Năm học mới ở vùng khó - những cảm xúc trào dâng

16/09/2019 06:03

Trong hoàn cảnh chồng chất khó khăn, chúng ta mới thấy hết sự hi sinh, cống hiến, tình yêu học trò vô bờ bến của các thầy cô giáo và những nỗ lực, khát vọng đến trường của học trò vùng khó.

Những lễ khai giảng diễn ra tối giản hết mức có thể vì điều kiện khó khăn, lại có nơi lễ khai giảng phải dời ngày lại vì mưa lũ. Có lẽ chưa năm nào, ngày khai trường để lại nhiều cung bậc cảm xúc như năm học 2019 - 2020.

Ngày 5/9 vừa qua, khi cả nước tưng bừng tổ chức khai giảng năm học mới thì trên trang facebook của cô giáo trẻ Trà Thị Thu - giáo viên tại điểm trường Tăk Pỏ (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) xuất hiện những bức ảnh về một buổi lễ khai giảng hết sức đơn giản, nếu không muốn nói còn rất nhiều thiếu thốn, nhưng ở đó lại đầy tình cảm, sự lạc quan, niềm tin yêu trẻ… mà hai cô giáo cắm bản tại điểm trường Tăk Pỏ này dành cho các em học sinh nơi vùng khó. Những bức ảnh khác xa so với những hình ảnh hoành tráng, rộn ràng, tưng bừng, rực rỡ cờ hoa của ngày khai trường ở những nơi thuận lợi mà mọi người vẫn thường thấy.

Chùm ảnh trên được cô giáo trẻ Trà Thị Thu chia sẻ lên mạng xã hội  nhanh chóng gây được sự chú ý của dư luận xã hội và cả với các cơ quan truyền thông, báo chí, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp, chạm tới trái tim của nhiều người. Các cư dân mạng thi nhau lan truyền, hàng ngàn lượt like và rất nhiều bình luận đầy xúc động về tình thầy trò, sẻ chia với những thiếu thốn, những nỗi vất vả trên con đường đến với con chữ của học sinh vùng cao ở Tăk Pỏ. Tôi đã xem đi xem lại chùm ảnh ấy cả chục lần và lần nào cũng thấy cay cay khóe mắt. Tôi tin rằng tất cả các bậc phụ huynh khi xem những bức ảnh này đều thấy xót xa khi những cô bé, cậu bé vẫn phải mặc bộ quần áo cũ trong ngày đầu tiên của năm học mới, thương bàn chân trần nhỏ bé chân đất. Thương các em, thương cả những người giáo viên và càng khâm phục hơn về tinh thần lạc quan, sự hy sinh, tấm lòng yêu thương trẻ… của những người đi “gieo chữ” ở nơi heo hút này - từ thông điệp cảm xúc bức ảnh mang lại cho những người xem.

Học sinh Tu Mơ Rông háo hức tới trường dự lễ khai giảng. Ảnh: VP 

Công tác ở Kon Tum - một tỉnh miền núi, từng nhiều lần được nghe kể, được chứng kiến về công việc, cuộc sống các giáo viên, về những nỗ lực vượt khó đến trường của học sinh ở vùng sâu, vùng xa, nên tôi thấu hiểu hơn ai hết những vất vả, nhọc nhằn của sự nghiệp “trồng người” và hành trình đến với con chữ đầy gian nan của các em học sinh nơi vùng khó.

Thế nhưng, dù thiếu thốn, thiệt thòi, song có lẽ so với nhiều trường nằm trong những vùng lũ lụt như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị…, các cô giáo và 34 học sinh của điểm trường Tăk Pỏ vẫn may mắn hơn, vì được tổ chức khai giảng trong nắng ấm và vào đúng ngày hội cả nước đưa trẻ đến trường. Bởi vào ngày 5/9, ở nhiều nơi, đã phải hoãn lại khai giảng vì mưa lũ. Có những trường cố gắng khai giảng đúng hẹn, nhưng trong bộn bề thiếu thốn, ngổn ngang khó khăn. Việc dạy và học sau khai giảng cũng đầy chật vật vì thiếu lớp, thiếu bàn ghế…

Ngay trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong ngày 5/9, 34 trường học trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông phải hoãn khai giảng năm học mới do ảnh hưởng của mưa lũ để đảm bảo an toàn cho học sinh. Mãi đến ngày 10/9, gần 7.700 học sinh toàn huyện mới chính thức được đón năm học mới.

Mưa vẫn chưa dứt, những quãng đường từ nhà tới trường vẫn lầy lội, trơn trượt, song vượt qua tất cả những khó khăn, các em vẫn đến trường trong niềm hân hoan. Cờ đỏ sao vàng, khăn quàng đỏ nhuộm màu cho buổi lễ khai giảng muộn thêm tưng bừng dù trời vẫn đổ mưa.

Lễ khai giảng muộn của các trường đều giản dị, nhưng vẫn rất trang nghiêm, ấm áp tình thầy trò. Đây sẽ là khởi đầu để mỗi nhà trường tự tin, hân hoan bước vào năm học mới. Sân trường lại náo nức tiếng cười, tiếng nói của học trò, lớp học lại vang vang tiếng giảng bài của thầy cô giáo những ngày sau khai giảng. Điều đó thể hiện quyết tâm của thầy và trò vùng cao Tu Mơ Rông cùng đồng lòng, đoàn kết, tạo sức mạnh vượt lên khó khăn, thiếu thốn để giành thắng lợi trong năm học mới này.

Sự học ở vùng núi bình thường vốn đã nhiều khó khăn, khi thiên tai, bão lũ khó khăn lại càng chồng chất. Thế nhưng, chính trong hoàn cảnh ấy, chúng ta mới thấy hết sự hy sinh, cống hiến vì “sự nghiệp trồng người”, vì tình yêu học trò vô bờ bến của các thầy cô giáo và cả những nỗ lực, khát vọng đến lớp, đến trường của các học trò vùng khó. Thấy để chúng ta sẻ chia, yêu thương, hy vọng và cống hiến, góp phần cho sự đổi thay tích cực của quê hương, đất nước...

Thùy Hương

Chuyên mục khác