Mỗi người một tay, môi trường sạch ngay!

16/08/2019 13:00

Khi thói quen xấu hình thành, môi trường ô nhiễm là điều khó tránh khỏi. Và khi môi trường ô nhiễm, tất yếu phải “hành động”. Mỗi người một tay, môi trường sạch ngay, bảo vệ môi trường vì môi trường, vì chính mình và vì mọi người.

Sáng nay, sau khi đi chơi về, ba chồng tôi vòng thẳng ra sau nhà, vừa rửa chân vừa thở dài: “Hết nước thải, xác chuột chết lại đến lông gà, lông vịt… cái gì cũng tấp ra hẻm. Đầu hẻm càng ngày càng bẩn, ô nhiễm quá đi mất!”.

Nghe vậy tôi mới nhớ, không riêng gì ba chồng tôi, lần nào có bạn hay người quen vào chơi, tôi đều nghe họ phàn nàn về con hẻm vừa chật, vừa nhếch nhác.

Con hẻm chạy dọc theo chiều dài 2 ngôi nhà ở đường chính và xóm nhỏ phía bên trong. Khổ nỗi, cả 2 nhà dọc theo con hẻm đều nuôi heo, nước thải chăn nuôi xả thẳng ra hẻm, đóng rêu xanh, rất hôi thối. Không chỉ thế, đủ thứ rác thải cũng được tấp xuống con hẻm. Khu vực này không được công nhân môi trường đô thị thu gom rác nên khi trời nắng bốc mùi hôi thối, trời mưa đường thì đóng rêu xanh, dơ nhớp. Vì đầu hẻm quá bẩn nên nhiều người ở xóm trong như gia đình tôi bất đắc dĩ mới đi bộ ra đầu đường.

Trong các cuộc họp thôn, nhiều người đã ý kiến, nhắc nhở về việc giữ gìn vệ sinh chung. Họp vẫn họp, nhắc nhở vẫn nhắc nhở nhưng “cha chung không ai khóc”, mọi việc đâu lại vào đấy. Nước thải vẫn chảy ra đường; rác, túi ni lông vẫn bay đầy hẻm.

Không riêng ở xóm tôi, việc xả nước thải, vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, mất mĩ quan đô thị đang là vấn nạn ở nhiều nơi. Ở nhiều tuyến đường, không khó bắt gặp hình ảnh những đống rác ngổn ngang bên cạnh biển “Cấm đổ rác”.

Mỗi người cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác thải đúng nơi quy định. Ảnh: Internet

 

Ngay từ nhỏ, trong các bài học vỡ lòng, mỗi người đều học được cách bỏ rác vào giỏ, vào hố rác; vứt rác đúng nơi quy định. Thế nhưng, với nhiều người, thói quen này lại mất dần đi khi lớn dần lên. Với suy nghĩ, vứt rác bừa bãi tiện hơn việc phải đi tìm và bỏ rác vào thùng; vứt rác ra đường tiện hơn việc phải xách ra hố rác, bãi rác. Và rồi, người lớn làm sai, trẻ em lại làm theo người lớn, hình thành một thói quen mới, vứt rác không đúng nơi quy định.

Hơn thế, nhiều người cho rằng việc mình vứt một bì rác, con chuột chết ra đường quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Trong khi đó, một số người khác lại nghĩ, môi trường đã ô nhiễm, mình có “góp” thêm một chút cũng chẳng ăn thua; môi trường nếu ô nhiễm thì ảnh hưởng chung chứ không riêng gì mình… Chính những suy nghĩ như vậy khiến thói quen vứt rác bừa bãi, lung tung càng khó bỏ.

Một nguyên nhân khác xuất phát từ việc các tuyến đường trong thành phố, công viên, nơi công cộng, các điểm du lịch có ít thùng rác. Nhiều người qua lại, khi cần không có thùng rác. Rác lại không thể cầm mãi trên tay, và rồi, điều gì đến cũng phải đến, họ phải “trút” gánh nặng trên tay xuống lề đường.

Ngoài ra, việc thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng cũng là một trong những nguyên nhân khiến các công ty, nhà máy, xí nghiệp… thờ ơ xả thải, phá hoại môi trường.

Khi thói quen xấu hình thành, môi trường ô nhiễm là điều khó tránh khỏi. Và khi môi trường ô nhiễm, tất yếu phải “hành động”. Thu gom rác thải, đào hố rác giúp bà con là những phần việc luôn có trong các hoạt động thanh niên tình nguyện. Đi đến đâu, thanh niên cũng tuyên truyền bà con giữ vệ sinh sạch sẽ. Không riêng đoàn viên thanh niên, bảo vệ môi trường cũng là một trong những nội dung hoạt động trọng tâm của Hội Phụ nữ tỉnh. Ngoài việc tập huấn, hỗ trợ, giúp người dân đào hố rác, làm con đường hoa, các cấp Hội còn vận động chị em thực hiện hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp và sạch ngõ). Mới đây, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức Hội thi Tuyên truyền viên giỏi bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng đưa ra giải pháp, cùng tuyên truyền mọi người chung tay bảo vệ môi trường.

Cùng với các cấp hội, đoàn thể, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát về môi trường; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để răn đe, tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.

Các cấp, các ngành, đoàn thể vào cuộc, điều còn lại chính là ý thức của mỗi người. Môi trường là ngôi nhà chung, nếu mỗi người ý thức, chung tay bảo vệ, ngôi nhà ấy sẽ xanh - sạch - đẹp. Bỏ rác vào giỏ, làm việc nhỏ để tạo ra sự chuyển biến lớn. Mỗi người một tay, môi trường sạch ngay, bảo vệ môi trường vì môi trường, vì chính mình và vì mọi người.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác