Mẹ tôi

17/05/2020 13:01

Một đời vất vả nắng mưa, nuôi anh chị em chúng tôi nên người, mẹ tôi vẫn cứ vậy, vẫn hàng ngày lầm lũi với công việc nhà đi chợ, nấu cơm… Bởi một lẽ “bao giờ má ngồi yên một chỗ mới để các con lo” - mỗi lần chúng tôi lo lắng cho mẹ, mẹ lại nói thế.

“Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng…”, câu ca ấy có lẽ đến bây giờ tôi mới cảm nhận hết ý nghĩa thật sự của nó khi mỗi ngày qua đi, tôi lại thấy mẹ tôi càng héo hon, già yếu.

Vẫn biết rằng, đời người sinh - tử là lẽ thường, thuận theo quy luật tự nhiên. Thế nhưng, cứ nghĩ đến cái ngày ấy, cái ngày mà người thân yêu nhất của mình xa rời cõi dương gian, tôi lại lo sợ biết bao.

Năm nay, mẹ tôi gần 90 tuổi, cái tuổi đáng nhẽ ra phải được hưởng phúc sung sướng của tuổi già. Thế nhưng, mẹ tôi lại không được như thế, mặc dù anh chị em chúng tôi vẫn hết lòng chăm sóc, lo lắng cho cha, mẹ.

Một đời vất vả nắng mưa, nuôi anh chị em chúng tôi nên người, mẹ tôi vẫn cứ vậy, vẫn hàng ngày lầm lũi với công việc nhà đi chợ, nấu cơm… Bởi một lẽ “bao giờ má ngồi yên một chỗ mới để các con lo” - mỗi lần chúng tôi lo lắng cho mẹ, mẹ lại nói thế.

Có lẽ, suốt quãng đời, mẹ tôi chưa bao giờ được một lần thảnh thơi, sung sướng. Mồ côi cha mẹ từ lúc nhỏ, mẹ tôi phải quần quật làm thuê để kiếm sống… Lấy chồng, sinh con, mẹ lại chịu đủ gian lao, vất vả vì gia đình. Anh, chị em chúng tôi lần lượt ra đời, trưởng thành dưới bàn tay nuôi nấng, chở che, bao dung của cha mẹ.

Một đời mẹ vất vả nắng mưa. Ảnh minh họa 

 

Rời quê hương miền Trung nắng cháy, mẹ tôi lên miền cao nguyên lập nghiệp vì chiến tranh, giặc bố ráp, mẹ tôi lại phải làm thuê kiếm gạo để nuôi con.

Rồi đất nước hòa bình, thống nhất, người dân mới có ruộng đất để canh tác. Mang tiếng là sống ở thị xã, nhưng cha mẹ tôi vẫn phải hàng ngày dãi nắng dầm mưa với ruộng đồng, mới đủ sức chèo chống đưa cả nhà vượt qua khó khăn của thời bao cấp.

Những ngày nông nhàn, mẹ tôi còng lưng dưới nắng mưa với gánh hàng rong trĩu nặng trên đôi vai gầy, để chạy từng bữa rau, bữa mắm, trang trải chi phí trong nhà và nuôi chúng tôi lớn thành người.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm lại năm… tiếng rao của mẹ, tôi đã khản đặc trong từng ngóc ngách, từng con hẻm lầy lội của thị xã cao nguyên nhỏ bé. Từng đôi dép nhựa mòn vẹt gót cùng chiếc nón cời cũ sờn đã theo mẹ như một người bạn tri kỷ, che chở cho mẹ những cái nắng oi bức giữa trưa hè hay những cơn mưa dầm dai dẳng suốt chặng đường cơm áo mưu sinh.

Rồi những trận bạo bệnh tưởng không bao giờ qua khỏi, vậy mà như có phép thần tiên, mẹ lại gượng lên vì không cho phép mình gục ngã. Bởi phía trước là cả chặng đường đầy gian lao với cả tình thương yêu cho những đứa con còn thơ dại.

Tháng ngày trôi qua, chúng tôi vô tư lớn lên rồi lập gia đình, cũng bắt đầu lo cho mái ấm của riêng mình, chợt giật mình mới nhận ra tóc mẹ đã bạc phơ, đã già yếu lắm rồi như ngọn đèn lung lay trước gió. Vậy mà mẹ vẫn lụi cụi hàng ngày với những việc không tên trong nhà để lo cơm nước cho ba tôi và mẹ. Bởi đâu phải lúc nào cũng có lũ chúng tôi ở bên cạnh, vì mỗi người vẫn còn những việc cơm áo đời thường cho gia đình mình.

Mỗi lần nhìn dáng mẹ xiêu vẹo giữa chiều đông khi đứng ngoài ngõ trông mong đứa cháu ở xa về nhà đón Tết, tôi lại thấy xốn xang trong lòng. Mỗi lần như thế, tôi nhìn thấy trong mắt mẹ những nét buồn u ẩn, nhưng lại ấm áp biết bao. Mỗi lần như thế tôi lại muốn ôm mẹ thật chặt vào lòng và tha thiết gọi Mẹ ơi…!

Huệ Dương

Chuyên mục khác