Mùi ký ức

27/01/2020 06:35

Đã bao giờ bạn hỏi Tết có mùi gì chưa? Và chắc là cũng có luôn câu trả lời. Ừ thì mùi bánh chưng, mùi kẹo mứt, mùi dưa hành… chứ còn mùi gì nữa. Đúng quá còn gì. Nhưng với riêng tôi, còn có một thứ mùi đặc biệt nữa: mùi - ký - ức.

Đấy là buổi sáng cuối năm rét căm căm. Sương mù giăng trắng xóa bờ sông phía sau nhà. Tôi lẽo đẽo cắp mấy chiếc chiếu theo mẹ dắt xe đạp chở mớ chăn màn ra sông giặt giũ. Cuối đông sương muối lạnh lắm. Mẹ khẽ thở dài, bảo, năm nay lại mất mùa rồi. Cái lạnh như cứa vào thịt da. Chân tay, rồi cả hai má nữa, nứt nẻ hết cả. Ấy thế mà nước sông lại ấm mới lạ chứ, khiến cho tôi lúc ấy chẳng thể hiểu vì sao. Những làn sương cứ tà tà, lơ lửng trên mặt nước như những làn khói bốc lên trên một cái chảo nước khổng lồ. Mùi sương, mùi nước, mùi của tiết trời sắp tàn đông hòa vào nhau đến ngọt lạnh.

Tiếng tí tách vỡ của những hạt sương rơi khi mặt trời lên, tiếng cựa mình khoan khoái của dòng sông thức giấc, tiếng xạc xào của rặng tre bên bờ sông đón những tia nắng hiếm hoi ngày cuối năm cũng tạo thành một thứ mùi thanh khiết. Cái mùi ngọt lạnh đến tê tái như tiếng thở dài của mẹ năm ấy còn theo tôi tới tận bây giờ.   

Ký ức trong tôi là những viên lạc bọc đường nhỏ xinh nằm trong hộp mứt tết, được mua bằng tem phiếu ở cửa hàng mậu dịch. Ngày ấy, chẳng có nhiều loại bánh kẹo mứt riêng biệt như bây giờ. Tất cả đều nằm trong chiếc hộp hình chữ nhật hoặc hình ngũ giác màu đỏ làm bằng bìa cát tông được bọc bằng giấy bóng kính. Vài miếng mứt bí, dăm miếng mứt cà rốt, rồi những sợi mứt dừa, hơn chục viên lạc bọc đường mà chúng tôi hay gọi là trứng chim. Có cả mứt gừng, mứt quất nữa để thêm vị cay nồng ngày tết.

Đêm giao thừa được mẹ cho mở hộp mứt là một niềm vui khôn tả. Cả một “thế giới mứt” của tuổi thơ hiện ra trước mắt với đủ sắc màu và mùi vị. Vị ngọt sắc của mứt bí, vị ngọt thanh của miếng cà rốt, một chút the the của mứt quất, cay cay của miếng gừng và tiếng vỡ giòn tan của hạt trứng chim kia tạo ra một thứ mùi mà khó có thể quên được, mùi ký ức ngọt ngào của tuổi thơ.

Ảnh minh họa: Huy Đằng 

 

Khi nghe tôi kể về mùi ký ức của tết ngày xưa, một người bạn bảo, ông còn thiếu một thứ mùi nữa, ấy là mùi chợ tết quê. Ừ nhỉ, đúng là cái mùi ấy chẳng thể lẫn vào đâu được. Ngày thường chợ vốn đã đông rồi. Ngày tết còn đông hơn nhiều. Trong cái ồn ào, rộn ràng của tiếng cười nói, tiếng chào mời, tiếng mặc cả của người bán kẻ mua là rực rỡ những sắc màu và mùi vị. Được mẹ cho đi chợ tết thì sướng vô cùng. Được thỏa thuê ngắm nhìn những hàng quần áo đủ loại. Được run run ăn chiếc bánh rán tẩm đường mẹ mua cho mà chẳng dám cắn miếng to vì sợ hết. Được ngồi sau xe đạp ôm khư khư chiếc làn đựng nào là su hào, bắp cải, cà chua, thịt lợn… mà mẹ đã tính để ăn đủ trong mấy ngày tết, vì mãi tới mùng  4 chợ mới bán lại. Chợ tết quê ồn ào, náo nhiệt là vậy nhưng lại rất hiền hòa. Không còn những tiếng cãi vã, xô bồ ngày thường mà hình như ai cũng nhịn đi một tí để cho ngày tết được thêm yên ấm. Một bức tranh thật đẹp về ngày tết ở quê thuở nào.

Chao ôi, có đâu cái thứ mùi đến lạ! Tưởng như nó đang hiện hữu đâu đây quanh ta mà lại thật mơ hồ, khiến cho ta phải thật nhanh mà nhớ, mà hồi tưởng, mà ghi chép lại kẻo rồi vụt bay mất. Nó khiến ta phải chùng xuống, đằm lại mà thưởng thức. Một thứ mùi ảo diệu bắt ta phải quay về, lục tung trí nhớ lên để thấy, để miên man với nó, đắm chìm cùng nó.

Tết là mùi của những sắc hoa đào, hoa mai tưng bừng đón xuân về. Tết là âm thanh của những bài ca, những tiếng cười, những lời chúc chào mừng năm mới. Tết là mùi của bánh chưng xanh, của làn hương trầm ấm cúng trên bàn thờ tiên tổ. Và tết còn là mùi của ký ức, để mỗi khi tết đến, ta lại bồi hồi nhớ lại thứ mùi ấy, nhất là với những ai đang xa nhà, âu cũng là để trải lòng với tết, với xuân.

Nguyễn Minh Tuấn

Chuyên mục khác