Một chuyện chép ở làng

01/01/2023 06:06

Biên cương, với hắn luôn có sức quyến rũ, mời gọi lạ kì. Bởi nơi đó, ngay cả những ngày Đông lạnh vẫn luôn ấm nồng tình đất tình người.

Chiều muộn. Biên giới những ngày cuối năm, nắng chưa kịp tắt thì gió núi đã mang hơi lạnh tràn về, nhưng cây cối lại như bừng tỉnh vươn lá, như đón Xuân về nơi “đầu sông đầu suối”.

Vượt qua một khúc cua có đám dã quỳ nở muộn vàng rưng rức, xe dừng lại trước một ngôi nhà cấp 4 quét vôi trắng mới tinh, góc sân có một cây hoa giấy đang nhú những chùm hoa đỏ.

Hắn ngồi trên xe, tò mò nhìn ngôi nhà, thấy vừa lạ vừa quen, cố lục lại trí nhớ xem là nhà của ai, nhưng đành chịu.

Tiếng cười nói từ trong nhà vọng ra. Vui đáo để. “Nhà A Nghi đấy, ta vào chơi tý”- A Thắm, sĩ quan biên phòng đi cùng hắn mở cửa xe, vừa bước xuống vừa nói.

Ủa, nhà A Nghi hả. Trông khác quá chừng. Lần trước tôi có qua đây, cũng vào nhà A Nghi chơi, nhưng là nhà tạm, mái tôn mà? Hắn bật thốt.

A Thắm cười: Mới xây xong đó. Hết hơn 100 triệu đồng, đều là tiền dành dụm của gia đình; cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng thì giúp đỡ thêm ngày công.

Nghe mà hắn ngỡ ngàng. Bởi 4 năm trước, khi mà hắn biết A Nghi, cũng trong chuyến công tác vào những ngày giáp Tết, thì A Nghi mới cưới vợ và tách hộ. Gia đình hai bên đều nghèo, nên cặp vợ chồng trẻ cũng... nghèo nốt.

Những vườn rau xanh mơn mởn nơi biên giới. Ảnh: H.L

 

Bố mẹ A Nghi chia cho gần 100m2 đất ở và mấy đám rẫy, bên nhà vợ cho vài sào ruộng nước. Suốt mấy ngày liền, với sự giúp đỡ của đoàn viên thanh niên trong thôn, vợ chồng A Nghi san đất làm nền, xin cây làm cột, vay mượn tiền mua tôn lợp, dựng lên ngôi nhà tạm trú mưa tránh nắng.

Trong đợt mưa bão cuối tháng 8/2018, ngôi nhà xập xệ của gia đình bị nước lũ cuốn trôi trong đêm, thế là dân làng lại giúp vật liệu, ngày công để vợ chồng A Nghi dựng căn nhà mới còn tạm hơn… nhà cũ.

Giáp Tết năm ấy, hắn ngồi uống rượu cùng A Nghi và bí thư chi đoàn thôn, nghe cậu ta trăn trở về việc muốn bỏ trồng mì, chuyển sang trồng cà phê trên mấy sào đất rẫy; lợi dụng đám ruộng nước nằm cạnh suối để đào ao nuôi cá, nhưng không có tiền.

Sáng hôm sau, khi làm việc với UBND xã và đồn biên phòng, hắn kể về mong ước của A Nghi, và đề nghị chính quyền, đồn biên phòng có biện pháp giúp đỡ.

Sau này, có lần tình cờ gặp Đồn phó A Thắm, hắn biết A Nghi đã được giúp vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện mục tiêu của mình.

Bẵng đi 4 năm, ngày trở lại, hắn không ngờ mình được ngắm nhìn, được ngồi trong ngôi nhà khang trang của A Nghi.

Cánh cửa mở rộng, từ bên ngoài hắn đã thấy A Nghi và một số thanh niên đang ngồi quây quần trên chiếu trải giữa nhà ăn uống vui vẻ.

Thấy có người bước vào, mọi người ngẩng lên rồi vồ vập chào hỏi A Thắm. Mãi một lúc sau, A Nghi mới “a” lên một tiếng và nắm lấy hai tay hắn rung rung. Không nhận ra người quen hay sao? A Thắm hỏi vui. A Nghi cười: Nhận ra rồi, nhận ra rồi.  

