Mứt gừng của mẹ

15/02/2021 06:21

Từ phương xa, mẹ gọi điện hồ hởi, Tết này con về quê phải không. Con về, mẹ sẽ làm mứt gừng nhiều lên một chút. Mẹ vẫn nhớ con là đứa háo mứt gừng nhất nhà. Mứt gừng mẹ tự làm với đường phèn, độ bám của đường ít thôi, con không phải sợ nhiều đường quá.

Ôi, mứt gừng. Mẹ nhắc con trở về với cả một bầu trời thương nhớ. Những hôm phụ mẹ cạo củ gừng, những cốc mứt gừng vụn….  như mới hôm qua, nguyên sơ mà tươi mới vô cùng.  Con vẫn nhớ những ngày chủ nhật giáp tết, tranh thủ nghỉ dạy, mẹ bon bon trên chiếc xe đạp cũ xuống chợ mua sắm hàng loạt những thứ dành cho ngày tết. Đứng trước hiên nhà con nhìn ra, mẹ tất tả đạp xe từ chợ về với đủ bọc to bọc nhỏ treo lủng lẳng bên ghi đông, buộc đằng sau xe... Chỉ nhớ rằng trong chiếc làn nhựa lâu ngày đã bạc màu của mẹ lắm khi con chẳng còn biết nguyên thủy của nó là màu gì thế nào cũng có vài cân gừng củ. Những ngày như thế, thể nào con cũng có nhiệm vụ cạo vỏ củ gừng. Cạo vỏ củ gừng không mất quá nhiều thời gian, vì củ gừng mẹ chọn rất khéo, không non, mà cũng không già nên rất dễ tróc vỏ. Mẹ bảo, khâu chọn củ gừng rất quan trọng. Nếu gừng già quá khi làm mứt gừng sẽ nhiều xơ, ăn không ngon. Nếu gừng còn non thì khi thành mứt vị gừng sẽ chưa đến độ. Vất vả nhất là công đoạn thái lát gừng. Ngày ấy chẳng như bây giờ, người bán chuyên nghiệp từ cạo vỏ cho đến thái lát; nhà mình cũng chẳng có dao hai lưỡi… Khâu thái lát củ gừng rất kì công, mỏng quá thì dễ bị vụn, bị nát, dày quá lát mứt gừng vừa không đẹp mắt lại vừa không ngon. Nên để mứt ngon, mẹ tỉ mẩn đặt củ gừng nghiêng nghiêng, đưa chiếc dao mới mua còn sắc lẹm thái từng lát mỏng… Qua công đoạn thái lát mứt gừng, mẹ ngâm với nước, có vắt ít nước cốt chanh, muối cho bớt vị nồng hăng. Sau khi luộc sơ, để ráo nước, trộn với đường, mẹ nhóm bếp lửa, bắt đầu công đoạn rim mứt…

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 

Hồi ấy, nhà mình quanh năm đun nấu bằng lá phi lao do mấy chị em con sau buổi học băng băng lội qua những cồn cát cào quét mang về nên căn bếp đun nấu nho nhỏ luôn ám màu khói đen từ vách tường cho đến ngói lợp. Nhưng nề hà chi căn bếp ám khói cay xè mắt, tay lem nhem nhọ nồi. Những hôm mẹ rim mứt, con thường kiếm chiếc ghế con làm bằng gỗ tạp ngồi hóng hớt bên cạnh. Giáp Tết, quê mình năm nào cũng lạnh, đã vậy còn hay kèm theo mưa. Nhưng cảm giác ấm áp khi rim mứt cùng mẹ trong căn bếp ám khói đã qua bao nhiêu mùa xuân vẫn theo con tới tận bây giờ. Ngẫm lại chẳng biết vì khi ấy con thích nhìn mẹ làm, thích học theo mẹ để đảm đang nữ công gia chánh hay thích để được mẹ chia mứt vụn nhiều hơn các anh chị em… Con chỉ nhớ rim mứt phải nhỏ lửa và đều. Mẻ mứt keo dần, keo dần. Nhanh tay đảo mứt, đến độ sền sệt nhất mẹ dừng lửa, đem đổ ra mâm có lót lớp giấy trắng. Mứt gừng đã khô, lớp áo trắng đường bên ngoài bọc quanh lát mứt gừng vàng vàng. Để cho mứt nguội hẳn, mẹ xếp những lát mứt gừng to, đều, đẹp để dành ngày tết, phần thắp lên bàn thờ ông bà tổ tiên, phần dành mời khách, phần cho chúng con ăn. Đường bọc mứt còn lại mẹ cất vào hộp để nấu chè đậu xanh. Ngày Tết hay mưa lạnh ở quê mình có chè đậu xanh với vị cay cay của đường lẫn mứt gừng vụn sót lại thì ngon tuyệt. Còn những mẩu mứt vụn nho nhỏ như đầu ngón tay là chiến lợi phẩm chúng con được thưởng thức ngay sau buổi làm mứt. Để chia cho đồng đều, mẹ thường lấy chiếc cốc cha hay uống trà đong cho mỗi anh chị em con một cốc. Con be bé, lại hay ngồi hóng hớt làm mứt bên cạnh nên được mẹ đong vun vun hơn một chút. Thuở thèm đường, thèm kẹo, có được cốc mứt gừng vụn trở thành đại tiệc với những đứa trẻ lớn lên từ đất quê ruộng làng như con. Trong cái lạnh se sắt ngày đông, mứt gừng vừa cay cay vừa ngòn ngọt, con cứ từng miếng, từng miếng một, miễn sao kéo dài thời gian thưởng thức tí mứt vụn. Cảm giác ấy rất sang chảnh – gọi theo ngôn ngữ hiện đại, có lẽ vẫn theo con đến tận bây giờ.

Mứt gừng giờ đây được bày bán nhiều trong các cửa hàng tạp hóa, siêu thị... Mỗi lần ngang qua, con cảm giác sao mà gần gũi thân thương vô cùng. Nhưng sao con thấy vẫn khác mứt gừng của mẹ. Mứt gừng của mẹ thô mộc, không trắng trẻo, bắt mắt bằng, lớp áo đường bọc bên ngoài trăng trắng nhưng cũng không che hết màu vàng nhàn nhạt của củ gừng.  Nhưng bao nhiêu năm trôi qua, con vẫn nhớ mứt gừng của mẹ. Vẫn nhớ màu mứt vàng vàng được bọc lớp đường trắng. Vẫn vẹn nguyên vị cay cay, nồng nồng của gừng lẫn vị ngòn ngọt của đường. Và con biết ẩn chứa trong đó là tình cha nồng ấm, tình mẹ chắt chiu.

Cho đến tận bây giờ mẹ vẫn nhớ con là đứa háo mứt gừng nhất trong mấy anh chị em. Vì con chịu ăn cay, vì con thèm ngọt. Vì thói trời mưa rét đã khiến con thèm không gian ấm áp cùng mẹ bên bếp lửa hồng… Có lẽ vì tất cả nên mãi cho đến bây giờ chỉ cần mẹ nhắc đến thôi đã sống dậy trong con những yêu thương, hoài niệm. Thương lắm tuổi thơ thiếu hụt. Thương những cốc mứt gừng vụn được mẹ chia đều trong căn bếp ám khói. Thương lắm mứt gừng ơi!  

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác