Một cửa điện tử nhưng… vẫn làm bằng tay

22/09/2017 07:59

​Trong giai đoạn từ năm 2010-2016, từ các nguồn lực, UBND huyện Đăk Tô đã tiến hành đầu tư, trang bị phần mềm một cửa điện tử cấp xã tại thị trấn Đăk Tô, xã Tân Cảnh và một cửa điện tử cấp huyện tại các cơ quan chuyên môn của UBND huyện với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. Điều đáng nói, đến nay, ở các đơn vị được đầu tư, các thủ tục hành chính chủ yếu vẫn được làm bằng tay.

Đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng

Để giảm phiền hà cho người dân, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, gọn, công khai, năm 2010, UBND huyện Đăk Tô đã triển khai thực hiện giai đoạn 1, đầu tư 365 triệu đồng (trong đó kinh phí được tỉnh cấp là 300 triệu đồng) để trang bị cho bộ phận một cửa thị trấn Đăk Tô.

Hệ thống bấm số, hệ thống hiển thị tình hình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính không được vận hành. Ảnh: H.T

 

Ngoài các máy móc phục vụ, huyện cũng trang bị phần mềm một cửa điện tử cấp xã, thị trấn: eGate (tin học hóa tất cả các dịch vụ công theo cơ chế một cửa, quản lý toàn bộ các quá trình từ đăng ký, tiếp nhận hồ sơ đến việc cập nhật tiến độ xử lý, trả kết quả, in ấn báo cáo, thống kê…) để thực hiện các lĩnh vực: chứng thực văn bản, giấy tờ, các thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp, chính sách xã hội… tại UBND thị trấn.

Sau giai đoạn 1, đến năm 2012, huyện tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 tại các cơ quan chuyên môn thuộc huyện để triển khai giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Với tổng vốn đầu tư gần 530 triệu đồng, ngoài việc trang bị đầy đủ máy chủ, máy scan, trang bị phòng một cửa thoáng mát, đảm bảo quá trình giao dịch, huyện đã trang bị phần mềm điện tử một cửa cấp huyện BKAV eGate để thực hiện các lĩnh vực: cấp giấy phép xây dựng; đầu tư xây dựng cơ bản; các thủ tục về lĩnh vực đất đai thực hiện liên thông từ xã, thị trấn lên; xác nhận hồ sơ về chính sách xã hội, lao động; xác định lại dân tộc; cấp lại bản chính giấy khai sinh; thay đổi họ, tên, chữ đệm cho người từ 14 tuổi trở lên; cải chính nội dung giấy khai sinh cho người từ 14 tuổi trở lên; bổ sung nội dung bản chính giấy khai sinh; điều chỉnh nội dung các giấy tờ hộ tịch; cấp bản sao các giấy tờ từ sổ gốc.

Tiếp tục giai đoạn 3, năm 2016, huyện đầu tư gần 575 triệu đồng để xây dựng hệ thống một cửa điện tử tại xã Tân Cảnh. Và cũng như tại thị trấn, UBND xã Tân Cảnh được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, hệ thống tra cứu thủ tục hành chính để đảm bảo việc giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện và công khai.

Vẫn làm bằng tay

Đầu tư xây dựng hệ thống một cửa điện tử với mục đích giải quyết các thủ tục bằng máy móc, nhanh chóng, chính xác, thuận tiện. Thế nhưng, điều đáng nói, đến nay, việc giải quyết các thủ tục hành chính trên địa bàn huyện Đăk Tô hầu như vẫn được thực hiện thủ công.

Như tại Bộ phận một cửa của UBND thị trấn Đăk Tô, theo quan sát của chúng tôi, dù máy móc được gắn, treo đầy đủ nhưng đa số đều không hoạt động. Hệ thống tra cứu thủ tục hành chính, máy bấm số tự động… đều nằm im lìm.

