Mòn mỏi chờ… sổ đỏ

06/10/2018 07:06

​Giai đoạn 2000-2001, theo chủ trương quy hoạch dân cư, khoảng 30 hộ dân đã đăng ký, nộp tiền mua đất cho UBND xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) để mua đất tại khu vực Km số 7, Quốc lộ 14 thuộc thôn Thanh Trung (trước đây thuộc xã Vinh Quang, nay thuộc địa phận phường Ngô Mây). Tiền đã nộp, biên lai đã nhận, nhưng gần 18 năm nay, các hộ dân vẫn mòn mỏi ngóng chờ để được cấp sổ đỏ

Năm 2001, ông Nguyễn Đức Sao, hiện ở tại thôn Thanh Trung (phường Ngô Mây) đã nộp 9 triệu đồng cho UBND xã Vinh Quang để mua lô đất 400m2 tại khu vực Km số 7, Quốc lộ 14. Sau khi nộp tiền mua đất xong, ông Sao được nhận biên lai thu tiền của cán bộ xã ghi rõ lý do nộp là: “thu ủng hộ ngân sách”. Đến ngày 30/6/2003, ông Sao tiếp tục nhận được biên bản tạm giao đất cùng sơ đồ vị trí đất mà mình đã mua. Từ đó đến nay, không hiểu vì lý do gì mà thửa đất ông Sao mua vẫn chưa được chính quyền địa phương hoàn tất hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Sao bức xúc: “17 năm qua, nhìn thửa đất bỏ hoang nhưng gia đình tôi không dám đầu tư xây dựng hay sang nhượng vì không có giấy tờ hợp lệ”.

Cùng thời điểm trên, ông Phạm Văn Điệp, hiện ở tổ 3, phường Ngô Mây cũng nhờ người cháu ruột là Phạm Thị Loan (có hộ khẩu tại xã Vinh Quang) đứng tên mua 2 lô đất cũng tại khu vực Km số 7, Quốc lộ 14 với giá 9 triệu/lô. Sau khi nộp tiền xong, người cháu gái của ông Điệp cũng nhận được biên lai thu tiền với lý do “thu ủng hộ ngân sách” và đến nay thửa đất đó cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. “Chắt chiu mua đất, vậy mà bao nhiêu năm nay ngóng chờ mãi mà gia đình tôi vẫn chưa được cấp sổ đỏ” - ông Điệp buồn rầu nói.

Bà Phạm Thị Sáu vẫn chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

 

Không chỉ những người mua đất chưa làm được sổ đỏ, hiện tại, một số hộ gia đình khai hoang đất, định cư lâu năm tại khu vực trên cũng trong tình trạng tương tự, điển hình như trường hợp hộ gia đình bà Phạm Thị Sáu ở thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây.

Bà Sáu cho biết, nhà bà khai hoang, sử dụng đất từ trước thời điểm năm 2001. Sau đó, UBND xã Vinh Quang đã phân lô và giao lại cho hộ gia đình bà 110m đất mặt đường tại Km số 7, Quốc lộ 14. Sau đó, bà chuyển nhượng một phần cho các hộ dân khác. Điều đáng nói, dù 20 năm qua, gia đình bà đã làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn chưa được giải quyết; trong khi đó, một số lô đất bà sang nhượng cho các chủ sở hữu khác lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Bây giờ tôi già yếu rồi, mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định để gia đình tôi yên tâm” - bà Sáu bày tỏ.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, việc chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 40 hộ dân tại khu vực này xuất phát từ những sai phạm của UBND xã Vinh Quang.

Tại Văn bản số 53/BC-UBND thành phố Kon Tum ngày 5 tháng 2 năm 2015 về Kết quả xử lý đất tại Km số 7, thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây có nêu rõ, ngày 15/10/2000, UBND xã Vinh Quang lập tờ trình xin chủ trương UBND thị xã Kon Tum lúc đó quy hoạch khu dân cư để xét giao đất cho các hộ có nhu cầu giãn dân, tách hộ xây dựng nhà ở trên địa bàn xã. Đến ngày 06/1/2001, UBND thị xã có văn bản phúc đáp, thống nhất chủ trương quy hoạch khu vực đất tại Km số 7, Quốc lộ 14, thôn Thanh Trung, với tổng số 45 lô đất (bình quân mỗi lô 400m2) để giao đất giãn dân.

Tuy nhiên, UBND xã Vinh Quang không thực hiện đúng quy trình xét duyệt, trình UBND thị xã giao đất cho các hộ theo quy định mà tự ý thông báo và lập biên bản tạm giao đất ngoài thực địa cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu đăng ký, sau đó thu mỗi hộ 9 triệu đồng/lô. Trong số 33 hộ được giao đất thì có đến 21 hộ/21 lô đất không đúng đối tượng, không thuộc hộ giãn dân và không ở trên địa bàn; 5 hộ/12 lô đất không phải UBND xã giao đất mà do các hộ có nguồn gốc khai hoang và nhận chuyển nhượng.

Cũng trong văn bản này, đối với các hộ đang sử dụng đất, có nguồn gốc do khai hoang, nhận chuyển nhượng, UBND thành phố chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền địa phương hướng dẫn các hộ kê khai và lập thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định hiện hành.

Với các hộ được UBND xã giao đất trái thẩm quyền thì không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, các hộ dân này được tạm thời sử dụng đất theo hiện trạng và sẽ được xem xét hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi.

Trước thực trạng trên, ông Huỳnh Công Trình - Chủ tịch UBND phường Ngô Mây cho biết, theo sự chỉ đạo của Thanh tra tỉnh cũng như UBND thành phố Kon Tum, hiện tại, phường đang tập trung quản lý chặt chẽ quỹ đất tại Km số 7, Quốc lộ 14 đồng thời họp, xác minh lại nguồn gốc đất khai hoang.

Đối với hộ bà Phạm Thị Sáu, vì diện tích đất tiếp giáp với cao su ngân sách của phường, sắp đến, UBND phường xin chủ trương đo lại. Sau khi đo đạc xong, UBND phường sẽ họp, lấy ý kiến khu dân cư và phối hợp với các ngành tiến hành xác định lại diện tích đất, nếu đúng quy định sẽ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Sáu.

Nộp tiền mua đất nhưng vì sai sót từ phía UBND xã Vinh Quang, đến nay, các hộ dân vẫn phải ngậm ngùi nhìn đất bỏ trống. “Rất mong các cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng, dứt điểm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chúng tôi có thể xây dựng hoặc kinh doanh, buôn bán. Không thể vì sai phạm từ phía UBND xã mà để người dân chịu thiệt thòi” - ông Điệp nói.

Bài, ảnh: Bình An

Chuyên mục khác