A Nghi kéo tuột hắn xuống chiếu. Thì ra hôm nay nhà A Nghi thu hoạch cá dưới ao bán cho thương lái, nhân tiện sửa sang lại một góc bờ bị sạt lở bởi đợt mưa to do ảnh hưởng bão số 4 hồi cuối tháng 9/2022.

Nhà neo người, nên em nhờ một số bạn đoàn viên trong chi đoàn làm giúp. Đến chiều nay thì xong, nên mình mời mọi người ăn bữa cơm thân mật để cảm ơn- A Nghi giải thích.

Giờ hắn mới nhận ra từng người. Người vừa xởi lởi lấy thêm chén đũa cho hắn là A Đưa, bí thư chi đoàn thôn khi hắn lên đây công tác 4 năm trước. A Đưa đã chở hắn đi trên chiếc xe máy cà tàng đến từng thăm từng nhà đoàn viên nghèo, trong đó có A Nghi.

Mấy anh em ngồi quây quần bên mâm cơm hắn đều biết cả. Hầu hết anh nào trước kia cũng nghèo, cũng khó khăn, nhưng trong bất cứ ai cũng khát khao vươn lên. Và bây giờ xem ra, họ đều đã thành công. 

Mọi người nâng cần rượu chúc mừng gia chủ có nhà mới, chúc mừng năm mới sắp đến. Hắn nhận ra, dù cuộc sống đổi thay nhiều, nhưng dân làng trước sau vẫn vậy, nồng hậu, mến khách và chân thành. Giống như ghè rượu ủ khéo, vẫn ngọt ngào và nồng đượm như xưa.

Sau 4 năm nỗ lực, giờ A Nghi đã có 3ha cà phê, gần 1ha ao cá. Xung quanh ao, A Nghi trồng rau, nuôi gà, vịt để cải thiện bữa ăn. Không chỉ trả hết nợ, A Nghi còn làm được nhà kiên cố.

Hồi chiều, hắn để ý thấy những đám ruộng trước nhà A Nghi đã thành mặt ao loang loáng nước, thỉnh thoảng vọng lên tiếng cá quẫy.

Trên mặt ao che rợp những giàn bầu, giàn mướp, trái lớn trái nhỏ treo lủng lẳng. Trên bờ, rau lang, rau muống và những luống cải, đậu bắp sú ngay hàng thẳng lối xanh mơn mởn.

Tết này A Nghi mổ heo to nhé khao làng nhé. Có tiếng ai đó oang oang ngoài sân. Thêm mấy người nữa bước vào. Căn nhà mới càng nở bung tiếng nói cười.

Giờ thì hắn hiểu vì sao biên cương với hắn luôn có sức quyến rũ, mời gọi lạ kì. Bởi nơi đó, ngay cả những ngày Đông lạnh vẫn luôn ấm nồng tình đất tình người.

Hắn nhấp từng chút rượu ghè, nhẩn nha thưởng thức vị cay cay, ngòn ngọt tan từ miệng xuống cổ và nghe bà con bàn chuyện “mần ăn”, chuyện chuẩn bị đón Tết mà lòng thấy lâng lâng, như say, như tỉnh.

Thôi thì đủ chuyện cần làm. Diện tích cao su nhận khoán đang cần tỉa cành, dọn lá khô chống cháy, rồi trữ dầu tưới cà phê, chuẩn bị gieo trồng vụ Đông Xuân.

Mà Tết thì tới sau lưng rồi, cũng phải sửa sang nhà cửa, để xập xệ vậy coi sao được, sắm đồ mới cho mấy đứa nhỏ, mua bánh mứt nữa. Cũng may, cá dưới ao, heo trong chuồng, gà vịt đầy vườn.

Bữa cơm ngày cuối năm kéo dài không lâu. Mọi người lần lượt đi hết. Ai cũng tất bật cả.

A Thắm giục hắn về đồn ngủ, còn A Nghi thì giữ lại, nói đã chuẩn bị sẵn chỗ ngủ rồi. Nhưng hắn biết, mình hắn sẽ không ngủ được, bởi những con chữ đang chen chúc trong đầu.

Hắn muốn viết về những gì hắn thấy hôm nay. Một câu chuyện rất đỗi bình thường, nhưng lại thấm đẫm tình người hồn đất nơi biên cương.

HỒNG LAM

Chuyên mục khác