Lì xì ngày Tết

04/02/2019 13:00

Đi mua sắm những ngày giáp tết, tôi tình cờ bắt gặp cô em quen biết bày bán những chiếc phong bao lì xì in hình tranh Đông Hồ, những chú heo ngộ nghĩnh, những câu nói dí dỏm của tuổi “teen” thật bắt mắt. Ngắm nhìn những chiếc bao lì xì đẹp và lời mời chào mua hàng của cô bé, tôi dừng chân chọn mua cho mình những chiếc phong bao phù hợp để mừng tuổi ông, bà, cha, mẹ và các cháu nhỏ vào dịp tết đến xuân về.

Vừa trưng thêm nhiều xấp phong bao lì xì nữa cho khách dễ lựa chọn, cô chủ nhỏ không quên quảng cáo thêm thông tin: Phong bao lì xì năm nay đẹp lắm chị à, có rất nhiều mẫu mới, phù hợp cho mọi lứa tuổi. Nếu chọn phong bao để lì xì cho người già thì có những câu chúc tết truyền thống như “Tết an nhiên”, “Tết sum vầy”, “Tết đoàn viên”, “Chúc mừng năm mới”, “An khang thịnh vượng”, “Vạn sự như ý”; còn nếu dành cho tuổi “teen” thì có mấy mẫu dí dỏm như “Mình hợp nhau đến như vậy thế nên phải lì xì nhau” hay “Tết này vẫn giống tết xưa, vẫn là con nít vẫn ưa lì xì”, “Tết lứa đôi”, “Đón tết gâu gâu, phong độ cực ngầu”, “Mình thích thì mình lì xì thôi”,…; còn nếu dành cho trẻ em thì có in hình những bức tranh Đông Hồ nhiều màu sắc rất đẹp…

Đúng thiệt! Khác với trước đây, phong bao lì xì bây giờ có quá nhiều kiểu dáng thật đẹp, thật sang trọng và bắt mắt. Nhớ những năm trước đây, mỗi lần đi mua phong bao lì xì ngày tết chỉ có vài mẫu đơn điệu với những câu chúc truyền thống như “Chúc mừng năm mới”, “Tấn tài tấn lộc”, “An khang thịnh vượng” và bên cạnh rất ít mẫu phong bao lì xì của Việt Nam thì mẫu phong bao lì xì của Trung Quốc tràn lan thị trường.

Những mẫu phong bao lì xì dành cho trẻ con với tranh Đông Hồ đẹp mắt

 

Có lẽ do nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu, thẩm mỹ của người dùng nên những năm gần đây, mẫu phong bao lì xì mang nhãn mác “made in Việt Nam” đã thay đổi dần mẫu mã, chất liệu in ấn sang trọng, phù hợp cho mọi lứa tuổi nên đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Cô bạn đi chợ sắm đồ tết cùng tôi vừa nhìn thấy mấy phong bao lì xì ngộ nghĩnh, bắt mắt hào hứng nói vui: “Với mình, tết đến phải có lì xì mới ra ngày tết, nhất là với trẻ con. Thế nhưng, lì xì là để “lấy hên”, “lấy lộc” may mắn đầu năm chứ không quá nặng nề việc lì xì nhiều hay ít, làm mất đi ý nghĩa của phong tục lì xì ngày tết.

Một vị khách lớn tuổi hơn chúng tôi cùng ngồi lựa chọn mẫu phong bao lì xì cùng đồng cảm chia sẻ: Nhiều người cứ hay than vãn, 3 ngày tết phải chi tiêu nhiều thứ rồi còn thêm cái khoản lì xì cho trẻ con nữa đau cả đầu. Tôi nghĩ, tất cả đều do người lớn mình thôi. Con nít vốn dĩ đâu biết đặt nặng chuyện lì xì nhiều hay ít mà chẳng qua là người lớn thường “vẽ đường cho hươu chạy”. Trước kia, khi chúng mình còn nhỏ, tết đến, chỉ chờ để được lì xì chứ chẳng quan tâm khoản tiền lì xì bao nhiêu, cứ miễn được người lớn lì xì là vui lắm rồi. Bây giờ, nhiều người lớn lại đi “lo ngược” cái chuyện sợ trẻ con chê bai lì xì ít nên cố gắng chuẩn bị khoản tiền kha khá bỏ phong bao lì xì sao cho coi được để rồi phải lo “ngay ngáy” chuyện lì xì ngày tết đến nhọc cả người. Với mình, có bao nhiêu lì xì bấy nhiêu, miễn là phải có lì xì cho trẻ con cho có không khí tết là được.

Ngẫm lại lời chia sẻ của cô bạn và vị khách kia thật đúng. Thực chất, con nít không bao giờ đặt nặng chuyện lì xì nhiều hay ít mà có chăng chỉ là người lớn có khi vô tình hoặc cố ý gieo vào đầu trẻ những suy nghĩ không hay về chuyện những chiếc phong bao lì xì tết…

Trong cuộc sống, chắc hẳn cũng đã có người gặp phải tình huống “khóc dở mếu dở” vì sau khi lì xì cho con trẻ xong thay vì nhận được những lời chúc tết yêu thương thì lại nhận về những câu nói, hành động gây hụt hẫng, tổn thương người lớn, làm mất đi ý nghĩa của chiếc phong bì lì xì ngày tết…  

Nhớ ngày nhỏ, tôi thích nhất là sáng mùng Một Tết, mấy chị em lại chờ để được nhận phong bao lì xì từ ông ba, cha mẹ. Đón nhận những chiếc phong bao lì xì của người lớn trong lòng rộn ràng niềm vui sướng lâng lâng như đón nhận một điều gì đó thật thiêng liêng và cao quý - dù rằng trong mỗi chiếc phong bì chỉ có vài ngàn đồng. Nâng niu chiếc phong bao lì xì hết 3 ngày tết, chị em tôi lại lấy mấy ngàn đồng mới cứng ấy ra khỏi phong bao để nhét vào ống heo đất, còn mấy cái bao giấy ấy được kẹp vào những cuốn sách vở cất giữ cẩn thận đến tết năm sau giở ra vẫn còn mới toanh.

Bao nhiêu năm tuổi thơ trôi qua, bây giờ, chị em tôi đã trưởng thành và rất vui vì phong tục lì xì ngày tết vẫn được gia đình tôi duy trì vào mỗi dịp tết đến. Cứ đến sáng mùng Một Tết, cả nhà đều thức dậy thật sớm để lo cúng kính bàn thờ gia tiên, sau đó những đứa cháu của tôi được ba mẹ chúng chuẩn bị sẵn cho những chiếc phong bao lì xì để mừng tuổi ông bà; con cái mừng tuổi cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chuẩn bị sẵn những chiếc phong bao lì xì để mừng tuổi con, cháu. Mọi thành viên trong gia đình cùng ngồi quây quần bên nhau; những câu chúc, những điều mong ước trong năm mới dành cho nhau thật đong đầy yêu thương.

Chính những điều giản dị mà ấm áp ấy đã khiến cho những người con xa quê mỗi dịp xuân về tết đến luôn mong muốn được đoàn tụ, sum họp bên gia đình để hưởng cái không khí sum vầy, vui vẻ và hạnh phúc bên những người thân yêu của mình, rũ bỏ bao mệt mọc sau một năm dài cực nhọc với bộn bề công việc mưu sinh…

Tết đã cận kề, xin bỏ qua câu chuyện không hay về chiếc phong bao lì xì, vì thực ra chỉ xảy ra ở số ít trường hợp nào đó mà thôi; còn phong tục lì xì ngày tết vẫn là một nét đẹp truyền thống được người Việt Nam gìn giữ...

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác