Lốc cốc… hủ tiếu

23/04/2023 06:04

Bao nhiêu năm về tỉnh rồi nhưng tôi vẫn nhớ lắm hương vị hủ tiếu gõ cùng tiếng rao và tiếng gõ nhịp lốc cốc, rộn ràng của ông bà Hai trên con hẻm nhỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh- nơi tôi đã từng ở trọ thời đại học.

Thành phố lớn về đêm nhộn nhịp lắm. Nhưng đâu đó, trên những góc phố, con hẻm vẫn có những không gian rất đỗi bình dị mà thân thương. Đó là con hẻm nhỏ và xe hủ tiếu gõ của ông bà Hai; là tiếng gõ lốc cốc rộn ràng như níu chân những người… đói bụng; là mùi thơm ngào ngạt từ nồi nước lèo dưới thùng xe kéo.

Màn đêm vừa buông xuống đã thấy ông bà Hai đẩy xe hủ tiếu gõ đến đầu con hẻm. Ông lụi cụi nhóm bếp cho bà, rồi dọn mấy chiếc bàn, ghế nhựa ra để dọc hai bên hẻm nhỏ. Xong đâu đó, ông đi rao hàng.

“Hủ tiếu gõ đây! Hủ tiếu gõ đây!”- tiếng rao trầm đục hòa với nhịp gõ lốc cốc đều đều của ông Hai nghe chân chất, mộc mạc mà cuốn hút làm sao.

Tôi không bao giờ quên được những buổi tối cùng mấy đứa bạn trong khu trọ tản bộ ra đầu con hẻm thưởng thức tô hủ tiếu gõ nóng hôi hổi do bà Hai làm. Đôi tay của bà Hai nhanh thoăn thoắt ở từng công đoạn. Bà trụng hủ tiếu và giá đỗ xong, khéo léo xắt mấy lát thịt heo luộc thật mỏng, rồi chẻ đôi miếng bò viên, thêm ít lá hẹ và ớt đỏ cho vào tô rồi chan nước lèo vào. Tô hủ tiếu bốc khói, thơm ngon làm sao.

Hủ tiếu gõ- món ăn bình dân được nhiều người yêu thích. Ảnh minh họa

 

Bà Hai buôn bán cực nhọc vậy chứ thương người lắm, đặc biệt là những người lao động từ quê lên thành phố lập nghiệp hay mấy đứa sinh viên xa nhà như chúng tôi. Chỉ cần gọi hủ tiếu gõ là bà Hai lại không quên “khuyến mãi” thêm lát thịt heo hay miếng bò viên.

Hủ tiếu gõ dù chẳng phải món ăn cao lương mĩ vị gì nhưng cuốn hút bao người ở thành phố lớn này, dù là người có thu nhập cao hay thấp. Bởi vậy mà trên từng con đường, góc phố ở thành phố này không khó để bắt gặp hình ảnh những xe hủ tiếu gõ về đêm. Riêng với gia đình ông bà Hai cũng đã có đến 3 chiếc xe bán hủ tiếu gõ, của ông bà và của 2 người con.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, xe hủ tiếu gõ thường nằm ở một góc phố, đầu con hẻm nào đó, mọi thứ cũng chỉ gói gọn trong một chiếc xe kéo, bên dưới chứa bếp than, nồi nước lèo. Bên trên chứa đủ tô, muỗng, đũa, gia vị… 

Sau khi sắp xếp ổn định chỗ bán, người nấu hủ tiếu cứ nấu, người đi rao cứ đi, có thể là đi bộ hoặc dùng xe đạp, xe máy để len lỏi vào các con hẻm, từng căn hộ để tìm thực khách và nhận gọi món. Thường thì những người này có một bộ dụng cụ gồm hai thanh gỗ gõ vào nhau để phát ra âm thanh đặc trưng, dễ nhận biết.

Thực khách khi có nhu cầu thì gọi người gõ vào, sau đó người này sẽ quay về vị trí đặt xe hủ tiếu để báo chế biến rồi lại đem giao tận nhà.

Hủ tiếu gõ thân thuộc với người dân đến mức hình như người ta quên mất về nguồn gốc, xuất xứ của món ăn. Như xe hủ tiếu gõ của ông bà Hai cũng có mặt ở thành phố lớn này 20 năm rồi (tính đến khi tôi học đại học) và ông bà là người miền Tây lên đây lập nghiệp. Bà Hai kể, thoạt đầu lên thành phố, vợ chồng ông bà làm đủ nghề kiếm sống.

Đi làm thuê hoài chẳng có dư, rồi ông bà mới quyết định lập nghiệp bằng nghề hủ tiếu gõ nhờ học được từ người bạn, với lại vốn đầu tư ban đầu cũng không cần nhiều.

Nghề dạy nghề, bà nấu hủ tiếu riết rồi dần dà rút ra được kinh nghiệm để làm ngon hơn, sau đó tiếp tục truyền nghề cho các con.

Cũng có thực khách ghé thưởng thức hủ tiếu gõ thắc mắc, điều gì khiến món ăn cuốn hút người dân đến vậy, bà Hai chỉ cười: “Chắc tại nó rẻ”.

Đấy cũng là một lý do. Vì giữa phố thị nhộn nhịp, trăm thứ đắt đỏ, nhưng hủ tiếu gõ luôn bình dân. Bình dân đến nỗi mỗi thực khách ghé vào thưởng thức món ăn chẳng bao giờ lăn tăn về giá.

Còn với chúng tôi và chắc chắn cũng là với những người ở quê lên thành phố lập nghiệp, hủ tiếu gõ còn cuốn hút bởi một lý do hết sức đặc biệt nữa đó là sự chân phương, mộc mạc, bình dị giữa phố thị ồn ào, náo nhiệt. Chính bếp lửa nghi ngút khói trên xe hủ tiếu gõ đã vỗ về những người xa xứ như chúng tôi sau một ngày học tập, lao động mệt nhoài.

Những năm 2007-2008, khi tôi về “phố núi” lập nghiệp, cũng từng biết đến một xe hủ tiếu gõ của một cặp vợ chồng với mấy đứa con lít nhít, bán ở ngã tư Trường Chinh-Trần Phú.

Ban đầu, người dân sinh sống ở khu vực này chưa quen, thấy khó chịu bởi tiếng gõ lốc cốc mỗi đêm. Nhưng sau đó lại thấy thích bởi sự tiện lợi, đơn giản, giá rẻ, lại được phục vụ tận nhà.

Bây giờ thì cặp vợ chồng bán hủ tiếu gõ năm nào vẫn bán ở ngã tư Trường Chinh-Trần Phú, nhưng những đứa trẻ đi gõ trước đây đã lớn, đứng bếp thay bố mẹ. Cũng không còn phải đi gõ và giao hàng nữa. Khách tự tìm đến, ngồi kín đoạn vỉa hè ấy. 

Một chiều mưa, tôi tìm đến, gọi một tô hủ tiếu, mà lại thấy nhớ, thấy thèm nghe tiếng lốc cốc và tiếng rao “hủ tiếu gõ đây” năm nào!

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác