Mái trường ngày ấy

13/11/2023 06:02

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thường là thời điểm diễn ra hội trường, hội lớp. Dù đã xa mái trường thân yêu rất nhiều năm rồi, chị và các bạn của mình vẫn giữ thói quen đợi đến ngày hội ngộ.

Với chị, đến giờ, đã tròn 40 năm tạm biệt mái trường. Ngày ấy, phố thị quê hương nhỏ bé, đơn sơ chỉ có một trường cấp III nên các bạn từ nội thị tới các thôn, làng thuộc các xã Vinh Quang, Hòa Bình, Đoàn Kết... cùng học chung. Gia đình thuộc diện nghèo nhất, chị vẫn siêng năng, nhẫn nại một buổi lên rẫy ra ô, một buổi đến trường.

Nhà tranh ở tận vùng sâu, mẹ mất sớm, cha lại thường xuyên ốm đau, nên cuốc đất, trồng khoai, tỉa lúa, trồng mì... đều một tay con bé gầy nhẳng, da ngăm đỡ đần, gánh vác. Quần áo mặc đi học chỉ có một chiếc quần vải đen và hai chiếc áo trắng đã ngả ngà vì nhuốm màu cục xà phòng nâu thẫm. Mùa lạnh, may hơn thì thêm cái áo khoác vải dày.

Nhớ về một thuở hoa niên. Ảnh: T.N

 

Hôm ấy, vì chiếc áo khoác giặt chưa kịp khô nên đi học buổi trưa, chị đành phong phanh áo mỏng. Trời chiều có nắng nên thấy bình thường, nhưng cuối buổi về, chiều càng xâm xẩm thì cái lạnh mỗi càng thêm trùm tới. Vừa co ro vừa nhanh chân bước ra cổng trường, chị bỗng giật mình vì cảm nhận một làn hơi ấm bao trùm, đôi bàn tay nhỏ đã choàng qua vai. “Mặc vào đi Mai ơi, kẻo về lạnh lắm!”. Thì ra, chiếc áo len vàng nhạt của cô bạn ngồi cách bàn đã được nhường cho. Chị chưa hết ngỡ ngàng, bạn đã nhanh chân hòa vào đám đông đi trước, ngoảnh lại vẫy tay: “Về nhen! Về nhen! Mặc áo tay dài đây được rồi, mình về gần hơn, hổng có sao đâu!...”. Ghì chặt hai vạt áo vào người, chị lặng thinh nghe hơi ấm thấm vào thân hình bé nhỏ. Hơi ấm ấy, cho đến giờ, 40 năm đã qua, chị vẫn thấy nghèn nghẹn trong lòng mỗi khi nhớ tới.

 Hồi đó, cuộc sống còn vất vả, khó khăn, chuyện tham gia gặp mặt, liên hoan cuối năm không hề dễ dàng. Thấy các bạn xôn xao về cuộc liên hoan cuối năm trước khi ra trường, chị đã lặng lẽ buồn, song không nỡ hé lời. Làm sao có thể vui vẻ tham gia, khi khoản tiền đóng góp cùng các bạn cho đến lúc bấy giờ vẫn chưa thể nào có sẵn.

Đang khi đành lấy sự im lặng làm câu trả lời thì chiều hôm đó, sau tiết học cuối cùng, trong lúc mở cặp cất sách vở, chị giật mình vì trong một ngăn nhỏ bên hông có gói giấy cũ gấp cẩn thận, trong đó có mấy đồng tiền cuộn vào nhau gọn ghẽ. Tim đập thình thịch, mắt nhòe đi khi chạm vào những dòng chữ mực xanh cố tình viết cho nguệch ngoạc: “Đừng buồn nghen! Hãy đi liên hoan cùng tụi mình! Sẽ buồn lắm nếu không có bạn!”. 

Sau này, dù chị đã bao lần tâm sự, hỏi dò, đến giờ, bí mật ngày nào vẫn mãi là bí mật.

Lại nhớ về người thầy chủ nhiệm, căn bệnh dạ dày kinh niên luôn hành hạ, đến mùa Đông, thầy lại càng không khỏe. Một tấm áo bông đã cũ và chiếc khăn quàng cổ mỏng manh dường như không đủ ấm, nên có hôm, thầy đang giảng lại chun vai, co người, hít một hơi dài,... cho cơn đau chững lại. Sau mỗi buổi học về, thầy còn luôn tận tâm, ân cần chỉ bảo những cô cậu học trò. Căn phòng tập thể chật hẹp của thầy từ khi nào đã thành chỗ đổi trao, là nơi gửi gắm. Có hôm mưa dầm, cậu bạn ở xa được yên tâm nghỉ tạm, cùng thầy chung nhau phần cơm ít ỏi, đạm bạc mà ấm áp nhường nào. Có đứa gia cảnh quá đỗi khó khăn, vẫn quyết chí không bỏ học giữa chừng, nhờ nghe lời thầy khuyên nhủ.

Ra trường, mỗi đứa một nơi, mỗi người một cảnh, nhưng chị và các bạn vẫn gặp gỡ, sẻ chia, chân tình. Mỗi lần kết thúc kỳ thi cấp III là lại đến mùa hội trường, hội lớp. Mỗi lần bạn cũ gặp nhau, cùng sống lại một thuở hoa niên, một thời kỷ niệm. Từng bài học ngày nào vẫn nâng bước mọi người thêm mạnh mẽ, tự tin.

THANH NHƯ

Chuyên mục khác