19/11/2019 13:06
Trong ký ức của mỗi người, chắc hẳn ai cũng đều có những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò, những hình ảnh về phấn trắng, bảng đen dưới mái trường xưa, bên thầy cô giáo thân yêu… Tuy nhiên, khi lớn lên khó ai có thể còn nhớ đến những ngày ai đã đưa mình chập chững bước vào lớp học đầu đời. Có ai còn nhớ đến người mẹ thứ hai với những yêu thương trìu mến, lúc mình mới lên hai, lên ba… Đó là hình ảnh của những cô giáo như mẹ hiền, những cô giáo của các trường mầm non.
Con tôi đứa lớn nay đã vào đại học, còn đứa nhỏ chuẩn bị vào cấp III nhưng trong tôi vẫn còn vẹn nguyên cái cảm giác của những ngày đầu tiên đưa con đi nhà trẻ. Đón con tôi là những cô giáo rất dễ mến, có cô trông vẫn còn rất trẻ chừng như vẫn chưa từng làm mẹ nhưng tôi có thể nhận ra tình yêu thật bao la trong ánh mắt dịu dàng của cô nhìn các cháu.
Phải thừa nhận rằng nghề giáo viên mầm non là một nghề rất tuyệt vời, là nhà giáo nhưng các cô không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc. Phải là người có tâm, có lòng yêu thương trẻ con thật sự thì mới có thể làm tốt được công việc. Nhìn những giọt mồ hôi và những nụ cười trên đôi môi những gương mặt trẻ trung hiền hậu - những người mẹ thứ hai của con mình, tôi thầm cảm phục những cô giáo ấy. Họ không chỉ đa năng trong công việc mà còn thể hiện sự kiên nhẫn, sức chịu đựng và lòng bao dung…
|
Điều đặc biệt là thời gian trẻ ở trường, gắn bó với cô nhiều hơn là gắn bó với bố mẹ. Bé đến trường lúc hơn 7h sáng và trở về nhà với cha mẹ lúc 5h chiều. Cô cho ăn, cô dỗ ngủ, cô dạy cho bé tất cả mọi điều cần thiết. Từ kỹ năng sống, kiến thức về môi trường xung quanh, về toán, về văn học, về thẩm mỹ, hội họa, âm nhạc, phát triển thể chất… cho đến cách cư xử lễ phép, biết cách tôn trọng, hòa nhã với mọi người, phân biệt được cái tốt xấu trong cuộc sống... Và không những thế, mà còn là sự quan tâm, chăm sóc, sự giúp đỡ, trìu mến của cô dành cho các con. Là vậy đó, chăm sóc các con đâu phải là điều dễ dàng khi mà một lớp có đến 20 cháu.
Hơn nữa, một buổi học của cô giáo mầm non đâu đơn giản là chỉ việc chăm sóc bé, nhìn bé nô đùa mà các cô còn phải chuẩn bị bài giảng thật chu đáo để giúp trẻ tiếp thu bài học một cách sinh động, nhiệt tình và có hiệu quả nhất. Bằng sự khéo léo và sáng tạo của mình, các cô đã biến những vật dụng phế liệu thành những thứ đồ dùng, đồ chơi, thành giáo cụ trực quan sinh động... Đó chính là những bông hoa được làm từ những vỏ chai nhựa, hộp sữa của trẻ, hay là những cái cây xanh xinh xắn được làm từ những ống nhựa hoặc là những chú thỏ với đôi tai dài được làm từ giấy vải…
Trong nhịp sống hối hả và hiện đại này thì sự vất vả của các cô giáo mầm non càng tăng lên bội phần. Vì nhu cầu công việc, có những bậc phụ huynh đón con rất trễ và đưa con đi học rất sớm đôi lúc còn không kịp cho con ăn sáng ở nhà, đành mua vội thức ăn đến nhờ cô cho ăn giúp... Một số nhà trẻ tư thục thì có tổ chức ăn sáng tại trường vì thế cho nên các cô phải đến trường thật sớm để kịp đón các cháu và cho các cháu ăn, rồi ra về cũng thật muộn...
Những gian nan, vất vả của các cô giáo mầm non không thể nào nói hết bằng lời. Tôi có người bạn là cô giáo dạy ở Trường Mầm non Thủy Tiên (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum). Ngoài việc phải chăm lo một “gia đình lớn” ở trường với bao bộn bề công việc, cô còn chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình ở nhà rất chu toàn. Cô chia sẻ: Vì đặc thù công việc, trưa phải ở lại cùng các cháu ở trường nên sáng cô phải dậy thật sớm để đi chợ về nấu ăn cho chồng, con và sau đó mới đến lớp. Cùng sự tận tâm và nhiệt tình, với lòng yêu con trẻ và yêu nghề tha thiết, theo cô đó cũng là niềm vui nho nhỏ bình dị của thường ngày.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, có lẽ vì thông cảm và chia sẻ với các cô giáo mầm non, nên đã sáng tác ra bài hát “Cô đi nuôi dạy trẻ” với những câu chữ rất ngọt ngào: “Một mai khi em lớn lên/ Đừng quên khi đi nhà trẻ/ Quên cô giáo, người nuôi em khỏe/ Quên cô giáo, người chăm em ngoan/ Quên những ngày cô giáo yêu thương/ Những đôi môi đỏ, những đôi má tròn/ Cô yêu từng đôi mắt sáng/ Long lanh như những giọt sương...”
Hạ Mi