào cũng vậy, cứ gió bấc về là anh chị bắt tay vào vụ Tết. Cả năm trời quần quật với sào đất bãi bồi ven sông nhưng chị vẫn mong chờ nhất là vụ này. Mong được mùa, được giá có thêm thu nhập, sắm sanh cho sáp nhỏ quần áo tết. Mong mưa thuận gió hòa để khâu chăm bón cũng đỡ vất vả. Và mong được hít hà hương ngòn ngọt, dìu dịu của hoa trái trở mình xen lẫn mùi ngai ngái bùn đất trỗi dậy theo những cơn gió bấc về làng…

Sào đất bãi bồi ven song được phù sa bồi đắp. Anh chị đã dành bao ngày cuốc xới, phơi ải. Phần để trồng hoa vạn thọ bán Tết, phần để trồng rau. Phần trồng rau, anh cũng chia ra từng khoảnh, chỗ trồng các loại cây dài ngày như súp lơ, bắp sú, su hào… thu hoạch đúng Tết; chỗ trồng các loại rau ngắn ngày như mùng tơi, rau cải, rau dền… bán quanh năm, có thêm đôi đồng mua sắm đồ đạc, nộp tiền học cho đám nhỏ. Tụi chúng cứ như tằm ăn rỗi. Nhìn chúng lớn nhanh từng ngày, lại chịu khó học hành thấy mà thương. Nên anh chị có nề hà gì đâu những ngày mưa nắng xô nhau, những ngày từng giọt mồ hôi thánh thót rơi như hòa vào đất dưỡng nuôi mầm xanh cây trái. Giấc mơ trên bãi bồi cứ thế mà bám vào vai áo bạc màu của chị, bám vào mái tóc pha sương của anh trong những ngày gió bấc về… 

Công việc rẫy vườn tạm ổn, chị sẽ nhắc anh gọi thợ sơn quét lại căn nhà. Nhắc cu út tranh thủ sau giờ học chịu khó vằm thân chuối trộn bắp, cám thúc cho đàn gà thả quay ngoài vườn nhanh lớn. Mấy chú gà trống choai cận tết bán cho được giá, để dành tiền cho cu anh tàu xe ra lại trường. Mấy ả gà mái bán dần để sắm sanh đồ đạc, còn để lại một ít cho các con ăn Tết, rồi làm giống, cùng số gà mới nở chăm bẵm tiếp chờ ra tháng giêng, hai.

Đếm ngược thời gian từ những cơn gió bấc đầu mùa, chị sắp đặt, tính toán đủ mọi thứ, từ việc ruộng vườn cho đến việc nhà như thể Tết đã về ngang ngõ. Có lẽ chị muốn Tết xôn xao gõ cửa nhà với đủ đầy ấm no, thương yêu, trìu mến. Không phải là những bữa ăn mâm cao cỗ đầy, đơn giản là dịp cả gia đình sum họp. Gia đình cô con gái lớn lấy chồng xa năm nào cũng sắp xếp đưa con về ăn Tết cùng nhà ngoại. Cậu con trai thứ học đại học năm nhất, qua điện thoại giọng ngậm ngùi, nhớ nhà lắm, hết chương trình học sẽ về ngay để phụ ba mẹ cho hoa vạn thọ vào chậu mang ra chợ hoa Tết bán…

Như thể có lời giao ước, gió bấc về lại gợi cho chị cái xôn xao, sum vầy của ngày Tết. Cả nhà khi tạm xong việc rau, hoa, tối về, cùng ngồi bên bếp lửa hồng. Ánh lửa soi hắt lên khuôn mặt anh ngày càng hằn thêm những nếp nhăn, còn sáp nhỏ lại thêm hồng hồng đôi má.  Ánh lửa phả hơi ấm như xóa tan đi hơi lạnh của cơn gió bấc mang về. Cả nhà nhìn ánh lửa nhảy nhót, nhìn nồi cơm cuối năm sôi sùng sục tỏa hương thơm mùi gạo mới… mà như cùng cảm nhận có vùng giao cảm từ trong tâm tưởng.

Gió bấc về... Ngọn gió ấy không đơn thuần là ngọn gió. Mà nó xôn xao gọi Tết và chất chứa bao nhiêu là niềm thương nỗi nhớ, bao nhiêu là ước mong. Nên năm nào cũng vậy, chị cứ mãi náo nức đón chờ, cứ mãi xốn xang khi những cơn gió bấc về.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác