08/09/2020 06:04
Ba thấy trong người thế nào, có đau ốm gì không? Sáng nay, đứa con trai thứ đến nhà thăm, thấy ông ngồi bần thần trước cổng đã hỏi như vậy.
Ông Năm lắc đầu. Tỏ vẻ bực dọc hơn khi hết đứa con này rồi đến đứa cháu khác cứ lặp đi lặp lại câu hỏi ấy. Phải chi là bà, sẽ càm ràm: Ông ngồi hoài ngoài đó chi vậy? Vô nhà kẻo ngã bệnh bây giờ.
Ông biết chứ, nào phải đau bệnh hay do trái gió trở trời khiến vết thương ở lồng ngực từ thời chiến tranh hành hạ. Mà là nỗi nhớ bà cứ âm ỉ trong lòng. Mỗi lần bắc ghế ngồi nhìn ra cổng, ông lại như thấy mờ mờ hình bóng bà vội vã xách giỏ đi chợ mua cá đồng về kho nước dừa những ngày mưa.
Chiều nay, cô con gái đầu đi công tác dài ngày về ghé qua nhà, thấy ba ngồi thất thần trước cửa tỏ vẻ lo lắng. Đến lúc cô con gái hỏi chuyện, ông Năm mới chịu nói, giọng buồn rười rượi: Má bay về với tổ tiên, ông bà cũng gần một năm rồi... Nói đến đây, giọng ông nghẹn lại.
Cô con gái nắm chặt đôi bàn tay nhăn nheo, da bọc xương của ba mình xúc động. Thì ra ba đang nhớ má. Cô cũng biết, từ hồi ba cô bị tai nạn, sức khỏe yếu hơn, ông lại càng dễ xúc động hơn.
Lấy chiếc khăn vải lau dòng nước mắt, ông Năm tiếp lời với con gái, giọng yếu ớt: Giỗ đầu của má, bay làm món gì thì làm, nhưng phải nấu món cá đồng kho nước dừa để cúng cho bả. Hồi còn sống, bả thích món này lắm.
Cô con gái nghe ba nói mà cảm giác tim mình như bóp nghẹt lại. Bởi từ hồi má mất, cô cũng thương và nhớ nhiều lắm, nhưng không dám biểu lộ ra trước mặt vì sợ ba thấy thế càng buồn.
Ông Năm đứng dậy, chống chiếc gậy bước lịch xịch đến trước bàn thờ bà Năm thắp nén nhang.
Cô con gái hiểu ý, pha cho ba ít trà sen.
|
Ông Năm ngồi xuống bàn hớp một ngụm nước trà rồi nói với con gái mà cứ như chỉ kể cho mình nghe: Hồi nào đến giờ, má tụi bay thiệt thòi đủ điều. Tính ra, bả chẳng bao giờ bước ra khỏi lũy tre làng. Hết lo cho con rồi đến lo cho các cháu. Nhớ hồi con Út đi lấy chồng, họ hàng đều nói đưa dâu sang nhà đàng trai, bả nhất quyết không chịu vì sợ mang tiếng “bán con” (theo phong tục của người miền Trung). Khi con Út sinh con, bả lại ngã bệnh nằm một chỗ nên cũng chẳng biết vợ chồng nó nhà cửa thế nào nên cứ nhắc mãi. Còn trở về thời gian trước nữa thì bả càng không có cơ hội đi đâu xa, ngoài cày cấy ruộng vườn, lo cho con và nuôi giấu cán bộ cách mạng...
Nghe ông Năm kể chuyện mà xót xa cho bà Năm. Bà đúng là mẫu người phụ nữ gan dạ, can trường, chịu thương, chịu khó. Mà nếu không như vậy thì ngày đó sao lọt được vào mắt ông Năm.
Bây giờ nhìn ông Năm già vậy đó chứ nếu nhìn vào bức ảnh treo ở phòng khách nhà ông chắc ai cũng phải trầm trồ về thời thanh xuân của ông. Người ở quê cứ luôn miệng nói: “Hồi trẻ ông Năm oai lắm”. Đôi lúc ông chọc bà “lấy được chồng đẹp trai nhất xã”.
Sinh ra trong gia đình cách mạng, 17 tuổi, ông Năm xung phong đi bộ đội đánh Mỹ. Gia đình bà Năm là cơ sở nuôi giấu cách mạng. Ông và bà ở cùng xã nhưng khác làng. Trong một lần bà bí mật nhận bộ đội bị thương từ trên núi về để chăm lo, ông gặp và thấy cảm mến rồi cả hai yêu nhau từ lúc nào không biết. Những năm sau đó, thấy chiến tranh ác liệt quá, mấy lần ông định thôi không lấy vợ nữa, vì sợ mình không trở về được. Bà hiểu ý nên đã mạnh dạn xin với tổ chức cho ông và bà cưới nhau. Được tổ chức chấp nhận, đám cưới của ông bà diễn ra đơn giản, chỉ là nước trà và mấy gói kẹo...
Những năm sau đó, lần lượt những người con của ông bà ra đời trong chiến tranh. Bà vừa là cha, vừa là mẹ của những đứa con và vừa là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng kiên trung. Có những tối khuya ông Năm “xuống núi” lén ghé qua nhà thăm bà và các con. Đứng sau vách nhà lá, ông nhìn vào thấy bà vừa cặm cụi giã gạo, vừa ru con... Đứa con lớn nằm một bên, đứa nhỏ nằm một bên. Ông nuốt nước mắt rời đi, cầu mong hòa bình sớm lập lại để trở về đỡ đần vợ con.
Thời chiến tranh, ông Năm không ở nhà. Lợi dụng điều này, bọn lính Mỹ thường hay kiếm cớ vào chọc ghẹo bà Năm, vì ngày ấy bà đẹp nổi tiếng ở làng. Những lúc như vậy, bà Năm thường phải véo vào hai bên đùi non của các con mình đang ngủ để chúng đau đớn la hét om sòm, buộc bọn lính Mỹ phải rời đi. Mỗi lần như thế, bà Năm như đứt từng khúc ruột, vì thương con nhưng cũng chẳng còn cách nào khác...
Bao ký ức những năm tháng chiến tranh với hình ảnh của bà Năm can trường, biết hy sinh, chịu thương, chịu khó khiến ông Năm không thể nào quên được.
Hòa bình lập lại, ông Năm tiếp tục làm cán bộ huyện. Chuyện lớn, chuyện nhỏ trong nhà, từ chăm lo cho con đến làm kinh tế gia đình... một tay người phụ nữ ấy đều gánh vác, tảo tần.
Đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, ông Năm càng bận rộn với công việc hơn, có khi mấy tuần ông mới về nhà một lần.
Nhớ có lần, ông Năm cùng đoàn công tác của huyện về thăm cánh đồng lúa ở chính làng ông để chỉ đạo địa phương tập trung sản xuất. Ông Năm và bà Năm đã vô tình gặp nhau. Nhìn thấy bà Năm lam lũ dưới đám ruộng sâu, còn ông thì ăn mặc tươm tất, ông Năm thương bà lắm. Còn bà thì mặc kệ cho sự xót xa của ông, nở nụ cười thật tươi. Ông biết, bà thương ông và tự hào về ông lắm nên có cực mấy bà cũng cam lòng như vậy.
Hòa bình mấy chục năm rồi, con cái của ông bà gần như đã yên bề gia thất. Nhưng hết con thì lại đến cháu, bà luôn tất bật sớm hôm. Còn với ông, tuy về hưu rồi nhưng cũng chẳng đỡ đần được mấy cho bà. Hồi chiến tranh, ông cầu mong sao sớm hòa bình để về phụ vợ, chăm lo cho gia đình, cho các con. Hòa bình lập lại, theo nhiệm vụ phân công của Đảng và Nhà nước, ông tiếp tục hẹn bà “khi nào tôi về hưu”… Nhưng đến lúc được nghỉ ngơi thì sức khỏe của ông cũng chẳng thể làm gì, mà ngược lại còn là gánh nặng cho bà. Nhiều lúc muốn phụ giúp bà, ông cũng chẳng biết làm sao, phần vì sức khỏe, phần thì cũng không quen việc.
Nhìn thân hình gầy còm của bà, có lúc ông tự nhủ: Sao bà ấy lại có sức chịu đựng phi thường như thế? Cũng có lần ông hỏi thẳng bà: Sao tôi chẳng thấy bà than thân trách phận? Bà chỉ cười và trả lời ông: Tôi than vãn cũng chẳng để làm gì. Ông hy sinh vì nước, vì dân; thì mọi sự hy sinh của tôi có đáng gì.
Ông Năm nói “bà nói phải”. Thế nhưng, ông thừa biết rằng bà Năm đã âm thầm hy sinh rất nhiều. Trước mặt ông, bà luôn tỏ ra là người phụ nữ mạnh mẽ, can trường để ông yên tâm đi đánh giặc, đi làm công việc mà Đảng và Nhà nước phân công...
Mùa mưa, trời mau tối quá. Cô con gái dọn sẵn mâm cơm trên chiếc phản. Cô đỡ ông Năm ngồi xuống chiếc ghế dựa rồi chăm chút gắp miếng cá đã lóc hết xương bỏ vào chén cho ba mình. Cô nấu canh chua cá lóc- món mà ba cô rất thích, nhưng ông cũng chỉ ăn lưng chén. Cô con gái biết, từ ngày má cô qua đời, ba cô buồn lắm, ăn ít hẳn.
Sáng nay, đám giỗ bà Năm. Cả đêm qua, ông Năm gần như không ngủ được. Biết tính ông hay lo nên con cháu cũng tề tựu về đông đủ từ sáng sớm. Ông không đi lại được nhiều nên nhờ con, cháu phụ giúp lau dọn bàn thờ, trưng bày các món đồ cúng theo đúng ý mình, tất nhiên không thể thiếu món cá đồng kho nước dừa. Thắp nén hương cho giỗ đầu của bà mà khóe mắt ông cứ rưng rưng, mờ mờ hình bóng bà Năm vội vã xách giỏ đi chợ những ngày mưa.
Vì ông nhớ, ông thương bà thật nhiều!
Sông Côn