Nét xưa

03/12/2023 06:23

Gã mê mẩn ngắm hàng hiên rộng rãi với những cây cột lên nước đen bóng; bộ cửa gỗ hai cánh bị đạn, mảnh pháo găm thủng lỗ chỗ mà thầm thấy mình may mắn.

Vậy là gã đã ở phố núi nguyên tuần, thay vì chỉ 3 ngày như kế hoạch!

Trước khi đi, gã đã cẩn thận hỏi thăm bạn bè có kinh nghiệm sống, làm việc ở Kon Tum, tự tham khảo, mày mò trên mạng và lên một lịch trình kín mít cho chuyến đi ngắn ngủi.

Nhất định là không thể thiếu thưởng thức rượu ghè, gà nướng, xem chiêng xoang. Chỉ cần vài ngày là đủ- bạn bè tư vấn. Gã cũng thấy thế là đủ.

Nhưng khi đến với phố núi, gã bị hút hồn bởi cuộc sống trôi qua chậm rãi như chiều. Thời gian như ngưng đọng trên gương mặt mọi người. Xe cộ thong dong trên phố. Người ta cười nói chậm rãi, đi lại chậm rãi.

Trời cao và xanh hơn. Nắng mênh mang, hừng hực hơn. Gió cởi mở, phóng túng hơn. Cây trái thì xanh rưng rức đến nao lòng. Còn người thì hào sảng, đã thương là thương sâu, đã nhớ thì nhớ đậm.

Tất cả đều có một sức hút đến lạ kỳ!

Một ngôi nhà vườn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Ảnh: TH

 

Nhưng hấp dẫn nhất, với một kiến trúc sư như gã, lại là câu chuyện của anh bạn mới quen về những ngôi nhà vườn cổ, có kiến trúc “độc và đẹp”, đang tồn tại giữa lòng phố sá sầm uất như nét điểm độc đáo, hoài cổ.  

Theo anh bạn, đó là những ngôi nhà được dựng nên từ khi các bậc tiên hiền từ dưới xuôi lên đây khai hoang lập làng những năm đầu thế kỷ XX.

Kiến trúc thường là “3 gian 2 chái”; từ cột, kèo, xà, rui, mè đều làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương; gian giữa để thờ cúng, tiếp khách; 2 gian buồng để ngủ; 2 chái nhà thường để chứa nông cụ và nấu nướng.

Kiến trúc này không chỉ tạo nên sự gần gũi với thiên nhiên cây cỏ mà còn thể hiện nét văn hoá đặc sắc của người di cư trên vùng đất của nhà sàn.

Đồng thời cũng tạo nên nét tương đồng giữa các nhà, vốn là biểu hiện của sự đoàn kết, gắn bó, quây quần của cả một cộng đồng từ thời cha ông khai hoang lập làng để chống lại thú dữ, thiên tai.

Nghe đến đây, gã năn nỉ bạn dẫn đi thăm những ngôi nhà ấy cho bằng được. Và bây giờ, gã đang ở trong một ngôi nhà như vậy và mê mẩn ngắm hàng hiên rộng rãi với những cây cột lên nước đen bóng; bộ cửa gỗ hai cánh bị đạn, mảnh pháo găm thủng lỗ chỗ mà thầm thấy mình may mắn.

Nằm trên diện tích hơn 1.000 m², ngôi nhà vườn gắn liền với một gia đình 4 thế hệ. Gian giữa rộng nhất được dành làm nơi thờ tự tổ tiên, 2 gian Đông- Tây là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của gia đình. 

Chủ nhà là một cụ bà đã 82 tuổi nhưng còn minh mẫn lắm. Cụ kể: Ngôi nhà bà đang ở được dựng từ thời cha mẹ cụ lên đây lập nghiệp.

Nhờ sự tài hoa và tinh tế của người dựng nhà mà ngôi nhà vừa mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt, vừa mang phong cách kiến trúc nhà biệt thự với phòng ở rộng, tiện nghi.

Kết cấu nhà “3 gian 2 chái”, đúng “chuẩn” thời bấy giờ; cột, kèo, xà, rui, mè... đều bằng gỗ, chủ yếu là gỗ cà chít (cột, kèo) và gỗ dâu (rui, mè); mái lợp ngói vảy; gian giữa để thờ cúng, tiếp khách; 2 gian buồng để ngủ.

“Nét xưa còn lại chút này”, dù trải qua bao thăng trầm nguy biến, tới tận thời điểm này căn nhà cơ bản còn nguyên vẹn.

Kết cấu đặc trưng của nhà vườn với hàng hiên rộng và cột gỗ. Ảnh: TH

 

Ngó vậy chứ căn nhà hiện đại ngày nay chưa chắc sánh bằng, mùa mưa lạnh thế nhưng ở trong nhà thấy ấm áp vô cùng còn mùa khô nắng đổ lửa, ngột ngạt vậy mà bước vô trong nhà là thấy mát lạnh liền- cụ bà vừa vuốt ve cây cột gỗ cà chít vừa “khoe”.

Cũng đã có không ít người đến gạ mua với giá cao nhưng gia đình đều cương quyết từ chối. Bởi căn nhà không chỉ là nơi ở, sinh hoạt mà nó còn là nét văn hóa truyền thống, là tấm lòng và niềm tự hào với tổ tiên, dòng tộc.

Cụ bà thường nói với con cháu: Bay muốn đập, muốn sửa thế nào cũng được, nhưng phải để sau khi bà về với tổ tiên đã.

“Tiền bạc thì quan trọng thật đấy, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện bán chác gì cả. Với gia đình tôi, căn nhà này là báu vật vô giá không thể bán mua”. Cháu nội của bà cụ nói, khi cùng gã ngắm căn nhà đã nhuốm màu rêu phong.

Bằng con mắt nghề nghiệp, gã biết, khác với những nhà vườn ở Huế- gắn với thú chơi cây cảnh, những nhà vườn ở Kon Tum mang nét riêng của một ngôi làng, với những cư dân lam lũ, tất bật bởi ruộng vườn.

Đặc trưng của nhà vườn là hòa điệu một cách trọn vẹn giữa con người và thiên nhiên. Hầu hết các nhà vườn ở Kon Tum đều gắn với những mảnh vườn trồng rau màu quanh năm xanh tốt, mùa nào thức nấy.

Có thể nói không quá rằng, những ngôi nhà vườn cổ ở thành phố Kon Tum là “nét xưa” hiếm hoi còn sót lại trong “cơn bão” đập phá và cơi nới nhà cổ ở thành phố trẻ đang trên đà phát triển này.  

Sau đó, gã mất thêm mấy ngày để lang thang tìm kiếm những ngồi nhà vườn còn sót lại. Với mong muốn hình thành một bộ phác thảo sơ lược về nhà vườn ở phố núi, phục vụ cho một đồ án mới.

Nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện, hay đủ quyết tâm, để giữ gìn lại ngôi nhà cổ xưa của cha ông!

Dưới áp lực của cơn sốt đất đai, nhà ở và tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, nhiều nhà vườn đã bị “băm nát”; bị thu hẹp không gian, phá vỡ kết cấu nhà vườn vì chia lô, bán nền. Không ít nhà vườn đã bị con cháu đập đi để xây dựng nhà tầng, nhà ống theo xu thế mới.

Theo lời kể của những bậc cao niên, cách đây vài chục năm, trên các tuyến đường nội thành vẫn còn khá nhiều nhà vườn, tuy cũ kỹ nhưng vững chãi, xung quanh nhà là vườn rau xanh tốt.

Bây giờ, tìm đỏ mắt mới thấy vài ba căn còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc nhà vườn xưa, vì đã bị ép vào hẻm sâu, nằm nép dưới những ngôi nhà bê tông cốt thép.

Chợt gã thấy lo lắng. Nếu sau này con cháu không tiếp tục giữ gìn được nữa, nếu như địa phương không có một chính sách bảo tồn thỏa đáng thì vài ba nhà vườn còn lại sẽ biến mất rất nhanh.

Và gã nghĩ, là kiến trúc sư, mình cũng có trách nhiệm trong việc này. Ít nhất là phải hoàn thành phác thảo nhà vườn ở Kon Tum. 

Thành Hưng

Chuyên mục khác