Mãi mãi niềm tự hào

25/07/2022 13:06

Ông ngoại hy sinh khi mới 28 tuổi. Năm ấy, bà ngoại cũng chỉ 26 tuổi. Ở cái tuổi xuân rực rỡ nhất, ngoại đã phải cắn răng nuốt nỗi đau mất chồng vào lòng, gồng gánh nuôi 4 đứa con thơ. Dù cảnh đời, cảnh nhà khó khăn, vất vả, nhưng ngoại vẫn cố gắng chu toàn mọi việc, nhất là vẫn một lòng theo cách mạng, tiếp tục làm cơ sở nuôi giấu cán bộ.
Mỗi dịp tháng 7 về, tôi càng thấy nhớ, thấy thương ngoại nhiều hơn. Ảnh minh họa

 

Mỗi dịp tháng 7 về, tôi càng thấy nhớ, thấy thương ngoại nhiều hơn. Hình ảnh ngoại trong bộ áo bà ba trên chiếc xe đạp cũ kỹ, kêu kẽo kẹt mỗi bữa chợ trưa trên đường làng mà vẫn không quên ghé vào cho quà, bánh cháu; hay mỗi dịp đến ngày giỗ ông, cứ lúi húi bên bếp lửa để nấu những món ngon cúng ông vẫn in đậm trong tâm trí tôi.

Ngoại vừa là thương binh, vừa là vợ liệt sĩ. Những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông là chính trị viên xã đội, đi hoạt động biền biệt, ngoại vừa nuôi con, vừa là cơ sở cách mạng, nuôi giấu bộ đội.

Lúc còn sống, cứ mỗi kỳ nghỉ hè về thăm ngoại là mấy đứa cháu lại có dịp nghe kể chuyện ngày ông, bà tham gia hoạt động cách mạng.

Qua lời kể của bà, ông ngoại là người hết mực yêu thương vợ con. Thời còn ở nhà, ông làm lụng mọi việc đồng áng thay bà. Khi tham gia hoạt động cách mạng, rồi trở thành chính trị viên xã đội, ông ít khi được trở về nhà, nên mọi việc ở nhà do một tay bà quán xuyến. 

Năm 1968, nhận được tin ông hy sinh, bà chết lặng. Đau đớn tột cùng, nhưng rồi bà phải nuốt nước mắt vào trong để tiếp tục công việc, nhiệm vụ được cách mạng giao và chăm lo cho đàn con nhỏ.

Thỉnh thoảng má tôi kể lại, khuya hôm trước ngày ông ngoại hy sinh, ông có trở về nhà, dặn dò bà ngoại để ý cẩn thận cái chuồng bò- phía dưới có căn hầm bí mật nuôi giấu bộ đội bị thương nặng- đừng sơ suất để địch phát hiện; rồi ráng chăm mấy mảnh ruộng, mì cho tốt để có lương thực nuôi con, hỗ trợ cho bộ đội.

Lần ấy, ông ngoại đã ôm má- đứa con gái đầu lòng- dặn dò nhiều điều. Ông nói nhỏ với má: “Con ở nhà ráng phụ má chăm em, mang cơm cho mấy chú (bộ đội). Đất nước hòa bình, ba sẽ trở về nhà với các con. Ba sẽ mua một chiếc xe đạp để chở các con xuống đường lớn”.

Tâm hồn non nớt của một đứa trẻ như má ngày ấy nghe vậy vui lắm chứ đâu biết rằng đấy cũng là lần cuối cùng má được gặp ông.

Ngày ông hy sinh, bà đã phải cố gắng rất nhiều để đưa xác ông trở về nhà, mà không dám nhờ sự trợ giúp của bà con lối xóm. Bởi ngày ấy, lính Mỹ tuyên bố, nếu ai giúp bà đưa ông về thì gia đình đó cũng là cộng sản. Rồi bà lại lén lút nhờ người đóng cho ông chiếc hòm, rồi gạt nước mắt chôn cất ông sau vườn nhà.

Sau này các cháu có đứa thắc mắc sao hồi đó bà ngoại lại chôn cất ông ngoại ở gần nhà. Bà ngoại trả lời: “Lúc còn sống ổng đi biền biệt, lúc chết phải để ổng được ở gần nhà; gần vợ, con”. Tội nghiệp, hồi đó lũ trẻ chúng tôi đâu có hiểu gì, còn trêu chọc bà. Sau này lớn lên, nhớ lại câu chuyện ấy mà rơi nước mắt vì thương bà.

Hồi còn nhỏ, khi nghe ngoại kể về chuyện này tôi cứ nghĩ như một bộ phim, chứ chẳng phải ngoài đời thực. Ngoại nói, hồi đấy gần như cả làng, nhà nào cũng đều có người tham gia cách mạng, hoàn cảnh khó khăn như nhau. Đã chọn lý tưởng sống thì phải kiên trì đi theo, chứ không vì khó khăn, vất vả mà nhụt ý chí.

Cho đến mãi sau này, tôi biết bà vẫn nhớ thương ông lắm. Không chỉ trong mỗi câu chuyện kể về ông, bà đều dành tình yêu thương hết sức đặc biệt cho chồng, mà mỗi khi đám giỗ, bà cứ lúi húi trong bếp nấu những món ngon để đặt lên bàn thờ cúng ông.

Những món đơn giản thôi nhưng bà chăm chút kỹ càng, dồn hết vào đó tình cảm của mình. Nhất là món cá kho, ngoại bảo phải kho thật nhừ, nhưng phải chừa chút nước để ông ăn vào không bị hóc xương lại dễ nuốt. Với bà, ông như vẫn đang sống và hiện hiện đâu đó quanh nhà vậy.

Đến khi đổ bệnh, ngoại nằm đó, con cái đều đã trưởng thành mỗi người một nơi nên căn nhà thật trống trải. Đêm đêm, ngoại lại thức giấc, chậm rãi bước đến bên bàn thờ thắp cho ông nén nhang. Dù không nói ra nhưng ai cũng biết bà rất nhớ ông. Ngày sắp theo ông về cõi vĩnh hằng, ngoại có tâm nguyện được nằm gần ông để sớm hôm bầu bạn.

Sau này, má với mấy dì cũng thường kể cho con, cháu nghe về bà với những câu chuyện rất xúc động. Ngày ông hy sinh, dù mới 26 tuổi nhưng bà vẫn cương quyết không đi bước nữa. Có nhiều đêm lính Mỹ vào nhà để tìm cách tán tỉnh ngoại, bà chẳng biết bấu víu vào đâu, đành lấy tay ngắt vào bắp đùi của các con đang ngủ để chúng la khóc, buộc bọn lính Mỹ phải rời đi.

Có lần dì Ba chọc ngoại: “Sao hồi đó má ngắt con đau thế? Ngoại bảo, “không làm thế sao có thể yên thân nuôi con và làm cách mạng”.

Bây giờ, căn nhà nhỏ của ngoại thường ngày vẫn đóng cửa im ỉm. Đến ngày lễ, tết, con cháu mới đi về quét dọn, lo cúng kính ông, bà. Trong nhà không có gì, ngoài những huân, huy chương và Bằng Tổ quốc ghi công được má giữ gìn rất cẩn thận.

Đó cũng là niềm tự hào lớn nhất của gia đình mỗi khi nhắc về ông, bà. Và chúng tôi, mỗi khi từ căn nhà nhỏ của ngoại bước ra, đều mang theo niềm tự hào ấy.

Hôm qua, hôm nay và mãi về sau!

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác