Mưa núi

13/11/2022 06:46

Đang hanh hao nắng, vậy mà mới lưng chừng dốc thì đã lộp độp, lộp độp. Nhanh chân rảo bước chỉ thêm một đoạn, mưa bắt đầu nặng hạt. Sang cuối mùa rồi, mà đất trời vẫn vậy. Ở núi, mưa dường như chẳng đổi thay.

Người làng thường tính thời gian bằng mùa rẫy. Riêng A Thình lại thích đếm tuổi mình bằng mùa mưa. Ngày trước, rẫy mỗi năm một mùa, mưa mỗi năm sáu tháng. Bây giờ, rẫy làm quanh năm, nhưng mưa thì vẫn chừng ấy, không hơn. Mưa núi tự bao giờ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời A Thình, từ khi còn là thằng bé da nâu rám nắng đến lúc thành người đàn ông tóc ngả màu chiều.          

“Mưa núi như cái thước đo đôi chân, đôi tay dẻo dai, sức người bền bỉ, ý chí vượt lên những toan lo, để cho cuộc sống yên bình” - A Thình bảo vậy.

Mưa núi gắn liền với những chuỗi ngày mưu sinh, nhọc nhằn lớn lên cùng cỏ cây, đất cát với bao kỷ niệm, cho dù có thế nào cũng chẳng hề quên.

Kể từ ngày mẹ chẳng còn đi xa được nữa và đôi chân cha chỉ quanh quẩn ở nhà, thì cả vùng rẫy rộng của ông bà đều được chuyển sang một tay A Thình đảm đương. Từ chủ yếu lúa, mì lâu đời, đã chuyển dần sang cây dược liệu hằng năm. Làng nơi xa nơi sâu, nên rẫy cũng cheo leo theo những mùa.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 

Còn nhớ, hồi chừng mười ba, A Thình đã theo ông đi rừng, lên rẫy. Nó gầy nhẳng, nhưng đôi chân thì thoăn thoắt như con chim, con sóc. Cha bảo: “Thằng này lớn lên không lo lúa vơi teo, mì thiếu nhổ, không lo đói cái bụng”.

Hằng năm, mùa mưa làng thường chớm vào từ tháng Tư, tháng Năm, song mưa núi lại rộ kỳ tầm tháng Bảy, tháng Tám. Chưa kể, có năm, bởi ảnh hưởng bão xa bão gần nên tháng 11 rồi, vẫn mưa. Còn bé đã sớm theo cha, nên với A Thình: Núi cao, cao lắm. Đứng ở dưới làng nhìn lên, thấy núi sừng sững, để đến tận nơi là cả một chặng đường dài.

Mưa núi vào mùa, thẫm đất thẫm trời nên ở rẫy xa, nó thường cùng cha ngủ lại. “Nhà” rẫy đơn giản là cái chòi nhỏ, nhưng vững chãi với bốn chiếc cột bằng thân cây sao săn chắc, vách liếp bằng lồ ô đập dập và mái tranh xếp dày. Năm nào cũng vậy, hễ cách mùa mưa chừng một con trăng là cha lại coi ngó, sửa sang cho nhà rẫy đủ vững vàng trong suốt những ngày mưa của núi.

A Thình nhớ, mưa núi có những ngày lê thê, tối đất tối trời. Sau kỳ lúa lên, sẽ đến một mùa đuổi chim trước khi lúa chín. Để có được khoảng thời như thế, nhà nào nhà nấy đều trải qua những ngày phát đốt, chọc tỉa mất nhiều tâm sức nhọc nhằn. Công việc cứ thế cuốn đi, nên ở núi, ngủ rẫy nhiều ngày, tự nhiên, đã trở thành nếp quen.

Ngày trước, ngoại trừ cả kỳ ngủ rẫy trước mùa lúa trổ thường bận rộn với công việc hằng ngày, thằng bé A Thình đã yêu thích nhiều những ngày được sống cùng mưa núi. Trong căn chòi nhỏ đơn sơ, nó được cha chỉ tận tay, cho mỗi chiếc nan đầu tiên, từ từng đường đan rất thô đến thành hình chiếc gùi thưa, chiếc rổ. Cũng trong căn chòi luôn ấm bện hơi lửa, đêm đêm, thằng bé thường đi vào giấc ngủ trong tiếng ting ning khe khẽ, dạt dào.

Song lại có khi thức cùng nỗi lo đất cũng bở ra, sạt đi. Nước cuốn trôi theo những bãi tỉa trồng. Sống bao năm giữa khó lường nên người làng đã dần rút ra một điều không liều lĩnh dựng nhà ngay bên sườn dốc.

Mưa núi, từ những năm nao, dường như mùa nào cũng vậy. Tâm sức người cha của ba đứa con đều đi học xa là A Thình bây giờ thì vẫn chưa vơi. Có điều, cuộc sống sau này không còn như trước. Rẫy xa không chỉ tỉa lúa, trồng mì. Đất dành cho cây cà phê, cho lứa sâm dây và cả những loại cây sẽ được thành hàng hóa. Người làng không cứ riêng ai thì mới hăng say, chịu khó kiếm tìm.

Mỗi mùa mưa đi qua, là thêm một mùa gặt hái. A Thình luôn biết thế. Không còn ngủ rẫy từ lâu, nên những tháng năm xa rồi, mãi còn trong nỗi nhớ niềm thương.

THANH NHƯ

Chuyên mục khác