Mơ thấy mùa mưa tới

03/03/2020 13:05

Tiếng máy nổ gắt lên rồi khựng lại làm hắn giật mình tỉnh giấc. Hắn lại mơ thấy mưa, trong giấc trưa gà gật dưới mái lều bạt canh nước tưới cà phê nóng hừng hực. Trong giấc mơ của hắn, mây đen đùn lên từ những rặng núi, nhoáng cái phủ kín bầu trời, làm dịu mát cơn nóng bức. Và mưa tới, ào ạt, xối xả, giăng trắng trời trắng đất; xóm làng, ruộng rẫy, núi non nhòa trong màn mưa.

Suốt 2 ngày qua, hắn lang thang theo chân cậu thanh niên ở Đăk Hà đi canh đến lượt lấy nước, kéo đường ống tưới cà phê, với mong muốn có được bộ ảnh như ý. Và cũng nhờ thế mà lần đầu tiên hắn “gần” mùa khô đến vậy. Bao lâu nay, hắn vẫn thường khoác ba lô đi khắp các nẻo đường suốt 2 mùa mưa nắng, nhưng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, đi rồi về nhà, với gian phòng lắp máy lạnh.

Vào buổi trưa đầu tiên nằm ngủ trên rẫy cà phê, hắn nhận ra rằng, mùa khô đang ở những ngày cao điểm. Đất cao nguyên mênh mông thêm vì nắng và gió.

Nắng, mặt trời như cái bếp lò, tỏa ra những quầng nắng hừng hực, mênh mang và chói chang. Đâu đâu cũng là thứ nắng khô không khốc, đe nẹt cái màu xanh của lúa, cà phê, cao su. Từng thớ đất rơi vào cơn khát nước định kỳ hẹn trước với trời đất, cây trồng tưới bao nhiêu nước cũng không thừa. Người ta như nghiêng sông, nghiêng suối, vét hồ, cố vắt nước lên tưới rẫy, tưới vườn, mà trong lòng vẫn hồi hộp bởi không biết có thể “gồng” đến đâu.

Chao ôi, cái thứ nắng nóng khiến người ta từng thời từng khắc mong đợi, kiên trì mà tự khuyên nhủ mình rằng: ráng chịu đựng đi, rồi mùa mưa cũng sẽ về!

Và gió, như đàn ngựa bất kham, quất ù ù qua những mái nhà, luồn qua những đường phố, quăng quật trên những nương rẫy và hào hứng gào thét tràn qua những sườn núi như đang phồng rộp bởi khí nóng hầm hập; quần áo mới giặt, khoác lên người, gió ào qua lại khô rang.

Gió nhiều và lang thang, lang thang như đến bất tận, làm mọi thứ xa vời, nhớ nhung, nôn nao nhiều, chạm hoài không tới, không hết.

Hệ thống tưới bằng béc phun tự động được nhiều gia đình trồng cà phê ở huyện Đăk Hà áp dụng. Ảnh: TH

 

Với hắn, vào mùa khô thì Kon Tum đã không còn huyền ảo nữa, cạn dần bí ẩn, thay vì thu sâu vào trong tiếng chiêng, tiếng cồng, trong bếp lửa nhà sàn ở làng, nhà rông, tất cả dường như đã lộ ra, phơi mình, mênh mông ra.

 

Đã bao nhiêu năm tháng, tuế nguyệt phôi pha rồi, mùa khô vẫn hầm hập đến với gió bụi, với khô khát; những cánh rừng nóng hừng hực; dòng Đăk Bla- và nhiều sông suối nữa- nhọc nhằn chảy, trơ đá tảng dưới đáy, nhiều cánh đồng khô rang, nứt nẻ... Nhưng hắn nhận ra, càng khó khăn càng cho thấy sự bền bỉ kỳ diệu của con người trong cuộc giành giật với trời xanh để nuôi sống những mầm cây.

Có lẽ vì vậy mà mùa khô luôn có sức lôi cuốn đối với hắn. Nên bạn bè cũng quen với việc bỗng dưng hắn “mất tích” ít ngày. Chắc chắn khi ấy, hắn đang lang thang trên các nẻo đường, lồng ngực nhiều khi cứ như bị nén dẹp lại bởi gió và hơi nóng, ấy thế mà vẫn cứ thấy dạt dào.

Trong những chuyến rong ruổi ấy, hắn lại như nhìn thấy một phía khác- đằng sau sự dữ dội của mùa khô: Ấy là mùa để đất và người Kon Tum rèn luyện, để Kon Tum hiện ra hết vẻ trai tráng của mình, là mùa súc tích sức lực để bừng lên khi mưa về.

Đến với Kon Tum mùa này, nếu không bộ hành thì cũng chỉ ngồi xe máy đi lang thang mới hy vọng cảm nhận được ít nhiều về mùa đặc biệt nhất của cao nguyên. Dù mỗi chuyến đi là một lần vật lộn với “bữa tiệc” khó gặm của trời đất gồm gió, nắng, bụi đang bày ra và sự vất vả đến khó đong đếm của nhà nông sau kỳ đón tết cổ truyền.

Khác với mùa lễ hội của người miền xuôi, sau Tết, thậm chí là ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới, bà con đã trở lại với ruộng rẫy. Trong tâm thức của mỗi người dân Kon Tum, tháng Giêng không là “tháng ăn chơi”, mà là mùa buộc phải tần tảo, như con ong đi lấy mật kia. Dồn dập, cuống quýt, người trồng cà phê bước vào mùa tưới với đằng đẵng lo lắng, khắc khoải, hy vọng về một nguồn nước ổn định... Cho đến khi có những cơn mưa đầu mùa.

Cực lắm anh ơi. Mỗi hạt cà phê đều đắng chát vị mồ hôi- cậu thanh niên vừa kéo ống vừa thủ thỉ. Hắn gật gù, nhưng trong đầu thoáng nghĩ: Thử tưởng tượng đến một ngày, lên Kon Tum vào mùa khô, không còn nhìn thấy những hình ảnh tảo tần ấy, sẽ buồn đến nhường nào, trống vắng đến nhường nào?

Người dân tất bật kéo ống chuẩn bị tưới cà phê. Ảnh: TH

 

Mùa khô, hắn đã có những bộ ảnh đẹp. Đó là những con đường với hoa dã quỳ vàng rực, vàng đến hết mình, chính loài hoa dã quỳ kia, cùng với cái tổ hợp “nắng-gió-bụi” ấy đã làm nên một mùa khô Kon Tum dữ dội mà khắc khoải, khô khát nhưng đầy kiên nhẫn, ráng sức vươn lên.

Đó là những rẫy cà phê tơi tả sau một vụ thu hoạch, được bồi bổ nhờ nguồn nước rạt rào ngày đêm, trở nên tươi tỉnh, bừng sáng những đốm hoa trắng tinh, mịn nõn như tuyết phủ đầu cành, hương thơm ngào ngạt lan tỏa khắp đất trời, nhẩn nha những cánh ong bay.

Đó là những dãy đồi núi kéo dài liên miên, không khí như đặc lại, ngoằn ngoèo những vệt khói đốt rẫy, làm người ta hoài niệm về những cánh rừng già mênh mang và khát khao được đằm mình dưới những dòng suối trong lành. Đó là những triền đồi bạt ngàn cà phê tươi xanh, được tưới bằng nhọc nhằn, mồ hôi, thậm chí là nước mắt.

Đó là những người mẹ, người chị, người em gái nhỏ gùi chiếc gùi đựng mấy thứ rau quả từ bãi bồi sông Đăk Bla đang dần trơ đáy về làng; những cô gái Jẻ Triêng trên mạn Đăk Glei sắp đến tuổi trưởng thành tháng ngày kiên trì gùi những gùi củi khô về chất dưới gầm nhà sàn để làm “của hồi môn” cho chính mình chờ ngày bắt chồng.

Đó là khi người nông dân ngả lưng dưới tán cao su, ngủ một giấc thật say, để vơi đi trong lòng những bí bách khi phải chứng kiến từng vạt ruộng đang khô cháy vì nắng hạn.

Hắn thấy cuộc sống bình yên hơn khi được ngắm nhìn những hình ảnh ấy giữa mùa khô khát!

Đi qua mỗi mùa khô, là da thịt hắn lại đen thêm, xấu hơn, nhưng hắn vẫn cứ phóng xe một mình qua những thôn, làng, những khu rừng, những đồi núi trọc... Rồi thấy mình sao mà giống nhà thơ Lê Thành Văn khi anh bật thốt lên trong bài thơ Gió Kon Tum: “Tôi đi giữa những ngày lang thang ấy/Chợt thấy mình sao giống gió Kon Tum”.

Nên với cái xe máy băng băng trên đường, hắn mải miết đi và chụp ảnh về mùa khô dữ dội, về những người nông dân kiên trì, nhẫn nại đang gắng sức vượt qua những thử thách của trời xanh. Đi cho hết mùa của nắng và gió, của khô khát, và mơ đến mùa của tốt tươi, của thức tỉnh.

Ấy là khi mùa mưa tới!

Thành Hưng

Chuyên mục khác