22/05/2022 06:04
|
Tiếng xe công nông lạch cạch chầm chậm rẽ vào ngõ. Bác đi theo sau một xe công nông chở đầy rơm. Gió thổi nhẹ, phảng phất hương rơm. Cũng ngót 20 năm không còn lội bùn, gặt lúa. Thế nhưng, con nhà nông, đi ra từ những chân rạ hao gầy, dù có bao nhiêu năm trôi qua, vẫn nhớ như in mùi hương đồng gió nội còn vương vít trên mớ rơm. Mùi rơm nồng nàn, mơn man, luôn mang lại cảm giác yêu thương đến say nồng.
Trong ánh điện đường, khi mọi người đã xong bữa tối, hai vợ chồng bác hàng xóm vẫn loay hoay với mớ rơm vàng. Làm nông lại chăn nuôi bò, vụ mùa nào bác chẳng phải gom rơm, phơi rơm rồi chăm chút để dành rơm cho đàn bò được no ấm. Khi mọi người đi ngủ, hai bác mới xong việc để tắm rửa, ăn cơm. Nhìn hai bác bây giờ, kí ức ngày xưa lại ùa về. Thuở ấy, vào vụ mùa, ngày nào chúng tôi cũng loay hoay với ba mẹ phơi lúa, phơi rơm, làm cây rơm đến hết thời sự tối. Nhiều lúc làm mệt đến lơ cơm, ba chỉ húp được ngụm canh rồi lên giường ngủ để lấy sức.
Nhìn hai bác vất vả giống hệt ba mẹ ngày trước, thấy thương quá đỗi. Nhiều lúc muốn giúp, mà giờ tay chân lóng ngóng, chẳng làm được gì ra hồn. Hai bác thì lúc nào cũng cười: “Làm nông mãi cũng quen, không thấy mệt. Mấy năm nay, hai bác đỡ nhiều rồi đó. Ngày trước phải ở lều trong rẫy, không điện đóm”.
Làm nông, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; biết mình khó, khổ nên hai bác luôn cần cù, chăm chỉ và tiết kiệm. Tuy vậy, chưa bao giờ tôi thấy hai bác than nghèo, kể khổ. Ngược lại, cả hai đều rất lạc quan: “Giàu thì khó nhưng nhà bác không sợ đói. Có đám ruộng, năm nào cũng đủ gạo ăn, đủ rơm cho bò. Thiếu gạo cứ nói bác. Bác trồng giống lúa mới nên thơm ngon lắm”.
Nhà nông, vẫn luôn thật thà, chất phác, thơm thảo và hiền lành như thế. Đợt bác trồng rau, ngày nào, bác cũng cho cả xóm mớ cải, bắp xú, cà tím... Rồi rằm, mồng một, khi thì bác cho nải chuối, lúc lại cho cả rổ xoài, bơ để mọi người dâng bàn thờ. Bác bảo, tiền bạc cần thật nhưng tình người mới là cái quý. Hàng xóm, tắt lửa tối đèn có nhau, ai gặp gì bất trắc, bác đều sẵn lòng giúp đỡ.
Đêm qua, trời mưa như trút nước. Sáng, chạy vội ra nhìn, thấy mớ rơm đã được che chắn kỹ càng. Thì ra đêm qua, khi mọi người ngon giấc thì hai bác phải đội áo mưa, dầm mưa phủ bạt che kín lấy mớ rơm sau nhà.
Trời tháng 5, có khi mưa dầm cả ngày lẫn đêm. Mấy bao lúa vẫn còn nằm im trong xó nhà. “Yên tâm đi con, cần 3 ngày nắng gắt là lúa khô thôi à. Nếu nay không ngớt mưa, mai bác đổ ra nền cho lúa đỡ lên mầm” – bác lạc quan trả lời trước sự lo lắng của chính tôi.
Làm nông, lúc nào cũng phải trông trời, trông đất, trông mây, rồi lại trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm. Dẫu vậy, hai bác vẫn giấu nét lo toan vào sâu bên trong để các con, các cháu yên tâm học hành.
Trời như hiểu lòng người, sau một ngày mưa dầm, ngày hôm sau nắng đã vàng ươm. Chỉ đến 9h sáng, sân đã khô. Chỉ đợi có thế, hai bác nhanh chóng trải bạt, đổ lúa ra phơi. Những hạt lúa to tròn ú ụ như đáp trả công chăm sóc cần cù của người nông dân. Trang lúa ra đều, trên đôi chân trần, hai bác bước vào cày, tạo thành từng rãnh để lúa mau khô. Mùa này nắng lắm mưa nhiều nên làm gì cũng phải nhanh, không khéo trời đổ mưa xuống là chạy không kịp. Bởi thế, có mấy bao lúa nhưng hai bác cũng quần quật sớm tối.
Nắng hay mưa, ngày mới của hai bác cũng thật bận rộn. Hai bác thích bình minh, bởi đó là thời điểm sảng khoái nhất để bắt đầu một ngày đầy ắp công việc. Trong thâm tâm, như bao người ở xóm nhỏ, hai bác chỉ mong sức khỏe và bình an. Bởi, chỉ cần bấy nhiêu đó thôi, hai bác sẽ gánh vác được công việc, lao động hứng khởi để lo cho các con nên người.
BÌNH AN