Ngày về

05/10/2021 06:02

Bà Tám túc tắc ra chợ, gương mặt tươi hẳn chứ không còn rầu rĩ như những ngày trước. Gặp mấy cô bán hàng quen, bà vui vẻ kể rằng, gia đình con gái bà đã được đón từ Bình Dương về. Hiện đã vào khu cách ly tập trung, đủ 14 ngày sẽ về nhà. Ai cũng mừng cho bà Tám.

Cuối cùng thì con gái, con rể và cháu ngoại của bà Tám cũng về “đến nhà”. Ấy là cách nói của bà, chứ thực ra, đến đèo Sao Mai là đi thẳng vào khu cách ly tập trung, 14 ngày sau, nếu mọi chuyện bình thường, mới chính thức được về nhà.

Ngày xe đón người từ Bình Dương về, bà Tám nhờ đứa cháu chở ra tận đèo Sao Mai đón. Nhưng chỉ được đứng từ xa, nhìn đoàn người, trong bộ đồ bảo hộ màu xanh giống hệt nhau, nhập nhòa trước mắt, mà cố tưởng tượng lấy vài bóng dáng quen thuộc để vẫy tay rồi rít, rồi thở dài: Rõ khổ, vẫn chưa thể gặp con, gặp cháu.

Nhưng sau đó, bà tự an ủi: Về được là tốt lắm rồi. Dù gì thì cũng đã ở quê, cũng đã bình an.

Vợ chồng con gái bà Tám vào Bình Dương làm công nhân đã mấy năm nay, đầu năm nay bà có cháu ngoại. Sau khi sinh, con gái bà nghỉ việc, ở nhà chăm con, rồi gom góp ít vốn buôn bán rau củ tại khu chợ nhỏ dành cho công nhân trong khu công nghiệp ở thành phố Thủ Dầu Một.

Thấy con gái vất vả, mấy lần bà khuyên nó về quê, có vườn, có ruộng, không lo đói; còn có bà chăm sóc, đỡ đần chuyện con cái. Nhưng tuổi trẻ không nghĩ như bà, chúng không thích chuyện ruộng rẫy, đầu tắt mặt tối cũng chỉ đủ ăn, mà muốn bay nhảy, tìm việc làm “ra tiền’.

Thế rồi dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Tỉnh Bình Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ở nhiều địa phương, trong đó có thành phố Thủ Dầu Một. Nhà máy đóng cửa; công nhân tứ tán, không ít người vật lộn tìm đường về quê bằng nhiều cách, miễn là rời khỏi vùng tâm dịch.

Công dân đón từ tỉnh Bình Dương về được đưa vào khu cách ly tập trung. Ảnh: H.L

 

Do có con nhỏ, nên gia đình con gái phải ở lại, như nhiều gia đình công nhân khác, chật vật với cuộc mưu sinh, bám víu những căn phòng trọ, diện tích chỉ nhỉnh hơn một chiếc giường. Cái gì cũng thiếu, chỉ thừa nỗi lo lắng không biết làm sao cho hết.

Với bà Tám, mỗi ngày luôn dài thăm thẳm. Mỗi lần gọi điện về, con gái lại kể xóm trọ lại có thêm một vài gia đình đóng cửa về quê, khiến bà càng sốt ruột.

Những buổi tối ngồi coi tivi, nghe bản tin về tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam, lòng bà như có lửa. Nhà máy đóng cửa, chồng không có việc làm; công nhân nghỉ việc, vợ không đi bán hàng được, vậy chúng lấy tiền đâu mà sống và lo cho con nhỏ? Lại còn dịch bệnh bủa vây, không ra khỏi nhà được, ăn uống như thế nào...?  

Bà biết, cuộc sống của gia đình con gái đã ngặt nghèo lắm rồi. Hai tháng nghỉ việc, số tiền chắt chiu, dành dụm phòng khi đau ốm đã gần hết. Mỗi lần trò chuyện, con gái bà đều nhắc đến hai từ “về nhà”. Với nó lúc này, về quê nhà là về với sự bình an.

Sẽ rất tệ nếu gia đình con còn phải ở đây lâu thêm nữa- nó sụt sịt nói.

Ừ, về là đúng. Về nhà rồi, ít nhất cũng yên ổn tinh thần. Hơn nữa, ở quê có nghèo, thì cũng không lo đói; có đau ốm, bệnh tật gì cũng còn có mẹ, có bà con- bà nói với con gái.

Nhưng có một điều, bà luôn dặn dò vợ chồng con gái đừng tự ý về quê, chạy xe máy cả chặng đường dằng dặc hơn 600 cây số, nguy hiểm lắm.

Hơn nữa, anh Hưng chủ tịch xã đã từng nói, tỉnh sẽ tổ chức đón dân mình về an toàn, như những địa phương khác. Vì việc đón bà con trở về quê nhà lúc này không chỉ là chia sẻ với địa phương bạn, mà còn là trách nhiệm, là nghĩa tình đồng bào. Không ai có thể yên lòng khi mà bà con mình đang gặp khó khăn, hiểm nguy nơi tâm dịch.

Và bà tin vào điều đó! 

Giữa lúc hoang mang nhất, bà nghe được một tin vui: Tỉnh tổ chức đón người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Bà vội vàng chạy sang nhà đứa cháu nhờ nó tìm hiểu kỹ hơn, rồi gọi điện báo ngay cho con gái để đăng ký. Bà biết, nó sẽ vui lắm.

Cứ nghĩ hành trình về nhà cũng sẽ cam go, bởi các điều kiện đặt ra, đặc biệt là quy định về phòng dịch và đối tượng ưu tiên. Nên khi con gái gọi điện thông báo đã có tên ngay trong đợt đầu tiên trở về, bà mừng muốn rớt nước mắt.

Bà còn đi tìm anh Hưng chủ tịch xã hỏi thăm về “hoàn cảnh” trong khu cách ly. Ôi bà ơi, ở khu cách ly tập trung rộng rãi, an toàn hơn ở khu nhà trọ của con gái bà trong Bình Dương nhiều. Cơm nước, ăn uống, đồ dùng cá nhân không thiếu gì hết. Mọi thứ đều rất tốt- anh Hưng cười nói.

Nghe xong, bà mới hoàn toàn yên lòng.

Buổi chiều trước khi lên xe, con gái bà gọi điện thông báo, mọi thứ đã hoàn tất. Như mọi người, gia đình nó được trang bị đồ bảo hộ; được cán bộ, nhân viên y tế đi theo xe dặn dò kỹ lưỡng, lo lắng từng chút một.

“Con tin rằng, sự quan tâm ấy sẽ được duy trì đến tận lúc về đến quê nhà”- nó chia sẻ. Qua điện thoại, bà nghe tiếng ríu rít của cháu ngoại.

Sáng nay, bà Tám túc tắc đi chợ. Gặp mấy cô bán hàng quen, bà vui vẻ kể rằng, gia đình con gái bà đã được đón từ Bình Dương về. Dù còn phải cách ly tập trung 14 ngày nữa mới được về nhà, nhưng như vậy cũng là “về nhà” rồi, phải không các cô- bà phấn khởi nói.

HỒNG LAM

Chuyên mục khác