Theo bà Trần Hương Viên – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Tô, khi được đầu tư, lắp đặt hệ thống một cửa điện tử, việc giải quyết thủ tục hành chính được diễn ra công khai, rõ ràng, trật tự, được người dân đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, với một cửa điện tử, các khâu thực hiện đều được lãnh đạo thị trấn nắm bắt: số lượng hồ sơ, hồ sơ nào đã nhận, đã thụ lý… Tuy nhiên, sau khoảng 2 năm hoạt động, các thiết bị máy móc bắt đầu có dấu hiệu trục trặc.

Các máy móc được trang bị nhưng chưa được sử dụng. Ảnh: H.T

“Đến nay, ngoài 4 bộ máy tính phục vụ nghiệp vụ, máy in, máy quét cửa A3, máy scan A4 vẫn hoạt động tốt thì máy chủ IBM, hệ thống hiển thị tình hình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính; hệ thống xếp hàng tự động; thiết bị đọc mã vạch, tra cứu mã vạch đều ngưng hoạt động. Máy chủ bị hư nên các dữ liệu không hiển thị, người dân không tra cứu được các thủ tục hành chính” - bà Viên cho hay.

Trước tình trạng máy móc bị hư hỏng, đơn vị đã báo cáo lên UBND huyện để xử lý. “Hiện tại, công chức tại Bộ phận một cửa vẫn thực hiện nhập dữ liệu các hồ sơ vào máy tính để đảm bảo quá trình lưu trữ. Với việc bốc số, khi nào lượng giao dịch đông như đầu năm học…, chúng tôi sẽ chủ động làm phiếu bằng tay để bà con thực hiện theo thứ tự” – bà Viên cho hay.

Sau khi được đầu tư, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa của huyện rộng rãi, thoáng mát, có bàn, ghế đáp ứng cho người dân trong quá trình làm thủ tục và đợi kết quả. Tuy nhiên, nơi đây lại vắng hoe và chỉ có 1 người trực tiếp nhận hồ sơ; hệ thống máy móc bị phủ bụi; hệ thống tra cứu hồ sơ dù vẫn hoạt động nhưng không ai tra cứu; máy bấm số tự động đã bị hư hỏng.

“Lượng giao dịch ít nên chỉ có 1 cán bộ trực để tiếp nhận, chuyển hồ sơ còn các cán bộ khác vẫn làm tại phòng chuyên môn. Bà con nếu ai muốn kiểm tra hồ sơ được xử lý đến đâu hay các quy trình thực hiện hồ sơ… cán bộ một cửa mới hướng dẫn” -anh Phan Văn Tuân - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Đăk Tô cho biết.

Còn tại xã Tân Cảnh, dù các trang thiết bị được đầu tư, lắp đặt hiện đại nhưng sau hơn 1 năm vẫn chưa được vận hành. Điều đó đồng nghĩa, mọi thủ tục vẫn được xử lý bằng thủ công. Chị Nguyễn Thị Bích Phượng - công chức Bộ phận một cửa xã Tân Cảnh cho biết, vì các cán bộ chuyên trách trong xã thường xuyên đi học nên chưa sắp xếp được thời gian để cán bộ chuyên trách tại huyện xuống phối hợp lắp đặt, chạy hệ thống. Chính vì vậy, dù máy móc đã được gắn, đảm bảo nhưng đến nay mọi việc vẫn được thực hiện bằng tay.

Dù được đầu tư tiền tỷ nhưng thực tế cho thấy, hệ thống một cửa điện tử tại huyện Đăk Tô chưa phát huy tối đa hiệu quả, ngược lại còn gây ra tình trạng lãng phí vì máy móc được đầu tư nhưng bỏ không.

Trước tình trạng trên, anh Tuân cho biết, sau khi bàn giao máy móc, trong quá trình vận hành, các đơn vị cần có trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng, nếu có trục trặc cần báo sớm với huyện để xử lý.

Xác nhận việc hệ thống một cửa chưa đem lại hiệu quả, anh Tuân nói rằng, trong tháng 9, UBND huyện sẽ rà soát, kiện toàn lại hệ thống máy móc, các trang thiết bị tại các đơn vị để thực hiện hiệu quả.

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác