Mài miệt trong mưa

02/10/2022 06:05

Dầm dã suốt từ tối, sáng ra, mưa vẫn chưa ngớt. Nhà ở xa, nên chậm chạp trong màn nước khá lâu, mới ra tới chợ. Chị bỗng chững lại, vì chưa vào đến cổng, đã thấy thoáng trong mắt nhìn những tấm lưng cúi gập dưới làn áo mưa ướt sũng. Họ đứng ngồi đan xen nơi đoạn đường ngắn phía ngoài.

Chỉ chừng dăm bảy chỗ thôi, song người ngồi xổm với xung quanh là rau củ nhèm nhẹp, người lom khom bên chiếc gùi thưa dựng cạnh, gọn gàng với những trái cây... Cầm mớ đậu rồng xanh xanh từ tay bé gái gầy gò, chị ghé mắt vào chiếc gùi nhỏ xem còn gì có thể mua được.

“Mưa gió thế này…”- chị vừa lẩm bẩm đã vội lặng im để nghe cho rõ tiếng con bé bán hàng chịu khó. Thực ra, chỉ nhìn qua thôi, cũng biết hẳn là “của nhà” rồi. Ngoài mấy túm đậu rồng ngăn ngắn, còn vài quả thanh long vỏ sần mới hườm hườm, mấy bó rau ngót xộc lệch trong chiếc lạt lỏng… Cũng vì mưa gió thế này, nên chỉ một loáng, chị đã chọn mua nhiều thứ. Chiếc gùi vơi đi thấy ngay.

Cảm ơn cái lần đi chợ trong mưa, đưa chị trở về những ngày xưa cũ. Hồi còn đi học, mỗi ngày một buổi đến trường, một buổi đi rẫy đi ô, làm rau làm lúa; bạn bè lớp tám lớp chín của chị còn tranh thủ cả thứ Bảy, Chủ nhật và những ngày nghỉ lễ nghỉ tết để thêm thời gian đỡ đần cha mẹ. Mưa nhiều tháng bảy tháng tám thì đã làm cỏ xong xuôi. Tháng chín tháng mười, mang áo nilon đi mà nhổ bắp, nhổ đậu. Dầm nước tê chân, da tay nhèo héo, ấy vậy mà đứa nào cũng bước phăm phăm. Chiều tối về nhà, nồi đậu nồi khoai hôi hổi lửa than, ấy là “phần thưởng” đơn sơ, nhanh chóng quên đi mệt nhọc.

Ngày trước, nhà chị vẫn thường nuôi heo, mỗi lứa, chừng vài ba con trong chiếc chuồng hẹp. Không phải dễ dàng với nhiều thức ăn công nghiệp như thời bây giờ, thuở ấy chỉ toàn cho heo ăn rau, ăn cám. Làng có mấy khoảnh “tum” nhỏ, các gia đình chia nhau trồng rau muống, rau cần. Má chị thì trồng khoai môn để chăm nuôi cho đàn heo mau lớn. Môn mọc quanh năm, vậy nên cho dù mưa bão đến đâu, thì vẫn đội nón mang tơi đi cắt. Áo tơi là tấm vải nhựa khổ ngắn, choàng vừa một vòng quanh người, cột túm một nắm trước ngực. Môn dài lá to từng bó, chị em mỗi đứa một đầu khiêng về. Nước tum lạnh ngắt vẫn không ngán bằng chẳng may thấy đỉa bám chân.  

Mài miệt trong mưa. Ảnh: TN

 

Mưa thường là lúc tạm ngơi, song với những người làm việc ngoài trời, không phải ai cũng có thể tạm ngừng công việc. Như anh bạn học của chị, vừa làm rẫy, làm ô, vừa kiêm luôn việc thu gom nông sản từ các gia đình, để nhập vào cho đầu mối. Mưa nhiều, cạo mủ cao su càng vất vả hơn. Ngoài việc áo mưa nón lá cẩn thận cho bản thân mình, còn phải che chắn hẳn hoi cho cả thùng chứa và bát đựng mủ. Mưa nhỏ, mưa ít, thì vẫn có thể tranh thủ đi cạo, đi trút. Mưa nhiều, mưa lớn, phải đành ngồi chờ… Riêng cây mì mà đến đợt thu, thì dẫu mưa to, cũng không thể nào trì hoãn. Vì đã hợp đồng ký cùng nhà máy, nên vẫn lướt thướt “chạy” đua cùng mưa cho đến lúc hoàn thành. Nhọc sức hơn nhiều, nhưng lòng vẫn vui vì sớm xong công việc. 

Như cô chủ một nông trang ở Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, những ngày mưa dài lê thê, lại chính là ngày tập trung xuống giống. Lặng lẽ, bền bỉ cách này suốt mấy năm qua, giờ đây, nào chuối nào cam, nào bưởi nào ổi… đã cho quả ngon quả tốt. Vóc dáng một khu du lịch sinh thái nơi đây từng bước định hình.

Mưa thường là lúc tạm ngơi, song với người làm việc ngoài trời, không phải ai cũng có thể đành ngừng công việc. Vậy nên, càng thêm trân quý biết bao, những người mài miệt trong mưa, chẳng quản gian nan, chạy đua cùng thời tiết.

 Cuộc sống của mọi người, càng thêm nhiều ý nghĩa, từ đây…

Thanh Như

Chuyên mục khác