Leng keng cà rem

20/04/2024 06:17

Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi không phải là những kem ốc quế, kem cây thơm phức, mát lành, với đủ hương vị, càng không có trà sữa hay các loại nước giải khát đa dạng như bây giờ, mà là vị ngọt của những cây kem mát lạnh, ở quê tôi hay gọi là cà rem, được người bán chở đi khắp nơi trên chiếc xe đạp cũ kỹ.

Mấy hôm nay nắng nóng, đứa cháu cứ nằng nặc đòi mẹ đưa đi mua kem. Mẹ chiều lòng chở cu cậu ra quán tạp hóa đầu ngõ. Cô chủ cũng chiều vị khách nhí, mở cái tủ lạnh to đùng cho tự chọn. Nhìn cu cậu nửa vui mừng hớn hở vì sắp được ăn kem, nửa phân vân, đắn đo vì không biết lựa thế nào giữa cơ man là kem ốc quế, kem cây đủ màu sắc, mà tôi miên man nhớ về những cây cà rem thời thơ ấu của mình.

Không biết có ai còn nhớ cây cà rem ngày xưa không, chứ tôi thì chẳng thể nào quên. Nhắc đến cà rem là cả một bầu trời tuổi thơ ùa về với bao kỷ niệm.

Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi không phải là những kem ốc quế, kem cây thơm phức, mát lành, với đủ hương vị, càng không có trà sữa hay các loại nước giải khát đa dạng như bây giờ, mà là vị ngọt của những cây cà rem mát lạnh, được người bán chở đi khắp nơi trên chiếc xe đạp cũ kