03/06/2019 13:10
Chiều đi qua ngôi làng ở vùng ven thành phố, nhìn đám con nít vui đùa với trò đá gà cỏ, miền ký ức tuổi thơ lại hiện về trong tôi.
Tuổi thơ của những đứa trẻ vùng quê luôn gắn với bờ ruộng, bờ ao và những trò chơi dân gian đi cùng năm tháng.
Mới 3 tuổi, tôi đã lẫm đẫm theo má ra đồng. Gốc rạ lởm chởm trên cái thửa ruộng vừa mới gặt xong châm rát đôi bàn chân nhỏ. Cô bé đầu còn để chỏm khi ấy đã được má bắt cho con cua, con cá để nghịch. Mùi bùn đất, rơm thơm cũng từ ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ tôi cho đến tận bây giờ.
Lớn lên một chút, tôi nhanh chóng “gia nhập” vào nhóm của thằng Tí, thằng Tèo, con Beo, con Út… ở gần nhà thỏa sức “ngụp lặn” trong các trò chơi trẻ thơ mà có lẽ đến suốt cuộc đời mình sẽ không bao giờ quên được.
Thằng Tí thì đen nhẻm. Thằng Tèo trắng hơn một chút. Còn con Beo, con Út thì cao to hơn thằng Tí, thằng Tèo cả nửa gang tay. Riêng tôi thì thấp tịt nhưng “béo tròn béo trục”. Mỗi đứa một tính cách nhưng lại chơi với nhau rất thân.
Nhớ những ngày hè, mới sáng vừa mở mắt ra đã thấy tụi thằng Tí, thằng Tèo, con Beo, con Út núp ló trước sân nhà chí chóe gọi. Má tôi bới cho mỗi đứa một chén cơm nóng trộn muối mè thơm phức có khi là vài củ khoai mì, khoai lang luộc bắt cả lũ cùng ăn. Thoáng cái, mắt trước mắt sau, đã thấy cả đám “dong” ra cái bờ ruộng ở trước nhà để bứt cỏ gà đá. Tôi với con Beo, con Út một phe; phe còn lại là thằng Tí, thằng Tèo. Có hôm còn có thêm thằng Sơn, thằng Thanh, con Hoa, con Sanh ở xóm trên cũng “nhập cuộc”. Đá gà cỏ chán rồi cả bọn bắt cặp, chia phe để chơi trò đá gà bằng đầu gối. Thằng Tèo, thằng Tí luôn bị con Beo, con Út đá ngã lăn quay. Được cái là 2 thằng con trai ấy cũng “lì” lắm nên chẳng bao giờ biết “quê” với bọn con gái mà thường thì sau đó tìm cách để “trả đũa”…
Nhớ những buổi trưa hè oi bức, cả bọn tụ tập dưới góc cây mít, cây ổi bên hiên nhà tôi. Con trai thì cắt bẹ chuối chế tạo súng, chặt mấy cành ổi để chế tạo ná hay róc mấy tàu lá dừa lấy cái thân chính giữa để vót kiếm. Bọn con gái thì hái lá mít để kết thành những chiếc mũ, bộ trang phục giả làm vua và quân lính để chơi trò đánh trận giả.
Trời mát dịu, cả bọn kéo nhau ra đám đất trống sau nhà để “bày binh bố trận”. Thằng Tí giả làm vua, chỉ huy trận đánh. Nó đứng trên một ụ đất cao, mặc áo giáp bằng lá mít trông thật ngầu, bên hông đeo thanh kiếm làm bằng thân tàu dừa khô hô dõng dạc 3 tiếng “quân sĩ đâu?”. Lúc này, thằng Tèo đại diện cho đội quân sĩ chúng tôi núp sau cây dừa nhảy ra hét lên inh ỏi: “quân sĩ đây, quân sĩ đây”. Thế là cả bọn cùng chạy ùa ra chuẩn bị tâm thế “chiến đấu” với “quân giặc” do phe của thằng Sơn, thằng Thanh, con Hoa, con Sanh đóng giả. Có hôm cũng chơi trò này nhưng vì muốn pha trò để chọc thằng Tí, thằng Tèo vừa chạy ra vừa hô to mấy tiếng “quân sĩ ngủ hết rồi” khiến cả bọn con gái không tài nào xông pha “đánh trận” được mà ôm bụng cười lăn cười bò làm cho thằng Tí tức đỏ cả mặt, bỏ “chỉ huy” trận đánh chạy một mạch về nhà.
Tức thì tức vậy nhưng qua ngày hôm sau thằng Tí dường như cũng quên rồi. Nó lại bày trò để cả bọn cắt giấy làm diều, đào cuốc, đào dế, bẫy sóc, bẫy chim. Mà trò nào nó nghĩ ra cũng khiến cả bọn thích thú.
Nhớ những buổi chiều ngày mùa, khi người lớn chưa đi làm đồng về thì lũ con nít chúng tôi cũng chẳng đứa nào chịu về tắm rửa. Cả bọn chạy nhảy khắp cánh đồng để chơi trò rượt đuổi, ma da xuống nước ma da lên bờ, rồi trốn tìm bên những ụ rơm. Chờ đến khi từng bao lúa được chất lên chiếc xe bò, những đứa trẻ cũng lại nhảy “phốc” lên xe để về cùng.
|
Nhớ những đêm trăng sáng, cả bọn còn bày trò chơi năm mười, rồng rắn lên mây… Đắm mình dưới ánh trăng sáng vằng vặt đến khuya mà cả bọn vẫn chưa đứa nào chịu về nhà.
Nghĩ cũng lạ, ngày ấy chỉ có các trò chơi dân gian và các trò tự nghĩ ra nhưng sao đứa con nít nào cũng bị cuốn hút; hễ có dịp lại bày trò thỏa thích vui chơi, chạy nhảy.
Rồi đến Tết Trung thu, cả bọn dành cả mấy buổi trưa để làm lồng đèn chờ đúng ngày thì mang đèn đi diễu hành từ đầu làng đến cuối xóm. Kỷ niệm vui nhất vẫn là mỗi dịp Tết thiếu nhi, cả lũ con nít trong xóm chúng tôi luôn được các anh chị đoàn thanh niên của thôn chọn tập luyện các tiết mục văn nghệ để biểu diễn cho cả thôn cùng xem. Con nít nhà quê chơi mấy trò nghịch thì được chứ bảo đi hát hò, múa máy thì đứa nào cũng ngượng ngùng, nhất là bọn con trai. Nhớ lần đầu tham gia hát, múa, khi các anh chị lớn vừa bắt nhịp bài hát thì thằng Tí, thằng Tèo cứ cười bẽn lẽn chẳng chịu cất giọng. Rồi phải mất mấy đêm liền tập luyện, hai đứa tụi nó mới chịu mở miệng hát theo…
Tuổi thơ của tôi đã đi qua mấy chục năm rồi nhưng những kỷ niệm ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí.
Bây giờ, nhiều con nít ở vùng quê vẫn còn biết đến các trò chơi dân gian. Còn con nít thành phố thì dường như chúng chỉ biết học và học, còn không học thì đọc sách, chơi game; gia đình nào có điều kiện hơn thì cho con tham gia học đánh đàn, cầu lông, cờ tướng, cờ vua, bơi lội,…
Để cho con có những ký ức tuổi thơ đẹp, năm nào cũng vậy, vừa mới được nghỉ hè là con Út - bạn tôi đã đưa con về quê. Nhỏ bạn tâm sự: “Ngày hè, mấy đứa nhỏ trên phố đều đi học. Nhiều người cứ sợ không cho con mình học hè sẽ thua sút bạn bè chúng. Nhưng vợ chồng mình lại suy nghĩ khác, bồi đắp kiến thức cho con không chỉ ở trường học mà còn cả trường đời nên việc cho các cháu trải nghiệm 3 tháng hè ở quê cũng là phù hợp và quan trọng hơn là đúng với sở thích và nguyện vọng của các cháu”.
Ừ thì, mỗi người một suy nghĩ, một hoàn cảnh khác nhau nên chẳng thể áp đặt hoàn cảnh hay suy nghĩ của mình lên cho người khác. Là người lớn, chỉ mong các bậc làm cha, làm mẹ có cách bồi đắp kiến thức cho con mình tốt nhất và cũng để cho con trẻ có một tuổi thơ với nhiều ký ức đẹp.
Tú Quyên