Mãi mãi một tình yêu

12/04/2024 06:04

Gã viết những dòng này như một cách “cất giữ” những ký ức thân thương về phố núi, về tình yêu dành cho phố núi. Lâu lâu lại hé ra nhìn để đỡ nhớ, để thêm thương, thêm yêu mảnh đất này.

Gã vẫn nhớ như in lúc đặt bước chân đầu tiên xuống Kon Tum ở đầu cầu Đăk Bla, khi đất trời đang chuyển mình từ đêm sang ngày. Những ánh đèn đường còn le lói hắt xuống bờ sông.

Ngẩn ngơ nhìn con đường vắng vẻ hồi lâu, rồi theo chỉ dẫn, lầm lũi đi bộ đến nhà người quen. Sương trùm kín người, mờ mờ, hư ảo. Đưa bàn tay ra phía trước không nhìn thấy năm ngón . Nghe mi mắt nằng nặng, cảm giác rất rõ sương đang tụ thành nước gai gai trên da.

Sáng hôm sau, gã mượn được cái xe đạp, và bắt đầu hành trình khám phá thị xã. Những ngôi nhà nhỏ, giàn hoa giấy nở chói chang  bên hiên; những con đường đất nhỏ với vũng nước đọng sau cơn mưa… gợi lên nỗi nhớ nhà.

Ngày ấy, gã đứng ở đầu cầu Đăk Bla nhìn con đường 14 mờ trong sương. Con đường này sẽ dẫn ta về đâu? Gã tự hỏi mình. Vài ngày sau, gã tìm được câu trả lời rằng đi nữa sẽ là... rừng. Gã không tin, nhưng chỉ cười.

Thành phố Kon Tum trên đà phát triển. Ảnh: TH

 

Sau này, có dịp tham gia phóng tuyến đường Hồ Chí Minh nối Kon Tum với Quảng Nam, gã mới biết hóa ra đó là câu trả lời thật.

Vậy đấy. Quốc lộ 14 có tiếng trong chiến tranh, mà ai học Lịch sử cũng từng biết tới, khi ấy lại là đường cụt. Và Kon Tum như một “ốc đảo”, chỉ có vào mà không có ra.

Gã quen dần với phố núi bằng những chuyến lang thang bằng xe đạp. Thị xã Kon Tum nhỏ bé hơn gã tưởng, với dăm ba con đường nhựa. Nhưng dường như ở đây trời cao và xanh hơn. Nắng mênh mang, hừng hực hơn. Gió cởi mở, phóng túng hơn.

Cây trái thì xanh rưng rức đến nao lòng. Còn người thì hào sảng, đã thương sẽ thương sâu, đã nhớ nhất định là nhớ đậm.

Kon Tum, những ngày đầu ấy, cuộc sống trôi qua chậm rãi như chiều. Thời gian như ngưng đọng trên gương mặt mọi người, trên dòng sông, trên những bãi bồi xanh rì cây trái.

Xe cộ thong dong trên phố. Người ta cười nói chậm rãi, đi lại chậm rãi. Một cơn mưa ào xuống bất chợt, đường phố sạch sẽ tinh tươm, người ta dừng xe, gấp áo mưa cũng chậm rãi.

Những buổi chiều mệt nhoài, rã rượi với công việc, gã sẽ chạy xe ra cầu treo Kon Klor, dựng xe bên vệ cỏ rồi dạo bước trên cầu, đắm mình trong sự yên tĩnh và man mác của buổi hoàng hôn. Hoặc ngắm nước sông Đăk Bla lững lờ chảy, liếm nhè nhẹ vào bãi bồi, vấn vít quanh những chân cầu.

Có khi gã sẽ ghé vào ngôi làng nào đó đó chơi. Khác với khái niệm đô thị thông thường, làng hiện diện nhẹ nhàng trong đời sống đô thị, chứ không hề tách biệt. Đạp xe ít phút đã hết phố vào làng. Những Kon Tum Kơ Pâng, Kon Rờ Bàng, Plei Tơ Nghia, Plei Đôn…

Ở làng, luôn có những ngôi nhà không bao giờ đóng cửa, mở toang cho nắng, gió và khách khứa thoải mái ra vào. Nhìn nhà là hiểu người, chân chất, thật tình lắm, chân thật đến bày cả gan ruột.

