11/09/2024 13:04
Gió thổi ù ù qua thung lũng, quăng quật trên mái nhà. Những cánh cửa gỗ tạp rung bần bật như bị cánh tay khỏe mạnh túm lấy mà giật.
Gã giật mình thức giấc, giụi mắt nhìn ra ngoài. Khung cửa nhà rông nhờ nhờ sáng. Cũng không biết là trời sáng hay bóng điện sáng.
Biết rõ là sẽ không ngủ thêm được nữa, thêm tiếng muỗi vo ve, gã lồm cồm ngồi dậy. Mưa đã ngớt hạt, chỉ còn những giọt nước mồ côi uể oải rơi xuống.
Có mùi khen khét. Gã chun mũi hít hà rồi nhảy xuống giường. Thôi chết, hay là hồi tối đi ngủ, mấy anh em quên không dập đống lửa dưới bếp, nó cháy lan sang đống củi?
Từ sàn nhà rông, gã phóng xuống gian bếp phía sau. Nhưng xuống đến cửa bếp, gã khựng lại, rồi thở phào khi thấy một bóng người đang lui cui nhóm lửa. Vậy là không phải cháy.
|
Tiếng bật quẹt gas lạch xạch. Nhoáng cái mùi khói bay lên. Sau đó ánh lửa loang dần, bừng sáng gian bếp ẩm ướt. Gã lò dò đi vào, hỏi khẽ: Nấu gì sớm vậy, cô giáo?
Dáng người ấy nhặt thêm mấy nhánh củi bỏ vào bếp, rồi từ từ quay lại, thấy hắn thì nhoẻn cười, hai mắt như chứa hết lửa trong bếp, rung rinh: Dạ, nấu nước uống. Mà sao anh dậy sớm vậy?
Tiếng “dạ” mới ngọt làm sao! Gã mỉm cười. Giữa mênh mông rừng núi, dáng hình cô gái gợi nhớ, đánh thức dậy những cái gì sâu kín, mềm mại nhất trong tâm tư mỗi người.
Vậy là gã và hai đồng nghiệp đã ở nhờ tại điểm trường tiểu học nằm giữa làng, nhìn ra dòng suối Đăk Song này được một đêm.
Từng tôn thờ “chủ nghĩa xê dịch”, nhưng mấy năm qua, gã luôn bỏ lỡ những chuyến đi, kể cả những lần đã lên kế hoạch đâu đó, chỉ chờ giờ khởi hành.
Lý do thì có nhiều, nhưng như bạn bè nói, chung quy lại là gã đã thấy mình không còn phù hợp để “xê dịch” nữa; thấy những chuyến đi đã không phải còn là nhu cầu nữa.
Mỗi khi bỏ qua một chuyến đi, gã lại tặc lưỡi “hôm nay đi không được, thì mai đi, ngày mốt đi”. Thành ra, “vỏ ốc” mà gã tự tạo cho mình càng ngày càng dày, được đắp nặn bởi hằng ha sa số lý do.
Ngay sau ngày khai giảng năm học mới, chú em đồng nghiệp nhất định kéo gã đi cho bằng được. “Anh phải đi một chuyến với bọn em. Cứ ru rú trong nhà như thế đến lúc già khú đế à”- chú em la toáng lên.
Ừ thì đi. Mà anh nói trước, đã đi là phải có cái gì hay ho chút. Nếu đi mà không có thu hoạch gì thì chú đừng trách anh- gã dậm dọa. Chú em cười: Anh cứ yên chí lớn đi. Không được cái này thì cũng được cái kia.
|
Chuyến đi công tác “không xem ngày”, như cách nói của đồng nghiệp, trở nên khó khăn vì gặp mưa lớn quá, xe bị mắc lầy trên con dốc dài. Loay hoay cả tiếng đồng hồ mới vượt qua, quần áo ướt nhẹp, dính đầy bùn đất.
Gã gắt gỏng: Biết thế này anh không đi nữa. Chú em lại cười khùng khục: Trải nghiệm mà anh. Bây giờ ta vào thăm điểm trường gần đây. Tối xin ngủ nhờ, mai ngớt mưa, đường ráo thì trở ra. Gã thở dài: Đành vậy.
Gọi là điểm trường, nhưng thực ra đó chỉ là một gian nhà cấp 4 xây gạch nằm, bên trái nhà rông, chia thành 2 phòng học. Nhà ở của giáo viên dựng bằng tre, mái lợp tranh nằm sau nhà rông.
Dù trên giấy tờ, đây là điểm trường, nhưng bà con ở đây toàn gọi là trường làng, do hai cô giáo còn trẻ phụ trách.
Tối hôm ấy, hai cô giáo, với sự hỗ trợ của trưởng thôn và già làng, đãi khách bằng rau rừng luộc, thịt gác bếp nướng.
Mọi người đều rất vui, nhất là hai cô giáo. Ở đây, ngoài đồng nghiệp, dân làng, hiếm hoi lắm mới thấy người lạ ghé qua. Và gần như ai cũng rất vội vàng, thời gian của họ đã phai và rơi rụng theo cuộc hành trình dài, với quanh co đèo dốc, với hoang vu núi rừng.
Bên ngoài mưa sầm sập, nhưng bên trong ấp áp bởi bếp lửa, ly rượu nồng và những câu chuyện thấm đượm tình người.
Đêm xuống, gã và hai đồng nghiệp xin già làng được ở nhà rông, già làng đồng ý, còn kêu cháu về nhà lấy mùng mền cho khách. Các cô giáo cứ xuýt xoa áy náy mãi bởi cái nỗi tiếp khách đơn sơ, không được chu toàn.
Sau khi gã đánh răng rửa mặt xong thì nồi nước trên bếp cũng sôi sùng sục. Lục trong ba lô ra hộp cà phê bột và “bộ đồ nghề” pha cà phê, gã bày biện lên cái ghế gỗ.
Cô giáo thấy thế khúc khích cười. “Cười khúc khích mà lúm đồng tiền cũng rõ thế”- gã nhìn trộm, vẩn vơ nghĩ.
Mùi cà phê thơm lừng, làm ấm cả không gian chật hẹp. Một lát sau, mấy bóng người đã xúm xít ngồi chụm đầu nhấm nháp ly cà phê tự pha đặc quẹo.
Mưa dứt hẳn. Gã và đồng nghiệp theo cô giáo đến nhà già làng. Con đường nhỏ còn ngập ngụa bùn đất nhưng phía dãy núi xám phía trước đã ửng lên ánh bình minh, báo hiệu một ngày nắng ráo.
Xa xa, nắng sớm nhuộm vàng trên những ngọn cây. Cánh đồng lúa xanh rì bắt đầu vươn lá đón nắng. Mây bị cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường, luồn vào mái nhà.
Trong cái khoảnh khắc đó, gã quên đi những mệt mỏi khi hì hục chống lầy cho xe, chỉ thấy rằng mình đã có một chuyến đi đáng giá. Lại càng thấy mình đã lãng phí như thế nào trong thời gian qua, khi cứ ru rú trong “vỏ ốc” của chính mình.
HỒNG LAM