17/03/2020 06:01
Thời gian qua, vấn đề cách ly trong phòng, chống dịch Covid-19 không chỉ khiến các cơ quan chức năng vất vả mà báo chí cũng tốn không ít giấy mực. Tuần qua, giữa bao thông tin về các trường hợp tìm cách trốn, né cách ly, thể hiện thái độ bất mãn khi đi cách ly, thậm chí còn nhờ người đi cách ly thay... thì vẫn có nhiều câu chuyện xúc động về tinh thần lạc quan, lối sống tích cực, tình cảm yêu thương của những người đi cách ly. Những điều giản dị ấy đã góp phần lan tỏa năng lượng tích cực để mọi người hiểu đúng về việc cách ly, vui vẻ thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, hợp sức cùng chống dịch.
Hôm rồi, đang “lang thang” trên Facebook xem bạn bè có chia sẻ gì mới, tôi vô tình đọc được những dòng nhật ký hết sức chân thực và cảm động của anh Phạm Quang Long (ở Trúc Bạch, Hà Nội) - người hàng xóm của bệnh nhân thứ 17 - được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Một bài viết hết sức chi tiết, tỉ mỉ của anh Phạm Quang Long về những suy nghĩ khi anh nhận được tin báo đi cách ly, vấn đề chuẩn bị hành lý, tâm lý khi bước lên xe cứu thương và cả những trải nghiệm của anh Long ở nơi cách ly.
Cảm nhận đầu tiên của anh Phạm Quang Long là sự ngạc nhiên về những tiện ích ở nơi cách ly với phòng ở khá đầy đủ tiện nghi bảo đảm cho sinh hoạt của mọi người, từ nhà vệ sinh, mạng wifi đến những bữa ăn sáng, bữa ăn trưa, cùng cung cách phục vụ nhẹ nhàng, ân cần của các y, bác sĩ nơi đây. Và, anh Long cũng không quên nêu lại cả những diễn biến tâm lý của chính bản thân anh khi ở nơi cách ly. Mọi thứ được anh kể lại một cách nhẹ nhàng, dí dỏm, thú vị với cách nhìn nhận hết sức tích cực, vui vẻ.
Và điều đáng quý hơn, những trải nghiệm đấy được anh Phạm Quang Long chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội với mong muốn đông đảo người dân được biết và hiểu việc cách ly không có gì đáng sợ, không có gì phải né tránh và mọi người hãy thực hiện trách nhiệm cộng đồng nếu cần phải cách ly.
|
Cũng cách đây ít ngày, một người bạn của tôi chia sẻ “nhật ký 14 ngày xanh” của một du học sinh từ Hàn Quốc về có tên là Nguyễn Hương Giang.
Cô gái trẻ Nguyễn Hương Giang kể lại những cảm xúc, cuộc sống và cả tình cảm cô dành cho những người ở nơi cách ly của tỉnh Nam Định. Đầu tiên là cảm giác thân thiện khi cô đặt chân đến nơi cách ly; sau đó là những bỡ ngỡ, lạ lẫm khi cô thấy những vật dụng cá nhân dành cho mỗi người; rồi đến cảm giác thú vị, mới mẻ với cách sống tối giản, lành mạnh. Bên cạnh đó, cô gái này dành nhiều dòng nói lên lòng biết ơn, sự cảm phục dành cho những cán bộ, chiến sĩ hàng ngày bỏ công chăm sóc, quan tâm, lo lắng cho những người đang thực hiện cách ly.
Vậy là với cô, 14 ngày cách ly tưởng chừng như đó là quãng thời gian dài đằng đẵng, đầy mệt mỏi lại là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa với những trải nghiệm quý giá trong cuộc đời của mình.
Ngay cả một người mẫu ở Thành phố Hồ Chí Minh vốn quen lối sống tiện nghi, thoải mái, nhưng trong những ngày ở khu cách ly, cô vẫn vui vẻ, lạc quan và tận dụng thời gian cách ly theo cách tích cực. Thời gian cách ly dài, nhưng cô gái này không sợ nhàm chán mà còn cảm thấy biết ơn, vì Nhà nước đã làm tất cả để có chỗ cho cô nghỉ ngơi, tập trung thiền tịnh, tập luyện, làm việc trực tuyến hiệu quả hơn; đồng thời, giúp cô có thêm trải nghiệm sống và trở nên năng động hơn.
Tôi chắc rằng, họ và tất cả mọi người, ban đầu khi nói đến việc cách ly và đưa vào nơi cách ly sẽ không tránh khỏi tâm lý lo lắng, sợ sệt. Bởi hai từ “cách ly” nghe có cái gì đó là sự biệt lập xen lẫn chút e dè, ngại ngùng, sợ bị người khác coi là bệnh nhân. Thế nhưng, thực tế đó là nơi mà mỗi người được hỗ trợ, chăm sóc về sức khỏe tốt nhất. Điều đó được chứng minh bằng chính những điều mà người trong cuộc đã nhìn nhận, kể lại một cách khách quan, chân thực. Và chính những con người ấy đã góp phần truyền những năng lượng tích cực cho cộng đồng xã hội, đây cũng là cách họ góp phần vào “cuộc chiến” chống dịch bệnh Covid-19.
Những câu chuyện hết sức giản dị ấy được những người tham gia cách ly y tế trong thời gian qua kể lại đã nhanh chóng được chia sẻ và nhận về hàng ngàn lượt like của cư dân mạng với nhiều lời khen của cộng đồng. Tôi tin chắc, rồi đây nhiều người sẽ có cái nhìn khác về nơi cách ly và hiểu đúng hơn về việc đi cách ly.
Phải nói rằng, 14 ngày cách ly không phải là một chuyến nghỉ dưỡng và ở nơi cách ly chắc chắn cũng sẽ không tiện nghi, thoải mái bằng ở nhà. Nhưng, chỉ cần mỗi người cố gắng để làm sao vui vẻ nhất và thật sự cảm thấy cách ly hoàn toàn bình thường, coi đây là trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng thì chẳng có gì là đáng ngại. Đặc biệt, Nhà nước, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ luôn nỗ lực hết mức để tạo điều kiện tối đa, dành sự quan tâm, chăm lo tốt nhất có thể cho người dân cách ly. Những người làm nhiệm vụ ở nơi cách ly không chỉ chăm lo, phục vụ tận tình, chu đáo bằng cả trách nhiệm mà còn tấm lòng, sự thấu hiểu dành cho những người đi cách ly.
Thế nên, nhiều người sau thời gian hết cách ly được trở về nhà, giây phút chia tay không khỏi bịn rịn, quyến luyến.
Tôi ấn tượng mãi về hình ảnh bắt tay lưu luyến lúc lên xe, những dòng nhật ký xúc động để lại, những câu cảm ơn vội vã về sự chăm lo ân cần, chu đáo của các cán bộ, chiến sĩ Trường Quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội (Sơn Tây, Hà Nội) mà những người hết thời hạn cách ly chia sẻ hôm được trở về nhà (ngày 10- 11/3).
Trong dòng nhật ký trước lúc chia tay, nữ du học sinh Lê Thị Quỳnh chia sẻ: Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Khi khó khăn vẫn luôn dang rộng vòng tay để ôm ta vào lòng...
Trong dịch bệnh, cách ly là việc chẳng ai mong muốn, nhưng đó là điều cần thiết và phải đối mặt. Vì thế, thay vì né tránh, trốn chạy hay than phiền thì mỗi người hãy tận dụng khoảng thời gian này để sống chậm lại và cảm nhận những điều tử tế luôn hiện hữu xung quanh chúng ta. Tôi chợt nhớ một ai đó đã từng chiêm nghiệm: “Nhiều khi chúng ta không thể đổi được hoàn cảnh thực tại, nhưng cách nhìn nhận lạc quan với năng lượng tích cực đó là cách tốt nhất để chúng ta vượt qua hoàn cảnh và giải quyết mọi việc nhẹ nhàng, hiệu quả hơn”. Và tôi tin ở điều đó.
Thùy Hương