Những buổi sáng, bóng gùi vẫn thấp thoáng trên các tuyến phố, và cô gái Ba Na, Xơ Đăng xập xòe váy áo thổ cẩm nhìn khách bằng ánh mắt sáng long lanh như chứa cả khoảng trời xanh.

Khi mới đến, gã nghĩ, nếu vui thì ở lại vài năm, không vui lại đi. Nhưng rồi, tình yêu phố núi cứ níu kéo, cứ nằn nì gã mãi. Và loáng cái, gã đã gắn bó với vùng đất này hai mươi mấy năm. Rất có thể là hết đời.

Những con đường hiền hòa, rợp bóng cây xanh. Ảnh: T.H

 

Sáng nay, bỏ qua những lao xao giấy tờ, tất bật chữ nghĩa, gã lang thang trên phố. Đường phố, công sở, nhà dân phấp phới cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu mừng kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập thành phố Kon Tum (10/4/2009-10/4/2024).

Trải qua 15 năm nỗ lực, đến nay đã mang dáng dấp đô thị năng động và hiện đại. Không gian phố đổi thay nhiều, những ngôi nhà chật hẹp, thấp lè tè đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi.

Nhưng với trọn vẹn tình yêu của mình, gã đoán chắc rằng, phố của gã vẫn vậy, trầm tĩnh, hiền hòa vẫn lan tỏa trong sự định hướng phát triển thành một đô thị văn minh, hiện đại.

Vẫn còn đó những ngôi làng nhỏ ẩn hiện dưới tán lá xanh tươi, nổi bật mái nhà rông cao vút. Những ông “Tây ba lô” vẫn đi dạo trên đường, luôn “ố là là”, xúm vào chụp ảnh.

Con người vẫn thong dong sống như dòng sông thong thả trôi; vẫn hiền từ, mến khách quá chừng. Dường như sống giữa bao la núi đồi, được “rừng vây quanh, núi cũng vây quanh” nên tình người nền nã và đằm sâu, lặng lẽ và bền chặt.

Ở bất cứ đâu, vẫn gặp nụ cười thân thiện của các thiếu nữ đang gùi nước về làng; thấy các em nhỏ vẫy tay chào khách ở cuối con đường làng. Ghé vào một quán cà phê bất kỳ, bạn có thể bắt chuyện làm quen dễ dàng và nhanh chóng hòa mình với một nhóm bạn.

Dù bao thăng trầm của lịch sử đã xảy ra, đã đi qua nhưng còn đọng lại mãi mãi là lòng hiếu khách như một bản năng ngàn đời vẫn còn mãi.

Gã ngồi ngắm người và xe trên đường Bạch Đằng. Ly cà phê sáng sớm bốc khói nghi ngút. Sông Đăk Bla êm đềm trôi. Điều đáng mừng là những năm gần đây, tỉnh và chính quyền thành phố đang ưu tiên phát triển đô thị theo trục sông Đăk Bla.

Trong đó có quy hoạch, đầu tư các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ven sông; những cây cầu mới bề thế, hiện đại và đẹp qua dòng Đăk Bla cũng được xây dựng, tạo điểm nhấn, tôn lên vẻ đẹp vốn có của dòng sông.

Câu chuyện về các chuỗi hoạt động nhân ngày kỷ niệm đang “chiếm sóng” ở các bàn xung quanh. Gã lắng nghe một cách thú vị. Có lẽ sự phấn chấn làm cho con người ta muốn yêu thương hơn, nên cái gì cũng thấy đẹp, người nào cũng thấy tươi.  

Sức lực và trí tuệ con người đã và đang làm cho vùng đất này thức dậy và vươn tới, sôi động và mạnh mẽ.

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác