01/05/2021 06:01
Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình địa chủ, được kỳ vọng và được học hành tử tế, nhưng ông lại không theo sự sắp đặt của gia đình. Bởi từ nhỏ, ông đã chứng kiến nỗi khổ của người dân mất nước và sự tàn độc của bọn cai trị, vì thế mới tuổi 17 ông đã thoát ly, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Bước vào tuổi 22, trong một lần được nghỉ phép hiếm hoi, ông trở về nhà. Do nhà sát chợ, rảnh rỗi ông dạo quanh chợ và vô tình gặp được một bóng hồng, thế là suốt ngày ông trồng cây si tại đó. Để tiếp cận và lấy được tình cảm từ bà, ông đã hao tổn rất nhiều tâm trí, bởi mục tiêu ông đặt cho mình, phải tán đổ và cưới bà trước khi trở lại đơn vị.
Về bà, lúc đó vào tuổi 18, độ tuổi đẹp nhất của thiếu nữ nông thôn, vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm của con nhà gia giáo, vì thế, mới gặp mà ông đã xao xuyến, không thể nào quên.
Qua tiếp xúc, thấy được thành ý từ ông, bà cũng dần xiêu lòng, nhưng chỉ băn khoăn về gia đình ông. Hiểu được sự lo lắng của bà, ông động viên, an ủi để bà yên tâm. Về nhà, ông cố thuyết phục cha mẹ cho cưới bà và đưa ra lý do chính đáng để xin ra ở riêng, bởi ông sợ sau khi ông trở lại đơn vị, bà phải chịu áp lực cảnh làm dâu con nhà giàu.
|
Kỳ nghỉ phép của ông cũng đã hết, hai vợ chồng mới cưới chưa bén hơi nhau đã vội bịn rịn chia tay. Trước khi đi, ông còn hứa sẽ sớm quay về đoàn tụ với bà, bởi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, khi đó đất nước sẽ được hòa bình. Bà luôn tin tưởng, hy vọng và mơ về một tương lai tươi sáng.
Thời gian xa cách cứ thấm thoát thoi đưa, tin tức về ông ngày một ít dần, bà không thể kiên nhẫn ngồi nhà chờ đợi trong vô vọng. Nhớ chồng, bà xin gia nhập vào tổ chức cách mạng, lúc đó trong đầu bà, chưa hình dung tới khó khăn, vất vả, đôi khi phải đổi bằng máu và cả tính mạng, bà chỉ nghĩ, biết đâu qua công việc, bà sẽ được gặp lại ông, hay chí ít cũng có thông tin về ông.
Vào đơn vị, bà xung phong làm giao liên, không kể ngày hay đêm, không sợ hiểm nguy, bà đã đi rất nhiều nơi, tiếp xúc nhiều, lúc nào bà cũng tranh thủ hỏi thăm về ông. Rồi một ngày, bà đau đớn nhận được tin, ông hoạt động trong lòng địch đã bị lộ, không biết sống chết ra sao?
Từ khi biết tin về chồng, bà cố nén nỗi đau, lao vào công việc, hoạt động hăng hái và gan dạ hơn. Trong một lần đưa thư quan trọng lên cấp trên bà bị địch bắt, nhưng bà đã nhanh trí, thủ tiêu ngay tài liệu, khi khám xét người bà chúng không thu được kết quả gì.
Mặc dù, không có được chứng cứ, nhưng bà đã bị chúng liệt vào danh sách “đen” và theo dõi từ rất lâu, vì thế chúng đã đưa bà đến nhà lao Chí Hòa. Tại nhà lao, chúng tra tấn bà chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần, nhưng bà trước sau như một, rất kiên cường, vì thế bọn chúng không moi được gì từ bà.
Còn về ông, khi trở lại đơn vị, ông được tổ chức giao nhiệm vụ bám dân để nắm bắt tình hình, do đặc thù công việc khá nguy hiểm, ông chỉ biết đặt công việc lên trên, vì vậy mà bà ít dần thông tin về ông. Rồi không may, ông bị chỉ điểm và bị lộ, được đơn vị bí mật cử ra Bắc tiếp tục học và công tác tại đó.
Trong thời gian công tác ở miền Bắc, ông không lúc nào nguôi nhớ về người vợ của mình. Ngoài thời gian dành cho công việc, ông luôn tìm mọi cách để liên lạc lại với bà. Mất khá nhiều thời gian, ông cũng biết được vợ mình đã đi theo cách mạng và sau đó bị bắt, bị tra tấn cho đến chết tại nhà lao Chí Hòa.
Hiệp định Pari năm 1973 được ký kết, trong lần trao trả tù binh, bà được thả, nhưng thương tích đầy người và mất luôn khả năng làm mẹ, nhưng bà vẫn không ngừng tìm kiếm tung tích về ông.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, bà thuộc diện thương binh nặng, được tổ chức cho đi an dưỡng và chữa bệnh tại Thanh Hoá. Trong thời gian này, vận dụng mọi mối quan hệ, bà cũng lần ra được manh mối. Được biết, ông vẫn còn sống và công tác tại một tỉnh phía Bắc, hơn nữa, ông đã có vợ con. Hay tin, bà rất mừng khi biết ông vẫn còn sống, không do dự, vội vàng tìm gặp ông.
Đến nơi làm việc, vừa nhìn thấy ông, tim bà như bị bóp nghẹt, không thở nổi, vừa lúc đó ông cũng ngước lên trông thấy bà, không ai nói lên lời, cả hai cùng bước tới, ôm chầm lấy nhau, rồi khóc như chưa hề được khóc. Khóc vì bao nỗi nhớ nhung, xa cách đè nén bấy lâu nay, khóc vì sự sung sướng tưởng không bao giờ còn gặp lại nhau và khóc cho hoàn cảnh trớ trêu của họ.
Sau đó, ông dẫn bà về thăm gia đình nhỏ của mình, kể lại toàn bộ quá trình từ khi ông bị lộ, được tổ chức đưa ra Bắc, rồi hay tin bà tham gia cách mạng, sau đó bị bắt và tra tấn dã man cho đến chết tại nhà lao, suốt thời gian dài ông chìm đắm trong nỗi buồn mãi mãi mất bà. Thời gian qua đi, vết thương dù lớn cỡ nào, rồi cũng hồi phục, ông nghĩ không thể ở vậy được, dù sao đi nữa vẫn phải làm trọn kiếp người, thế rồi ở tuổi 37, ông đi thêm bước nữa và có 4 mặt con với người vợ sau này.
Ông kể tới đâu, lòng bà quặn đau đến đó. Rồi bà quyết định ở lại nhà ông thêm vài ngày, vừa quan sát, vừa thăm dò và chơi cùng các con của ông (khi đó, cậu con trai út của ông mới được 2 tuổi). Lòng bà ngổn ngang bao điều, nhưng có một điều rõ nhất, các con ông còn quá nhỏ, chúng cần phải có một mái nhà trọn vẹn, có đủ cả ba lẫn mẹ để dưỡng dục thành người.
Quyết định đưa ra lúc đó của bà thật khó khăn, bà phải đấu tranh tư tưởng với chính bà, vì bà không thể ích kỷ giành lại chồng sau bao năm chờ đợi, để rồi phá đi tổ ấm còn non nớt. Cuối cùng, bà gặp riêng ông để nói lời từ biệt.
Ông cũng giống bà, trong thế tiến thoái lưỡng nan, không thể bỏ vợ con ở lại, để đi theo tiếng gọi con tim, nên cả hai cùng ngậm ngùi tiễn biệt.
Trước lúc chia tay, ông cầm tay bà mà lòng đau như cắt, chỉ biết thốt lên “Em về đó, sống tốt nha! Nếu được, hãy tìm người đàn ông thật tốt, để chăm sóc em và quan trọng là có người bầu bạn lúc tuổi già”.
Bà biết, ông còn thương và yêu bà lắm, nhưng vì hoàn cảnh không thể làm khác được. Bà cũng từng là một chiến sĩ, vào sinh ra tử, đối mặt với bao hiểm nguy, bà không muốn ông thấy sự bi luỵ của bà, để rồi làm hỏng quyết định, mà khó khăn lắm bà mới đưa ra được. Lúc đó, bà chỉ biết gật đầu để trấn an ông, rồi lấy hết can đảm, dõng dạc nói “Anh ở lại cố gắng giữ gìn sức khỏe và chăm sóc các con cho tốt nhé, đừng lo cho em! Chuyện của chúng ta, không phải lỗi ở anh, cũng không phải lỗi ở em, mà lỗi tại chiến tranh”.
Gia Thịnh