Một tấm lòng

30/03/2021 13:01

Ở nơi ấy, trên ngọn núi cao, có một ngôi làng đẹp như tranh, và một câu chuyện thật đẹp về tình người, một tấm lòng cũng đẹp như vậy mà tôi được nghe trong một đêm mưa. Và hôm nay, tôi kể lại với vẹn nguyên niềm rưng rưng, xúc động.

Thầy Minh lặng người đi khi nhìn thấy ánh mắt đượm buồn của cậu bé 6 tuổi cùng bà nội đã ngoài 80, tóc bạc lưng còng, đứng bên quan tài của cha mình trong buổi tối, mưa lạnh buốt.

Mới hôm qua thôi, bố cậu bé vẫn còn đi làm thuê ở làng khác. Buổi tối về nhà, bố còn mang về cho cậu bé một bộ quần áo mới và nói “của người tốt gửi cho con”. A Hun mặc thử thì vừa in, bà nội đặt trên ghế để mai mang ra bờ suối giặt, cất đi chờ khi làng tổ chức sự kiện gì sẽ mang ra mặc cho em. Vậy mà hôm nay, bố em đã ra đi mãi mãi vì bom mìn còn sót lại trong chiến tranh.

Vịn vai cháu nội, bà Y Nhen đứng chết lặng, nước mắt tuôn trào. Bà vẫn không tin đứa con trai duy nhất, là trụ cột của gia đình qua đời đột ngột như vậy. A Hun cũng òa khóc. Dân làng ai cũng xót xa cho gia cảnh của hai bà cháu. Mẹ A Hun sinh em ra được vài ngày đã đột ngột qua đời. Mỗi ngày, người làng thường thấy bà Y Nhen nấu nước gạo cho cháu uống đỡ đói. Cứ thế, cậu bé lớn dần trong vòng tay của bố, của bà.

Bây giờ thì anh cũng bỏ bà, bỏ con trai mình mà đi.

Người làng đến nhà bà Y Nhen để động viên tinh thần, giúp bà lo hậu sự cho con trai, chăm sóc cho đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thầy Minh cũng có mặt rất sớm, lo toan mọi việc. Đêm về, anh ôm A Hun, dỗ dành nó ngủ. Dân làng rỉ tai nhau: Thầy giáo Minh tốt quá. Lo lắng cho bà Y Nhen, cho A Hun như người ruột thịt. Thầy Minh như người làng mình rồi.

Cũng từ hôm ấy, già làng A Nhin gọi anh là “A Minh, con của làng”. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm tiểu học ở dưới xuôi, thầy Minh khăn gói lên Tây Nguyên công tác, rồi tình nguyện vào xã vùng sâu, vùng xa với mong muốn góp chút sức trẻ để mang cái chữ đến với con em đồng bào DTTS nơi đây. Tròn 10 năm bám làng, lội suối, “cõng con chữ” lên vùng cao, lắm lúc cũng nản lắm vì điều kiện khó khăn nhưng rồi thầy Minh vẫn quyết tâm không bỏ cuộc. Đã có bao cô gái làng chết mê chết mệt, nhưng thầy giáo trẻ ấy vẫn ở vậy, sau ngày bị bạn gái ở thành phố chia tay vì hai người không chung hướng đi.

Lo đám tang cho bố A Hun xong, thầy Minh vẫn thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên tinh thần bà cháu A Hun. Những hôm rảnh rỗi, thầy Minh còn đến chỉ dạy A Hun học bài. Thầy giáo có món gì ngon được gia đình từ dưới xuôi gửi lên đều mang biếu hai bà cháu, và ngược lại, có đọt bầu, đọt bí hay thu hoạch được củ lang, củ mì, bà Y Nhen lại không quên bảo A Hun mang biếu thầy giáo.

Thời gian cứ thế trôi qua, họ giống như người một nhà từ lúc nào không hay biết. A Hun đã vào lớp 4, sáng dạ, chịu khó học bài. Mấy lần thầy giáo Minh xuống nhà chơi, bà Y Nhen cũng có ý muốn gửi gắm, nếu bà có mệnh hệ gì thì nhờ thầy giáo chăm sóc A Hun giúp.

Một đêm trời mưa giông sấm sét, thầy Minh chuẩn bị tắt đèn đi ngủ thì nghe ngoài cửa có tiếng trẻ vừa khóc vừa gọi: Thầy giáo ơi, cứu bà con với…

- A Hun phải không? - Vừa hỏi, thầy Minh vừa vội vàng mở cửa.

- Thầy giáo ơi, con gọi mãi mà bà không trả lời nữa- A Hun nói trong tiếng nấc nghẹn.

Không kịp hỏi thêm, thầy Minh cõng A Hun trên lưng, đội mưa băng đường rừng trở về nhà của em. Trong ánh đèn lờ mờ, thầy Minh thấy bà Y Nhen nằm sấp người xuống đất, tay chân cứng đơ, lạnh ngắt. Thầy Minh lặng người, quay lại ôm A Hun thật chặt, đau lòng nói:

- Bà đã đi rồi, A Hun à!

- Không! Không ai được cướp bà của con! A Hun gào thất thanh trong màn đêm mịt mùng của núi rừng.

Buổi tối hôm ấy cứ ám ảnh mãi trong tâm trí thầy Minh. Nó khiến thầy nhớ đến cái đêm mưa năm nào lo hậu sự cho bố của A Hun. Nhưng lần này thầy đau hơn, bởi bà Y Nhen mất, đồng nghĩa với việc A Hun không còn người thân nào trên đời này nữa.

Nghĩ đến mấy đứa trẻ từng gặp ở cô nhi viện trong thành phố - nơi mà  thời sinh viên, thầy Minh từng đến đó để làm từ thiện, anh nghĩ: Hay là mình giúp A Hun có một mái gia đình, mà ở đó, em sẽ không cảm thấy cô độc.

Nhưng nghĩ đến cảnh, A Hun phải xa làng, xa con sông, con suối, ngọn núi, xa mái nhà sàn quen thuộc thì thầy lại đắn đo. Không, A Hun à, thầy sẽ không để em phải xa làng, xa trường đâu. Một suy nghĩ lóe lên trong đầu, thầy Minh quả quyết đi về phía nhà già làng.

Màn đêm buông xuống, A Hun thẫn thờ ngồi trước nhà chồ. Nghe dưới cầu thang có tiếng lộc cộc, A Hun đoán già làng A Nhin và thầy Minh đến, em đứng dậy bước xuống cầu thang đón. Từ ngày bà mất, tối nào già làng A Nhin và thầy Minh cũng ghé qua nhà chơi, mang thức ăn cho em. Có hôm, thầy Minh còn ngủ lại để A Hun đỡ buồn.

Nhóm bếp lửa trên nhà sàn, già làng A Nhin gọi A Hun và thầy giáo Minh cùng ngồi xuống. Già nói: A Hun còn nhỏ quá. Con cần phải có người chăm sóc để có thể no cái bụng đến trường, biết cái chữ để sau này thành người có ích. 

Già A Nhin nói đến đây thì im lặng, nhìn thầy giáo. Thầy Minh nắm chặt đôi bàn tay bé bỏng, đen đúa của A Hun: Con có muốn về sống cùng thầy không? Thầy sẽ chăm lo cho con, xem con như con trai của mình.

A Hun bật khóc, vùi gương mặt giàn giụa nước mắt vào lòng thầy giáo khiến già làng A Nhin cũng rơm rướm nước mắt. Em trả lời trong tiếng khóc nghẹn ngào: Dạ, con muốn.

Lễ nhận A Hun làm con nuôi của thầy Minh được tiến hành theo đúng tục lệ, có sự chứng kiến của già A Nhin và đông đủ dân làng. Mọi người mừng cho A Hun, tấm tắc khen “thầy A Minh tốt với người Xơ Đăng mình quá”. 

Cũng từ ấy, dân làng thấy thầy Minh tất bật hơn với công việc. Ngoài giờ dạy học, thầy quần quật với ruộng lúa, rẫy mì. Thầy nói phải cố gắng làm lụng để kiếm tiền nuôi A Hun vào đại học. Bao cô gái trong làng cũng đem lòng thầm thương trộm nhớ, nhưng thầy giáo Minh vẫn lặng thinh, dành hết tình yêu thương cho A Hun.

Sau một thời gian về ở với bố Minh, A Hun phổng phao trông thấy. Đặc biệt, đôi mắt của em không còn đượm buồn như trước.

Mười mấy mùa rẫy đi qua. Rồi cũng đến ngày A Hun vào đại học. Những ngày đầu xa nhà, A Hun không ngủ được. Cầm chiếc điện thoại được bố Minh tặng trên tay, A Hun như cảm nhận được hơi ấm của bố.

Nhớ bố, nhớ làng quá đi thôi- A Hun thầm thì- Ước gì giờ này được cùng bố ngồi bên bếp lửa giữa nhà sàn; được ăn cá nướng, ăn đọt mây rừng nướng chấm với muối ớt cay nồng… A Hun quyết định bấm máy gọi cho bố. Tiếng chuông điện thoại reo mấy hồi mà đầu dây bên kia không có người bắt máy. Ruột gan A Hun như lửa đốt.

Đang lo lắng, thì ngoài cửa phòng trọ có tiếng gọi:

- A Hun ơi, mở cửa cho bố đi con.

Ai như tiếng của bố? A Hun vội vàng mở cửa. Đúng là bố rồi. A Hun kêu lên vui mừng, ôm choàng lấy bố. Đứa trẻ năm nào đã hơn bố cả cái đầu, to cao, vạm vỡ.

- Bố biết con nhớ nhà, nên dịp này về nhà thăm ông bà nội, tiện thể bố ghé thăm con. Tiện thể, cũng muốn coi cậu học hành thế nào- thầy Minh cười.

- Con của bố mà, tất nhiên là không làm bố phải thất vọng rồi. Bố tài thật, con đang rất nhớ làng, nhớ bố thì bố đã xuất hiện- A Hun nắm chặt tay bố.

Ngày A Hun trở về làng sau 4 năm đại học, cũng đúng vào ngày giỗ của bà nội. Cùng bố đi về phía ngôi rừng thiêng của làng để thắp nén nhang cho bà, bao ký ức của tuổi thơ lại ùa về với A Hun. Lòng trỗi dậy niềm yêu thương, A Hun nắm chặt tay bố và thủ thỉ bên tai ông: Con sẽ về với bố, với dân làng. Sẽ tiếp bước bố làm những việc thật ý nghĩa cho dân làng.

Rừng chiều lao xao tiếng gió, tiếng chim về tổ. Nhìn ngọn Chư Tan cao nhất vùng, A Hun cầu mong thần núi, thần sông luôn phù hộ cho bố được khỏe chân, mạnh tay, để cùng A Hun đi tiếp chặng đường phía trước.

Ở nơi ấy, trên ngọn núi cao, có một ngôi làng đẹp như tranh, và một câu chuyện thật đẹp về tình người. Người thầy giáo già thong thả nướng cá, và kể cho tôi nghe câu chuyện ấy. Cậu con trai ngồi bên cạnh giã muối ớt, thỉnh thoảng nhìn ông với ánh mắt trìu mến. Dường như âm thanh rền rĩ của gió mưa nơi đại ngàn bị ngăn hết ở bên ngoài nhà sàn. Chỉ còn bếp lửa rừng rực cháy, ấm nồng như tình người.

Và hôm nay, tôi kể lại với vẹn nguyên niềm rưng rưng, xúc động.

Sông Côn

Chuyên mục khác