Ngày mới

22/12/2021 06:06

Những ngọn gió ráo khan thổi lồng lộng về xóm núi. Không ngủ được, A Huynh khoác áo ấm xuống bếp. Nó biết, cữ này pa (bố) nó đã dậy, đang nấu nước uống. Vả lại, nó có chuyện muốn bàn với ông.

Gian bếp ấm sực, thơm mùi gỗ thông. Pa nó ngồi tựa vào vách liếp, canh nồi nước bắt đầu sủi tăm.

Pa à- A Huynh ngập ngừng gợi chuyện. Pa vẫn tựa lưng vào vách nhà, nhưng hai chân từ từ co lại, nhìn nó ngạc nhiên. Bởi ông biết tính khí đứa con trai mình, lời nói như dao chém đá, có khi nào thấy nó ấp úng vậy đâu.  

A Huynh vẫn im lặng, như muốn nghĩ thật kỹ trước khi nói. Trong đầu, những lời của anh Hiệp- Bí thư Đoàn xã cứ văng vẳng: Phải vươn lên, A Huynh à, thanh niên không thể cứ đói nghèo mãi. Mà muốn vươn lên thì phải có cách làm ăn mới, phải trồng cây có giá trị kinh tế cao; làm ăn theo tổ, theo nhóm.

Hôm trước tôi mới theo anh Hiệp đi thăm làng ngoài, thấy bên đó thay đổi dữ lắm- A Huynh mở lời, và nhớ lại con đường trải bê tông phẳng phiu; nhà cửa san sát hai bên, hầu hết đều xây gạch kiên cố, lợp tôn. Vườn nhà nào cũng rào dậu để trồng rau.

Ờ, tao cũng biết- pa nó thủng thẳng. Dân làng ngoài nay khá rồi. Không còn nhà nào thiếu ăn nữa, hộ nghèo cũng ít hẳn. Nghe nói họ nuôi bò vỗ béo, nuôi heo sọc dưa, còn lập tổ hợp tác trồng sâm dây nữa.

Nhưng có những điều mà pa chưa biết. A Huynh nghĩ thầm. Dân làng ngoài khá lên là vì dám vay vốn làm ăn; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn; tích cực học hỏi và áp dụng các mô hình sản xuất, các loại cây trồng, vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao; tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Tiếc thay, đó lại là những điều mà pa nó, gia đình đó và dân làng còn thiếu lâu nay. Hay đúng hơn, chưa dám làm.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thoát nghèo bền vững. Ảnh: H.L

 

Sau chuyến “tham quan” ấy, A Huynh suy nghĩ nhiều lắm. Không chỉ ở làng ngoài đâu, mà nhiều, rất nhiều làng người Xơ Đăng mình, rồi các làng người Ba Na, người Gia Rai khác nữa cũng đang thay đổi.

Làng mình nghèo là vì mãi không thay đổi cách nghĩ, cách làm, thấy nghèo quen rồi. Phải nhổ bật cái tư tưởng cam chịu đói nghèo đã bám nhiều như rễ tranh, rễ le trong suy nghĩ của mình đi thôi, pa à- A Huynh quả quyết.

Thay đổi à? Dễ lắm sao- pa nhìn ngọn lửa đăm đăm.

A Huynh vừa rót nước sôi vào ca đựng trà lá vừa nói: Anh Hoàng nói, bây giờ Nhà nước đang vận động và hỗ trợ, hướng dẫn người DTTS số mình thay đổi nếp nghĩ, thay đổi cách làm. Đây là cơ hội để bà con mình vươn lên đó pa. Nên tôi muốn bàn với pa, thu hoạch mì xong sẽ chuyển dần một phần đất sang trồng cà phê, cây ăn quả, vì đất nhà mình gần nước. Rồi vay tiền mua bò, chặn suối nuôi cá nữa.

Tiền ở đâu? Cây giống ở đâu? Rồi biết trồng như thế nào? Từ xưa đến nay, pa, rồi mày cũng chỉ biết trồng mì, trồng lúa rẫy, biết chăm sóc cà phê, cây ăn quả như thế nào đâu. Để tao tính lại đã- giọng pa nó đầy e ngại.

Chuyện pa lo tôi cũng tính hết rồi. Anh Hoàng hứa sẽ giúp đỡ. Tôi là bí thư chi đoàn thôn, không làm gương sao được. Mình còn nghèo, còn không chịu đổi mới thì nói ai nghe. Nên tôi quyết tâm làm- nó chậm rãi nói.

Tuy vậy, nhưng nó lo pa không chịu, nên vẫn miết chặt hai ngón chân cái xuống nền đất, nhìn về phía ông. Ông ngồi im như một bức tượng. Chỉ có đôi lông mày hơi nhíu và đôi mắt đọng ánh than lửa từ bếp hắt lên.

A Huynh không rõ hết những gì pa đang nghĩ. Điều chắc chắn là ông đang lo ngại chuyện vay vốn. Có lần nó mới đề cập đến, ông đã gạt phắt đi “lỡ có chuyện gì, lấy tiền đâu mà trả nợ”.

Rất lâu sau, trong bếp vẫn im lìm. Tiếng gió quất rào rào trên mái nhà, càng làm cho sự yên tĩnh trong bếp lộ rõ hơn. A Huynh kiên trì chờ đợi và hy vọng. Bởi nó khát khao đem lại sự thay đổi cho gia đình và dân làng.

Làng nó nằm ngay hõm núi. Ở đây, nhà nào cũng nghèo như nhau. Dân làng quanh năm nhọc nhằn, sáng lên rẫy, tối về túm tụm bên bếp lửa, chẳng biết làm gì, lại lôi rượu ra uống. Trồng mì, chủ yếu để ủ rượu. Nhà nào ít cũng dăm ba ghè, nhà nhiều thì cả dãy dài bên vách nhà sàn.

Trên con đường đất rách tướp qua làng, mỗi buổi chiều, chỉ thấy bóng đàn ông đi trước, đàn bà lui cui đi sau, trên tay là bó rau dại hái trên rẫy đem về luộc chấm muối ớt.

Bao đời nay vẫn vậy, làm cho bàn chân con người quen với chuyện lội suối, băng rừng, đạp gai góc, bụi bờ; cái đầu con người không nghĩ được cái hay, cái mới.

Có những buổi chiều, A Huynh nằm trên tảng đá mồ côi chông chênh trên triền núi và ước mình làm được điều gì đó cho dân làng để xua đuổi cái nghèo đi. Từ khi nó được bầu làm bí thư chi đoàn, suy nghĩ ấy càng cháy bỏng trong đầu nó.

Cho đến ngày anh Hoàng vào làng gặp A Huynh. Hai anh em trò chuyện suốt đêm. Ngay trong gian bếp nó đang nói chuyện với pa hôm nay.  

Nỗi lo của pa, tôi rõ lắm. Làm gì cũng có khó khăn, nhưng chẳng lẽ cứ chịu nghèo mãi sao. Đất ta có, sức ta có, lại được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cây con giống, cái ta thiếu là kinh nghiệm, kỹ thuật cũng chẳng sao, con sẽ đi học, thậm chí pa cũng đi học. Rồi huyện, xã sẽ mở lớp tập huấn, sẽ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Đấy pa cứ nghĩ xem, nên thay đổi không? A Huynh tiếp tục thuyết phục ông.

Pa nó im đi khá lâu. Rồi chợt thở hắt ra, nói rất chậm, như cân nhắc từng lời: Mày cứ thấy cái gì tốt thì làm. Pa ủng hộ.

Nó thấy nhẹ nhõm hẳn, như hất được tảng đá trên lưng xuống. Ngoài kia, những tia nắng đầu tiên bắt đầu nhuộm vàng dãy núi xám.

Một ngày mới bắt đầu!

HỒNG LAM

Chuyên mục khác