Mầm xanh trên đất bạc

30/11/2021 13:01

Nó biết, ước mơ lớn nhất của ông nội, trước khi đi theo bà- như cách nói của ông, là được thấy màu xanh phủ kín màu đất bạc trên các ngọn đồi.

Nó không ngờ được rằng, bức ảnh nó chụp vội ông nội đang ngồi thừ người nhìn mấy bầu cây bên sân lại được nhiều người “like” đến vậy.

Thằng bạn học cùng lớp đại học còn hỏi rối rít: Mày kiếm đâu được “người mẫu” chất quá vậy? “Người mẫu”? Nó bật cười. Không lẽ nói “Đó là ông nội tao”.

Nó không trả lời, mở bức ảnh ra ngắm nghĩa. Trong ánh nắng chiều, khuôn mặt ông hiện lên, trầm lặng mà sâu sắc.

Và nó lại thấy mình trở lại buổi chiều hôm trước. Hai ông cháu hò nhau ra quét lá cây, gom lại thành đống. Trong khi nó nhen lửa đốt thì ông nội lúi húi xếp lại những bầu cây keo giống mới nhận hôm qua. Đợi vài hôm cho cây quen khí hậu, nước, ông sẽ trồng dặm phía sau nhà.

Đang ngắm nghía, bất chợt ông lôi ra 5-6 bầu cây. “Rễ thối, bầu quá khô, đất rã rời rồi, trồng không sống được”- ông than, ánh mắt chợt mang nét khắc khoải. Và nó đã chụp đúng lúc ông có ánh nhìn khắc khoải đó.

Nhiều lúc nó thấy ông nội “hơi lạ”. Nhà nó ở phố cũng rộng rãi, nhưng ông không thích, cứ ở trong nhà cũ, dù bố mẹ nó năn nỉ, ỉ ôi mãi. Thỉnh thoảng ông ra chơi, được nửa ngày rồi lại đòi đưa về “nhà”.

“Nhà” mà ông nội nó nói là căn nhà cấp 4 cất trên sườn đồi, tường quét vôi vàng, mái lợp tôn. Phía trước là một cái sân rộng; hai bên trồng cây ăn quả; sau lưng là những vạt keo xanh rì chạy lên đến đỉnh đồi.

Cái “lạ” nữa là, đã hơn 70 tuổi rồi, lại nông dân “gốc” mà ông rất thích đọc sách. Nó chưa thấy ai già rồi mà vẫn đọc sách như nội nó. Với ông, đọc sách là thú vui.

Đồi keo cứ xanh mãi, xanh mãi, phủ kín đồi trọc. Ảnh: H.L

 

Ông nội nó, cho đến tận bây giờ, vẫn đọc Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Đại Việt sử ký toàn thư. Nó không biết ông đã đọc cuốn đó đến mấy nghìn lượt rồi, chỉ biết ông vẫn mang những câu chuyện trong Tam quốc hay Đại Việt sử ký toàn thư để dạy nó về ứng xử trong cuộc sống.

Nó “chịu” ông nội nhất là ở cái tính cương quyết, mà người ta hay nói vui là “gàn”. Ngày còn trai trẻ, nhà đông con, ông nó khai hoang cả nửa quả đồi để trồng mì, trồng chuối. Nhiều năm trôi qua, đất đồi trở nên bạc màu, trơ sỏi đá, cằn cỗi. 

Khi con cái thành gia lập thất, bà nội nó cũng về với tổ tiên, ông nội vẫn ở nhà cũ. Có điều, trên khu đồi, ông quyết định không trồng mì, cũng không trồng cà phê- dù khi ấy đang có trào lưu bỏ cây mì trồng cà phê trên đất đồi- mà trồng rừng, chủ yếu là keo, và ít cây ăn quả quanh nhà. Nhiều người bảo ông “khùng”. Ông chỉ cười.

Mẹ nó nghe vậy, về kể với bố, bó nó cũng gạt đi: “Ông nội có lý của ông. Cứ để ông làm”. Thỉnh thoảng, bố nó mua cây giống chở vào trồng với ông. Mỗi lần vào, ngoài gạo, mắm, mẹ nó cũng đèo thêm cây giống hoặc phân bón.

Trong 10 năm qua, ông cặm cụi trồng hàng chục ngàn cây keo. Mồ hôi rơi xuống, mầm xanh vươn lên. Ngày qua ngày, ông vừa trồng cây mới, vừa trồng dặm lại những nơi cây chết. Không lúc nào không có việc.

Từ sườn đồi bạc phếch đá sỏi, một rừng keo xanh non rào rạt tiến về phía trước, xóa dấu vết của vùng đồi trọc.

Khi còn nhỏ, chỉ cần được nghỉ là nó tót ra nhà ông nội. Lớn lên, đi đại học, nghỉ hè là ở lì ngoài đồi với ông nội, dù ở đây không có wifi, không có mạng intenert. Những mùa hè của nó cứ thênh thang với nắng gió, với cây cỏ. Trong khi xung quanh đều trơ trọi, thì quả đồi của ông nội nó xanh mãi, xanh mãi rừng keo.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nó nghỉ suốt 5-6 tháng trời, cũng là từng ấy thời gian nó lẽo đẽo theo ông học trồng cây, nuôi gà, chiết cành…

Tờ mờ sáng, hai ông cháu lên đồi đào hố, tỉa cành, phát cỏ, chân tay chi chít vết xước. Ban đầu, mẹ nó xót con, bắt về, nó cười hì hì “vài ba vết xước ngoài da ấy thì nhằm nhò gì”. Bố bênh “để cho nó quen với lao động”, nên mẹ đành tặc lưỡi cho qua.

Ông dạy nó, loại đất đồi này thích hợp trồng cây ăn trái, như cam, bưởi, quýt, chanh, xoài, vì đây là những giống cây có bộ rễ cây ngắn, cây không chịu được úng. Còn trồng rừng thì nên trồng keo, vừa có giá trị kinh tế, vừa tạo rừng rất hiệu quả.

Ông cũng dạy nó, trong trồng rừng, quyết định thành công hay thất bại chính là chất lượng cây giống. Không chỉ cần lựa chọn cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mà còn phải chú ý đến chất lượng, như cây phải cứng cáp, không cụt ngọn, lá xanh, không có biểu hiện bị sâu bệnh.

Cây giống mua về cần được giâm ươm, chăm sóc tại vườn nhà từ 5-7 ngày cho quen với khí hậu, đất đai, nguồn nước rồi mới đem trồng. Khi trồng phải không được quá thưa, cũng không quá dày. Bởi quá thưa cây dễ bị gãy, đổ, còn quá dày cây chậm lớn, khó phát triển.

Tối hôm qua, anh chủ tịch xã lên nhà thăm ông nội, 2 người bàn chuyện một cách vui vẻ. Nó thấy xã chuẩn bị vận động bà con trồng rừng trên các ngọn đồi trọc kia. Nó biết, ông nội nó mừng lắm, vì lâu nay, ước mơ lớn nhất của ông, trước khi đi theo bà- như cách ông nói, là được thấy màu xanh phủ kín màu đất bạc trên các ngọn đồi.

Anh chủ tịch xã nói muốn nhờ ông hướng dẫn bà con trồng rừng; tới đây còn muốn làm khu vườn ươm để chủ động cây giống.

“Làm nhiều như vậy, tụi con muốn bàn với ông phần công cán…”- anh chủ tịch xã ngập ngừng. Ông gạt phắt: Chuyện đó có chi mà tính toán công cán, cứ để tôi, mấy anh không chê lão già này là được rồi.

Đêm ấy, nó thấy ông ngồi trước sân, cứ nhìn mãi về phía những ngọn đồi trọc lóc kia, khuôn mặt ông trầm lặng mà sâu sắc. Hẳn là ông đang tính toán xem làm thế nào để phủ kín những mầm xanh trên đất bạc kia một cách nhanh nhất.

Gió từ rừng keo sau nhà vi vút thổi qua sân.

HỒNG LAM

Chuyên mục khác