Mùa xuân nói chuyện trầu cau

26/01/2020 13:22

Từ bao đời nay, miếng trầu quả cau luôn mang đậm truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Lá trầu cay cay, cau xanh chan chát, vôi trắng đắng nồng, ba thứ đó kết hợp với nhau nhai trong miệng, tạo ra mầu đỏ thắm. Theo quan niệm của ông bà xưa, một màu đỏ tươi thắm, biểu hiện cho sự sum vầy và may mắn.

Theo phong tục của người Việt Nam thì trầu cau là vật không thể thiếu được trong những ngày vui trọng đại như đám cưới, đám hỏi, ngày giỗ ông bà tổ tiên hoặc trong những ngày tết đến, xuân về. Đối với mọi người, trầu cau là biểu hiện cho tình cảm, thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước.

Trầu cau luôn được đặt ở vị trí trang trọng trên bàn thờ - là lễ vật dùng để thắp hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên... Vậy nên, ngày tết nhà nào lựa được quả cau, lá trầu đẹp là thể hiện một năm đầy may mắn và tràn đầy nghĩa tình.

Bên cạnh đó, tập tục ăn trầu còn là nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ hàng nghìn năm qua, gắn liền với câu chuyện nói về “Sự tích trầu cau”.

Miếng trầu tuy đơn giản thế nhưng chứa đựng rất nhiều tình cảm và ý nghĩa. Theo phong tục xưa, khi khách đến thăm nhà, điều trước tiên chủ nhà mời khách uống nước, ăn trầu. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” như gạch nối trong bước đầu giao lưu tình cảm với nhau: “Tiện đây ăn một miếng trầu/ Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là?”.  Miếng trầu làm cho con người gần gũi, cởi mở và thân thiện với nhau hơn.

Đôi lúc miếng trầu không chỉ là sự thể hiện xã giao nữa mà còn là tình cảm nồng ấm của đôi trai gái: “Trầu này trầu tính trầu tình; ăn vào cho đỏ môi mình môi ta” hoặc là: “Ước gì anh hóa ra cơi/ Để cho em đựng cau tươi, trầu vàng”.

Trong đám cưới, đám hỏi, cho dù đầy đủ các lễ vật như rượu, bánh, trái… cũng không thể thiếu được mâm trầu cau. Mâm trầu cau ấy đem chia cho hai họ, mời mọi người, càng tỏ ra tình thân mật giữa nhà trai, nhà gái và sau đó đem biếu cho anh em, bà con làng xóm cũng là để báo tin con gái mình đã lấy chồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Từ câu chuyện “Sự tích Trầu cau” nói lên sự trân quý tình cảm của anh em trong gia đình và còn là tượng trưng cho tình yêu chung thủy của lứa đôi; vợ chồng luôn gắn bó với nhau cho đến đầu bạc, răng long, không thể sống thiếu nhau.

Khi bà nội tôi còn sống, tôi rất thích nhìn nội nhai trầu với đôi môi đỏ tươi như tô son. Nội có một cái cối trầu rất xinh bằng đồng, kèm theo là một chiếc chày nhỏ, một ống đựng vôi, một cơi đựng trầu, cau và vài miếng vỏ. Tất cả các vật trông nhỏ xinh y như đồ chơi của trẻ con vậy nhưng nội tôi rất nâng niu và giữ gìn. Mỗi khi đi đâu đó, những thứ đồ vật này như là vật bất ly thân với nội.

Mỗi lần nội ngồi têm trầu mời khách, tôi thường lân la ngồi gần để xem. Một miếng trầu gồm: Cau, lá trầu, thuốc xỉa và vôi. Để têm được miếng trầu đẹp, đòi hỏi người têm trầu phải khéo tay, gấp nếp miếng trầu phải thật vuông vắn. Nội bảo, hồi xưa têm trầu còn là thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ. Nhìn cách têm trầu, có thể đánh giá phần nào tính nết của những cô gái mới lớn. Miếng trầu têm vụng về là người không khéo tay, luộm thuộm. Lá trầu nhỏ, miếng cau lớn là người không biết tính toán làm ăn. Quệt nhiều vôi vào miếng trầu là người thiển cận, không biết lo xa.

Tôi nhớ, nội tôi nghiện trầu lắm. Có lần nội nói, nội có thể nhịn ăn được chứ không thể nhịn được trầu. Bởi vậy, có lần nội ốm chỉ ăn được chút cháo, nhưng nhất định bảo tôi phải giã cho nội một miếng trầu để đỡ nhạt miệng. Vậy nên mới có câu: “Một thương, hai nhớ, ba sầu/Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi”. Thật vậy, trong đời sống của ông bà ta ngày xưa, miếng trầu cũng quan trọng như cơm ăn, nước uống hàng ngày; có thể nhịn đói, nhịn khát nhưng không thể nhịn được miếng trầu là vậy đó.

Xét về mặt khoa học thì ăn trầu cũng rất tốt cho sức khỏe. Ngoài việc có tác dụng giữ cho hàm răng được bền, chắc khỏe và tránh sâu răng thì miếng trầu còn có tính kích thích sự tiêu hóa, làm cho dịch vị và dịch trùng tiết ra nhiều hơn. Những người dùng trầu cau ăn uống dễ tiêu, không bị đầy hơi, chướng bụng, không ợ hơi, sình bụng và táo bón. Trong y học dân tộc, lá trầu là một vị thuốc quý được nhân dân ta dùng chữa nhiều bệnh, từ việc đánh gió chữa cảm mạo, đến chữa bỏng, rửa vết thương, chữa mụn nhọt và nhiều bệnh viêm nhiễm khác.

Bây giờ, thế hệ như nội tôi cũng không còn nhiều nữa và đến thế hệ hôm nay cũng rất hiếm người ăn trầu, nhưng trầu cau và tập tục ăn trầu vẫn là dấu ấn của một phong tục tập quán mà người dân Việt Nam lưu giữ từ ngàn đời nay.    

Vỹ Dạ

Chuyên mục khác