“Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa”

12/09/2023 06:02

“Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa” (Bằng Việt) - câu thơ chẳng xa xôi, trừu tượng gì mà sao lại có sức lay động tâm hồn đến thế. Một ngôi nhà nào đâu chỉ là không gian sống, được xây cất dẫu to hay dẫu nhỏ bằng những vật liệu cụ thể, mà còn là tổ ấm, là nếp nhà vun đắp bằng những ấm áp yêu thương mỗi ngày.

Dưới căn nhà, đâu chỉ che cái nắng gắt như đổ lửa, che những cơn mưa tầm tã, nào đâu chỉ để đặt chiếc giường cho những giấc ngủ ngon, đặt chiếc bàn dọn những bữa cơm đủ mà còn là nơi trú ngụ của những trái tim và chứng kiến bao ước mơ, hy vọng từ khi còn là chiếc mầm mới nhú, đến ngày non tơ, rồi qua tháng năm dần lớn lên mà chín muồi.

Mà ngôi nhà nào rồi cũng cũ đi, già đi, tường bong tróc, cửa bạc màu, xiêu vẹo. Chỉ có tình yêu thương căn nhà, tình yêu thương tổ ấm của mỗi người chẳng những trẻ mãi mà còn bồi đắp, đong đầy theo tháng năm. Có những gia đình sau bao tháng năm dành dụm, tích lũy, dù xây cất được ngôi nhà khang trang hơn vẫn giữ lại cạnh bên ngôi nhà cũ. Ngôi nhà cũ đó là một phần tất yếu cuộc sống của những thành viên trong gia đình, ghi dấu bao kỷ niệm trong trẻo của những năm tháng gian khó nhưng ngọt ngào hạnh phúc.

Không gian yêu thích trong ngôi nhà. Ảnh minh họa

 

Nơi đó chất chứa bao ước mơ trong trẻo, đâu chỉ riêng của đôi vợ chồng còn trẻ, má căng hồng, tóc biếc xanh mà còn của cả những đứa con bé nhỏ thỉnh thoảng biết phụ giúp mẹ cha quét căn nhà, lau sạch bộ bàn ghế, rồi tham gia góp ý nên trang trí thêm chỗ này, sắp xếp lại chỗ kia cho căn nhà thêm đẹp xinh, thơ mộng. Nơi đó lắng đọng niềm hân hoan của cả gia đình khi bao năm dành dụm mới mua được bộ bàn ghế, sắm sanh được mấy vật dụng đắt tiền cho thêm khang trang. Nơi đó cũng hằn in những bước chân đầu đời của các con, cả những bài hát chẳng tròn vành rõ chữ, chữ được chữ mất bởi cái giọng ngọng líu ngọng lo con trẻ xen lẫn trong tiếng reo vui hớn hở của mẹ cha.

Nói đến đây, tôi lại nhớ đến ngôi nhà cũ. Một ngôi nhà ba gian, mái lợp ngói, tường gạch xây bằng vôi, nền nhà láng xi măng mà qua tháng năm với hàng triệu bước chân bước qua khiến cho mặt nền nhẵn bóng. Dưới mái nhà ấy đã chứng kiến những giọt nước mắt của mẹ ngày chị gái đầu bước chân về nhà chồng, những giọt nước mắt của cha ngày nhận món quà từ tháng lương đầu tiên của anh trai và cả những giận hờn của mẹ cha, những trận cãi nhau chí chóe đi kèm những ngúng nguẩy, khóc cười  của mấy chị em.

Oằn mình che chở những con người yêu thương qua mấy chục mùa mưa nắng, mái ngói qua bao lần đảo vẫn đôi chỗ thấm dột khi mưa lớn ầm ào. Mấy cánh cửa sổ cũng nghiêng nghiêng xiêu vẹo, tường nhà cũng bong tróc. Mẹ cha qua bao hôm bàn bạc thiệt hơn, chẳng thể nào giữ lại căn nhà cũ, quyết xây một ngôi nhà mới trên chính nền đất ngôi nhà cũ. Như một cách giữ lại yêu thương, ngôi nhà mới cũng kết cấu ba gian, cửa ngõ như căn nhà cũ, chỉ có điều cao ráo hơn, thoáng đãng hơn. Trước ngày xây cất nhà mới, khi ấy điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh còn hiếm hoi, cha đã đạp xe về tận cuối xã mời hẳn bác phó nháy chụp lại căn nhà cũ. Bức ảnh toàn cảnh căn nhà cũ và bức ảnh cha mẹ - hai linh hồn của căn nhà khoác vai nhau đứng trước toàn cảnh căn nhà được đặt trang trọng bên góc tủ phòng khách như lưu giữ phần ký ức dù nhọc nhằn, gian khó nhưng lại chính là quãng thời gian trong trẻo, tươi đẹp nhất của đời người.

Dưới căn nhà cũ kĩ ấy, vai áo bạc màu của mẹ cha ướt đẫm mồ hôi, hết lên lớp dạy học lại chuyển sang trồng rau, băm chuối, chăm lợn. Giữa trưa hè, dưới mái hiên nhà, cả nhà cùng ngồi bóc lạc, phân chia, sắp xếp lại từng bó rau để tầm hai giờ sáng hôm sau, cha mẹ cùng nhau chất ngồn ngộn hàng hóa lên chiếc xe đạp cọc cạch để mẹ vượt cả hơn hai mươi cây số bán buôn từ chợ này sang chợ khác.

Cho đến tận bây giờ, mỗi lần nhớ lại hình ảnh sống động những tháng năm trong căn nhà cũ ấy, tôi vẫn nghĩ điều mà cha mẹ cho con cái đó là sự hy sinh. Điều mà cha mẹ dạy cho con cái đó là sự nhường nhịn, bao dung, có niềm tin, biết dung hòa thích ứng với cuộc sống chứ không phải chối bỏ bằng những phản ứng tiêu cực.

Nên người ta có thể đi rất xa để hiện thực những ước mơ được ươm mầm xanh trong ngôi nhà cũ năm nào mà lòng vẫn luôn nhớ, luôn mong được trở về lại chính ngôi nhà xưa cũ đó. Trở về nơi vỗ về yêu thương, trở về nơi vẫn tỏa hơi ấm mỗi ngày, trở về nơi mà mãi mãi “bão dừng sau cánh cửa”.

NGUYÊN PHÚC

Chuyên mục khác