15/11/2020 13:04
Không như mọi khi, có chút gì đó đủng đỉnh. Nay vừa bước chân xuống giường, chị vội mở tủ, soạn mấy chiếc áo tay dài, áo len vốn cất gọn vào một góc khi mùa xuân tới. Lại te tái gọi chồng, gọi con dậy, miệng giục giã, mặc áo vào đi các con, gió lạnh về rồi.
Gió lạnh về rồi… Gió lạnh thế này mà ăn mặc phong phanh thế, chị gắt lên khi thấy cu con vẫn chiếc áo cộc, quần cộc như mọi khi bước qua mặt chị. Cu con có vẻ cáu, con có thấy lạnh đâu mà mặc.
Ừ, cũng chỉ là se lạnh thôi mà. Cái se lạnh chỉ khiến những người mẫn cảm với thời tiết như chị khoác thêm chiếc áo sợi mỏng, hay là dịp để những cô gái đã quen thuộc, quen thuộc đến mức nhàm chán với kiểu thời trang xuân hè đổi sắc thu đông. Chỉ khiến cho người độc hành nào đó ngồi quán cóc ven đường, bưng ly trà nóng hổi, ủ ấm hai bàn tay, lắng nghe dòng đời nhẹ trôi mà không vô nghĩa. Chỉ khiến cho người không biết uống cà phê nhưng lại thích ngồi quán cà phê như chị kêu ly nước giải khát phải kèm thêm một câu, cho chị ít đá thôi em nhé, trời trở lạnh rồi. Chỉ khiến cho những kỷ niệm của ai đó tưởng đã phôi pha bỗng ào ạt ùa về rõ nét, hiển hiện: năm kia, năm kìa, năm không nhớ rõ, cũng vào ngày gió lạnh về... Và chỉ khiến cho những tâm hồn lãng đãng bỗng dào dạt cảm xúc trước một chút thay đổi, bất chợt ngân nga câu hát “Dường như ai đi ngang cửa/gió mùa đông bắc se lòng/Chút lá thu vàng đã rụng/Chiều nay cũng bỏ ta đi”.
Vậy con không lạnh sao chị bắt con phải mặc. Sao chị phải rối rít lên như vậy?
|
Chị bỗng tìm lại mình trong bóng hình con và cả hình bóng của mẹ chị mấy chục năm về trước. Cũng là ngày gió lạnh về, mẹ chị đã vội vàng mở tủ, lấy 5 chiếc mũ len đỏ, 5 chiếc áo bông dày – chiếc áo bông có 2 áo riêng biệt, một áo là lớp bông chần và một áo là lớp ka ki màu xanh lồng bên ngoài, của hiếm trong thời kỳ lo chuyện ăn đã khó bấy giờ đã được cha mẹ chị dồn đổi bao nhiêu tháng tem phiếu, nhờ gửi người quen đi công tác Hà Nội mua về cho 5 đứa con - giục giã các con mặc vào. Cũng là chút cau có, ngúng nguẩy. Cũng là chút hờn dỗi, chùng lòng khi sự quan tâm, chăm sóc không được các con hồ hởi, đón nhận… Có lẽ người có tuổi một chút hay nói cách khác những bậc làm cha, làm mẹ vì tình yêu với con cái – vốn được xem cuộc đời nối dài của mình hay vì đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc, trải qua đủ những đắng cay mất mát nên đâm lo xa đến mức thái quá.
Bất giác chị khẽ thở dài. Lại một năm nữa sắp đi qua. Ngày nối ngày, mùa nối mùa, gió mưa đắp đổi, hết nắng trời lại mưa, hết nóng trời lại lạnh. Mặc cho thế sự chuyển vần, thời gian trôi nhanh có bao giờ dừng lại. Con chị ngày nào mới lẫm chẫm biết đi nay đã trở thành chàng thanh niên cao lớn, còn chị theo tháng năm sương mai đã đậu mái đầu, sóng thời gian đã hiện mờ vầng trán. Nhưng thời gian cũng cho yêu thương để được yêu thương, cho bao nhiêu điều nhỏ bé, đơn sơ để chị soi vào lại thấy bình yên đến lạ. Như hôm nay, chút gió lạnh về mà sao chị đã thương nhớ đầy vơi. Thương nhớ những vệt ký ức dẫu nhỏ nhoi như chiếc bóng. Những ký ức tưởng đã bị muôn cuộc mưu sinh làm cho cằn cỗi, vậy mà vẫn hồi cố, trở đi trở lại, lấp lánh mỗi khi khẽ chạm vào.
Cứ mỗi mùa gió lạnh về chị lại nhớ đến ký ức chiếc áo bông mặc vào như cây rơm di động, chiếc mũ len trùm kín đầu chỉ hở đôi mắt trẻ thơ tròn xoe khóc đó mà cười cũng đó. Khi ấy, nhìn mẹ mở cánh cửa tủ gỗ lấy ra 5 chiếc áo bông, 5 chiếc mũ len màu đỏ có chùm bông lủng lẳng trên đỉnh đầu là chị biết mình thêm một tuổi. Cứ chị trước, em sau, những chiếc áo len, mũ len gắn liền với bao buồn vui của chị em chị, mà mỗi khi có dịp sum họp kể lại, cháu con lắng nghe ngỡ như “huyền thoại”. Nhưng, dẫu xa bao nhiêu, những ký ức đó lại là bến đỗ bình yên nhất để chị hướng về. Vẫn nhớ đến mùi thơm đượm nắng lưu trên chiếc áo bông mỗi khi gió lạnh về đến ngẩn ngơ. Vẫn muốn bé lại để được mẹ tận tay đưa chiếc áo bông dày sụ, chiếc mũ len đỏ lủng lẳng chùm bông, kèm theo câu nhắc nhủ: gió lạnh về rồi, mặc áo vào nghe con.
Con cứ ngúng nguẩy, cứ cáu kỉnh một tí cũng chẳng sao. Chẳng phải chị cũng đã như thế hay sao, đã mang theo bao nuối tiếc ngọt ngào cho một thời trẻ dại. Theo tháng, theo năm, một ngày nào đó, khi đủ trưởng thành, đủ trải nghiệm, con sẽ thấu cảm và mong, mong lắm được nghe chị nhắc nhủ, mặc áo vào đi con, ngày gió lạnh về!
Nguyên Phúc