Một tấm lòng

12/07/2022 13:04

Lúc mở cái bao tải nhỏ đựng đầy những hạt gạo trắng tinh mà ông chú gửi xe đò vào, gã đã muốn khóc. Nó làm gã nhớ đến những bao bắp, túi gạo nghĩa tình mà chú san sẻ trong thời gian khó, khi bố mẹ gã chật vật nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.
Yên bình chốn quê. Ảnh: TH

 

Phải chăng gã đã đến tuổi “hồi ấy rồi”, nên thường nghĩ, và nghĩ rất nhiều, về những gì đã qua mỗi khi nhìn thấy, nghe thấy điều gì đó mang tính gợi nhớ.

Như sáng nay, mờ sáng chạy ra bến xe trong lúc trời đổ mưa to để nhận quà ông chú ngoài quê gửi vào. Về đến nhà, mở bao tải nhỏ đựng đầy gạo trắng tinh mà ngậm ngùi.   

Bao gạo nhỏ ấy làm gã nhớ quay nhớ quắt những bao bắp, túi gạo nghĩa tình mà chú dì san sẻ trong thời gian khó, khi bố mẹ tôi chật vật nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

Và cũng trong khoảnh khắc ấy, gã quên mất mình đang ở xa quê nhà gần nghìn cây số, mà đang đứng trước mặt chú, rơi nước mắt khi thấy chú tiều tụy bởi bạo bệnh, nhưng vẫn cố nở nụ cười hiền từ, xua xua tay ý muốn bảo “đừng có lo, chú ổn”.

Chú gã ấy à, trong nhà chỉ là rể, lấy dì út, nhưng lại thân hơn ruột thịt.

Bà ngoại gã có 3 người con. Bác cả hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở mặt trận Bình Trị Thiên, còn lại mẹ và dì út. Dì lấy chồng và ở luôn làng bên. Chú khỏe mạnh, chân chất, hiền lành, ít nói, nhưng sống tình cảm, thể hiện trong việc làm.

Ở quê gã, chồng dì gọi là dượng, như trong này, nhưng chị em gã lại thích gọi là “chú”, ban đầu thì thấy gọi “chú” thấy gần gũi, thân thiết hơn “dượng”. Có lần, một bậc vai vế trong họ bắt gọi là dượng. “Dâu con, rể khách. Cứ gọi vậy thì lộn xộn, không phân biệt được dâu - rể”- ông cằn nhằn. Nhưng chú bênh, cười xòa: Gọi sao cũng được. Quan trọng là cái tình.

Vâng! Quan trọng là cái tình. Trong tâm trí của chị em gã, chú không còn là rể nữa, mà là ruột thịt, thậm chí còn thân thiết, gắn bó hơn chú ruột. Gã luôn nhớ về chú nhiều nhất trong số anh em nội ngoại của bố mẹ.

Dì thường mắng “Tau cạch mặt mấy đứa bay. Nhiều lúc tau không biết tau là dì ruột hay ông ấy là chú ruột của bay mà có chuyện gì cũng chỉ kể với chú”.

Mắng đấy, nhưng trong khóe mắt dì lấp lánh ánh cười vui. 

Nhà chú dì cách nhà gã một quả đồi mọc đầy sim, mua dại. Khác với nhà gã, nằm lưng chừng đồi, nên đất vườn khô cằn, toàn sỏi, bổ cuốc xuống lại bật lên, khô khốc, nhà chú dì nằm sát đồng lúa, đất đai màu mỡ.

Trong khu vườn rộng đủ loại cây trái, mùa nào thức nấy. Hồi nhỏ, chị em gã thường vượt đồi sang nhà dì chơi, khi về thế nào cũng được chú hái cho một bọc to trái cây.

Những năm 1980, giống phần đông gia đình trong làng, nhà gã sống trong cảnh túng thiếu. Bố công tác xa, chắt chiu từng đồng lương ít ỏi gửi về; mẹ gã đánh vật với chục sào ruộng, suốt ngày đầu tắt mặt tối.

Năm nào được mùa còn đỡ, thóc làm ra nộp sản cho hợp tác xã gần hết, phần còn lại dành dụm ăn độn khoai sắn ráng đến mùa sau. Năm gặp bão, mất mùa thì nộp xong nghĩa vụ cũng vừa hết, mẹ phải bán lúc non, giật gấu vá vai nuôi đàn con ăn học.

Những ngày tháng ấy, chú dì là chỗ dựa của mẹ con gã. Khi bao lúa, lúc mấy chục ký khoai, chú buộc lên xe đạp, chở lên nhà. Lần nào cũng chỉ nói một câu “Vợ chồng em giúp chị lo cho các cháu”. Dù mẹ tôi không nhận, chú cũng để đó rồi về. Chưa bao giờ nói chuyện vay mượn, chẳng mảy may tính toán.

Năm học lớp bốn, gã đi chăn trâu, chui vào bụi cây ngủ quên. Chiều muộn, trâu về mà không thấy người, báo hại cả xóm nháo nhác đi tìm. Chú vừa khóc vừa nhảy sông mò tìm. Đến khi gã lò dò chui ra,  mẹ tức quá quất cho mấy roi, chú vội giằng lấy cây roi ném đi.

Cứ như thế, 4 chị em gã lớn dần lên trong sự vất vả, nhọc nhằn của bố mẹ và sự giúp đỡ của chú dì.

Năm tôi vào đại học, trong nhà không còn tiền, còn ít lúa, bán đi cũng không đủ. Chú lên chơi, thấy bố mẹ gã lo lắng, còn gã thì rầu rĩ, lẳng lặng ra về. Hôm sau đem lên mấy trăm ngàn “gọi là góp cho cháu đi học”.

Sau này gã mới biết, hôm ấy chú về bàn với dì bán đàn heo đang độ lớn, đẹp như tranh.

Ra trường, gã “giông” một mạch vào Tây Nguyên. Các chị em của gã cũng mỗi đứa một nơi. Chú dì có đứa con trai một cũng nhập ngũ, làm lính Hải quân, đóng quân tận Khánh Hòa. Bố mẹ gã già yếu, lại nhờ chú dì qua lại trông nom.

Gã đã sống trọn 24 năm ở quê hương thứ hai. Chú gì thường gửi “quà quê” theo xe đò cho chị em gã, từ gạo, bánh đến trái cây. Mỗi khi về thăm nhà, chú dì lại ép đem theo đủ thứ “cây nhà lá vườn”.

Thỉnh thoảng, gã gửi về biếu chú dì hộp bánh, chai rượu vang, và vài cuốn lịch. Những năm gần đây thêm mấy tờ báo tết. Chú thích lắm, đi khoe cùng xóm. Nghĩ lại mà thương, những tờ báo tết được chú giữ gìn cẩn thận, xếp gọn gàng trong ngăn tủ, luôn sạch sẽ và bóng bẩy.

Năm ngoái, gia đình bàng hoàng nhận được tin dữ, chú bị ung thư phổi. Hôm ấy, gã gọi điện về và khóc, còn chú lại cười: Lớn rồi mà cứ khóc như con nít. Phải cười thì mới động viên chú được chứ.

Gần đây, chú yếu đi nhiều, tóc rụng hết. Đau ốm vậy, nhưng thỉnh thoảng, chú vẫn nhắc dì gửi gạo quê cho con cháu.

Nên sáng nay, nhìn bao gạo, gã muốn về quê, muốn được ngồi ở bờ đất bên ao cá, nhìn chú kéo vó mà trầm trồ khi có cá to; muốn được cùng chú đi bắt chuột đồng, như khi còn non dại.

Ý nghĩ đó làm gã muốn khóc!

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác