Mạng ảo, trách nhiệm thật

06/01/2019 17:55

Dù đã mấy tháng trôi qua, nhưng không ít người - đặc biệt là các y, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn nhớ chuyện thông tin thất thiệt và đi cùng với đó là những trách cứ trên mạng xã hội chỉ từ một câu chuyện không có thật.

Chuyện là trong tháng 6/2018, có tài khoản đã đăng thông tin trên mạng xã hội Facebook về một bé trai được mẹ đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu, nhưng bác sĩ bắt phải về nhà lấy giấy tờ mới cho vào. Thông tin đăng tải đã có hơn 31 nghìn lượt chia sẻ, hàng chục nghìn bình luận với nội dung thóa mạ, trách cứ đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tuy nhiên, qua xác minh của Bệnh viện với kíp trực thì thông tin đăng tải sai lệch. Các ngành chức năng đã làm việc với người đăng tải thông tin và đủ chứng cứ khẳng định vụ việc được bịa đặt. Người đăng tin buộc phải gỡ bài viết, xin lỗi trên Facebook và trực tiếp đến Bệnh viện xin lỗi tập thể cán bộ, y, bác sĩ, đồng thời kiểm điểm trước đơn vị công tác…

Không gian ảo nhưng ảnh hưởng lại thật và trách nhiệm cũng rất thật!

Nhắc lại câu chuyện đó để thấy, trong thế giới phẳng hiện nay, ứng xử như thế nào trước các luồng dư luận quả không phải là chuyện dễ. Phát biểu và đưa ra ý kiến cá nhân là quyền của mỗi công dân. Nhưng, các ý kiến đưa ra phải không được gây phương hại đến tập thể, cá nhân; không được xuyên tạc, vu cáo, phát tán thông tin sai sự thật…  

Thực tế là không hiếm những câu chuyện do các “phây búc kơ” “vẽ” nên theo kiểu “tung hỏa mù”, “thấy cây mà không thấy rừng”, hay có khi chỉ để “câu like”, “cho vui”… Nào là “sáng tác” hoặc dẫn những thông tin bịa đặt về việc Việt Nam sắp đổi tiền; nào là tin đồn thất thiệt về các vụ bắt cóc trẻ em xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thái Nguyên…; nào là về dịch Ebola lan truyền… Điều đáng nói là những câu chuyện này, những thông tin này, dẫu chưa được kiểm chứng đúng – sai, lại gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng danh dự, uy tín của không ít tập thể, cá nhân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.

Ai cũng biết, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook với những tiện ích là điều không thể phủ nhận. Thông tin nhanh, phong phú, đa dạng, sự phản hồi chia sẻ tương thích cũng cực nhanh, cực nhiều chiều. Nhiều người kinh doanh sử dụng mạng xã hội để buôn bán. Ai mới mở hàng quán thì lấy mạng xã hội như một hình thức giới thiệu sản phẩm, quảng cáo. Người lớn dùng mạng xã hội như một cách lưu giữ những ký ức ngọt ngào. Người trẻ biến nó thành phương tiện để bày tỏ tình cảm…

Nhưng, không phải vì thế mà người dùng mạng xã hội sẵn sàng phơi bày những riêng tư cá nhân của mình và người khác một cách sống sượng, khiến những người có tà ý dựa vào để chỉ trích nhau.

Vì suy cho cùng, phương tiện vẫn luôn là phương tiện. Một khi quá phụ thuộc vào phương tiện hay sử dụng phương tiện không đúng, chắc chắn sẽ bị phương tiện hóa hoặc bị phương tiện điều khiển.

Ngoài các kênh báo chí, mạng xã hội cung cấp một lượng thông tin rất lớn. Mạng xã hội là xấu? Không hẳn vậy. Bên cạnh những thông tin thể hiện trách nhiệm công dân bằng cách lên tiếng nói, góp ý và có những phản biện mang tính dựng xây thì vẫn còn nhiều thông tin không chính xác, chỉ có một nửa sự thật và thậm chí là không có một chút sự thật nào như câu chuyện vừa nêu.

Kiểu tung tin này, chủ ý có; xuyên tạc, bóp méo vì kém hiểu biết cũng có; chỉ nhằm “câu like”, “cho vui” cũng có…. Nhưng, dù có chủ ý hay xuyên tạc, chỉ nhằm “cho vui”, không ít dòng tin thất thiệt hay vài bức ảnh, clip thiếu kiểm chứng… lại khiến dư luận hoang mang và cuộc sống của nhiều người trở nên khốn đốn. Đặc biệt với những người trẻ tuổi còn non nớt, phải trả giá đắt cho những phút nông nổi của mình, có em trở nên trầm cảm, xa lánh bạn bè, thậm chí phải tìm đến cái chết khi không đủ sức hứng chịu những cơn bão “ném đá” xuất xứ từ cộng đồng mạng lan ra đến đời thật.

Hơn lúc nào hết, việc quản lý, kiểm soát và xử lý dạng thông tin thất thiệt, xấu và độc hại này là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Luật An ninh mạng được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Một cách tự dặn mình, mấy ngày này, ngoài việc chia sẻ những điều khoản cụ thể của Luật, trong đó có những nghiêm cấm mà những người dùng Facebook hay vi phạm, như: thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác (Điều 8); không được đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật (Điều 17)…, cộng đồng mạng còn kêu gọi, mỗi người hãy sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, văn minh và đúng pháp luật!

Liễu Hạnh

Chuyên mục khác