Lợi trước mắt, hại lâu dài

12/10/2019 06:06

Cần có những chế tài, quy định trong việc sản xuất trong nhà kính; nên chọn ra và phát triển những cây trồng có giá trị cao nhưng không dùng đến nhà kính; cần xác định những cây trồng không dùng nhà kính và ngược lại. Đặc biệt, cùng với quy hoạch nhà kính nên bổ sung, trồng cây xanh để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước.

Mới đây, câu chuyện một nông dân tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đã tự tháo dỡ nhà kính và vận động nhiều hộ dân quay trở về cách làm vườn truyền thống để chung tay bảo vệ cảnh quan của Đà Lạt khiến nhiều người suy nghĩ về việc lạm dụng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.

Và, không riêng Đà Lạt, có lẽ đã đến lúc mọi người cần nhìn nhận, cần có những quy hoạch rõ ràng việc sử dụng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp để vừa phát huy tối đa những giá trị của công nghệ vừa đảm bảo hạn chế tác động đến môi trường, cảnh quan và sức khỏe của con người.

Nhà kính giúp tạo ra không gian để con người có thể kiểm soát được các yếu tố về môi trường như độ ẩm, nhiệt độ, gió, nồng độ khí CO2, phân bón…, từ đó tự động điều chỉnh theo yêu cầu cây trồng để đạt được hiệu quả, năng suất cao trong sản xuất.

Vì những lợi ích thiết thực ấy, thời gian qua, việc trồng rau, trồng hoa trong nhà kính trở thành mô hình tiên tiến được áp dụng khá nhiều trên cả nước, nhất là ở Đà Lạt.

Một giàn nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đúng nghĩa đòi hỏi chi phí đầu tư rất cao. Theo đó, cần khoảng 500-700 triệu đồng để đầu tư làm 1.000m2 nhà kính. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều người dân, doanh nghiệp chỉ đầu tư khoảng 200 triệu đồng/1.000m2 nhà kính;bởi vậy, không ít nhà kính chỉ đạt được mức độ: che mưa, ngăn côn trùng.

Đầu tư “chưa đến nơi”, chưa phát huy tối đa những giá trị của công nghệ đem lại khiến con người chưa thể kiểm soát được các yếu tố về môi trường, bệnh tật cho cây trồng. Để khắc phục, người ta lại phun thuốc hóa học tràn lan trong nhà kính. Và điều gì đến cũng phải đến, bên dưới lớp màng trắng ấy là “cái chết” của cảnh quan, là sự ô nhiễm của môi trường đất, môi trường nước. 

Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Măng Đen. Ảnh: Văn Phương

 

Công nghệ cao được tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp bao gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học... Thế nhưng, bấy lâu nay, nhiều người vẫn hiểu nhầm về nông nghiệp công nghệ cao. Hay nói cách khác, nhắc đến “công nghệ cao”, nhiều người liền nghĩ đến việc sử dụng nhà kính. Không thể phủ nhận lợi ích của nhà kính mang lại, tuy nhiên, thực tế không phải loại cây trồng nào cũng “ưa thích” nhà kính. Vì chưa hiểu hết những mặt được, mặt hại, nhiều nông dân lại chạy “theo mốt” nhà kính dẫn đến tình trạng lạm dụng.

Nay, nếu đến tham quan Đà Lạt, không khó để nhận thấy những nhà kính đang bao trùm lấy từng mét đất nơi đây. Với thung lũng nhà kính mọc san sát nhau, không còn chỗ cho sự bay hơi và thoát nhiệt, Đà Lạt đang nóng dần lên, khiến thành phố ngàn hoa không còn vẻ đẹp thơ mộng, khí hậu mát mẻ vốn có.

Không chỉ khiến không khí nóng dần lên, diện tích nhà kính lớn kèm theo mật độ cao sẽ khiến cảnh quan thay đổi tiêu cực, đặc biệt tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho môi trường. Trận lũ lịch sử mới đây khiến 40 người ở Đà Lạt phải đu dây thoát khỏi vùng ngập là một minh chứng cho hệ quả của việc sử dụng nhà kính. Những cơn mưa đổ xuống không thể trải đều trên mặt đất nên nước sẽ đọng lại, trút về các mương, suối, tạo nên những dòng chảy lớn ào ạt, đổ về vùng trũng, gây ra ngập lụt.

Những năm trở lại đây, tỉnh ta cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Kon Plông là một trong những vùng tiên phong. Đến nay, trên địa bàn huyện, một số doanh nghiệp đã đầu tư khoảng gần 30.000m2 nhà kính để sản xuất các loại rau, đậu, dưa leo, cà chua bi… Từ những hệ quả của việc sử dụng nhà kính ở Đà Lạt, có lẽ, điều quan trọng bây giờ, chúng ta cần lưu tâm, cân nhắc kỹ trong việc sử dụng nhà kính.

Bên cạnh chính sách thu hút, thiết nghĩ cần có sự tính toán, định hướng, quy hoạch nhà kính rõ ràng để phát huy tối đa những giá trị của công nghệ đem lại. Cùng với đó, cần có những chế tài, quy định trong việc sản xuất trong nhà kính; nên chọn ra và phát triển những cây trồng có giá trị cao nhưng không dùng đến nhà kính; cần xác định những cây trồng không dùng nhà kính và ngược lại. Đặc biệt, cùng với quy hoạch nhà kính nên bổ sung, trồng cây xanh để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước.

Nước Pháp từng mắc phải sai lầm dùng nhà kính khi phát triển nông nghiệp và họ phải mất đến 40 năm để giải quyết hậu quả, lấy lại vùng du lịch canh nông thân thiện với môi trường. Đà Lạt sau thời gian thực hiện nông nghiệp công nghệ cao cũng đang “đau đầu” trước những nguy hại của nhà kính gây ra. Kon Plông đang được xem là một Đà Lạt thứ 2 với khí hậu mát mẻ, cảnh quan xanh đẹp, đừng để những mảng nhà kính bao trùm lấy màu xanh và vẻ đẹp thiên nhiên vốn có.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác