Màu lá tháng Ba…

13/03/2022 13:02

Vạt đồi ấy hôm nào còn trơ những cành khô xương xẩu, giờ đã thẫm một màu xanh mướt mắt. Nhớ tháng trước về quê ăn Tết, con bé mắt tròn xoe: “Khi nào thì cây ra lá vậy má?...”. Chị cười.

Chạm rằm tháng Giêng thì cây bắt đầu nảy lá. Cái giống cao su mới thật là hay… Trời đang lạnh khô là thế, vừa hứng một cơn mưa Xuân, thì đều đua nhau nảy lộc. Những hôm sau đó, lá trông thấy lớn từng ngày.

Gần cả cuộc đời sớm hôm cùng nương rẫy, chị cảm nhận rành rõ biết bao sự đổi thay của gia đình từ ngày có cây cao su. Trải qua nhiều năm thuận thả, mỗi vụ thu hoạch, lại thêm niềm vui. Cho đến bây giờ, khi phải gồng mình bước theo hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, vợ chồng chị vẫn kiên trì bám đất, giữ vườn… Vẫn mong, trở lại những ngày loại cây “không chỉ giảm nghèo” chẳng còn chịu cảnh “cầm hơi, cầm chừng”, công cạo mủ có khi còn cao hơn giá bán…

Mải việc nhà, nên gần một tuần nay, chị mới trở lên vùng  rẫy. Màu lá tháng Ba khiến lòng xốn xang. Nhìn lại hơn 2 năm rồi, người làm cao su chật vật, khó khăn không thể nào kể hết. Đà “rớt giá” khá lâu chưa kịp phục hồi lại còn bị “bồi” thêm bởi bủa vây dịch bệnh. Ở vùng rẫy cách xa phường phố này, với toàn bộ diện tích cao su đang kỳ kinh doanh, làm cỏ không là “vấn đề”. Song, chị cùng những người láng giềng cần kiên nhẫn giữ vườn, bởi niềm tin không dễ gì lay chuyển. Trước hết, mỗi năm 2 kỳ bón phân, cạo mủ không phải mượn công, mà do người nhà siêng chăm đảm nhận…

Lại nhắc đến chuyện cạo mủ… Đã 3 năm nay, không còn đơn giản bằng lát cạo tay, kỹ thuật ép khí ethylene được chị đi đầu áp dụng. Mỗi buổi chiều, công việc xong xuôi, mọi người cùng vui những câu chuyện thường ngày.

Cũng chừng cả năm nay rồi, con đường dẫn vào khu sản xuất của bà con nơi đây đã được bê tông, không còn lo lắng, băn khoăn, mỗi khi mùa mưa kéo tới. Tháng Ba, trời trong quá ở trên nền lá xanh! Chị tần ngần một lúc lâu, trong khi anh vẫn nhanh tay xếp lại đống bao, chuẩn bị “vào phân” cho hơn 2 ha cao su, trước khi có thể  bước vào vụ cạo mới.

Tháng Sáu sắp tới, trời mưa. Mỗi cây lại mang ngang người “chiếc mũ” hẳn hoi…

Hôm rồi, bạn cũ gặp nhau, vui hứng thế nào, cùng kéo nhau vào khu vực rẫy rộng khá xa của cô bạn học cùng bàn từ 35 năm trước. Dù đã là chủ vườn cao su, chị vẫn không khỏi choáng ngợp trước “cơ ngơi” mà gia đình bạn mình tạo dựng.

Màu lá tháng Ba. Ảnh: TN

 

Ai từng xốn xang trước cảnh đẹp nên thơ, lãng mạn của rừng cao su mùa lá rụng, hẳn chẳng thể cầm lòng giữa màu xanh vời vợi lá non. Với những người từng nhọc nhằn với cây cao su từ thuở mới xuống giống từng hom và trông mong cây lớn mỗi ngày như chị, thì dường như, vẻ đẹp ấy càng mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Giữa khô khốc, nắng khan, cây nảy lá, xanh cành; ấy chính là thời kỳ cao su dâng tràn sức sống, tích tụ nhựa trắng chờ mong…

Lạc giữa màu xanh bạt ngàn, thắm tươi, càng khâm phục biết bao nhiêu ý chí, quyết tâm của gia đình cô bạn học. Số là, sau nhiều bôn ba với những công việc khác nhau - từ buôn bán kinh doanh, đến làm mì, làm lúa…, họ dốc sức tâm tạo lập trang trại cao su. Hai chục héc ta, phải đâu con số nhỏ?! Thế nhưng, vất vả, nhọc nhằn vừa mới tạm qua, đến kỳ cao su bước vào kinh doanh, thì chẳng may  gặp ngay “đòn” rớt giá. Dấn thân vào “cuộc chiến” âm thầm, nhà bạn vẫn lặng lẽ, kiên cường vượt qua… Ngậm ngùi bán căn nhà mặt phố, chọn cách vào ở vùng ven để tiếp tục giữ vườn nuôi cây chính là quyết định khó khăn nhất của vợ chồng bạn sau gần 30 năm về chung một nhà, chăm lo cuộc sống. Nhờ vậy, mà đến mùa lá non này, nan giải đang dần qua đi. Vụ thu hoạch mới năm nay đang chờ…

Tháng Ba đã sang. Màu xanh lá non cao su vào mùa đẹp nhất…

THANH NHƯ

Chuyên mục khác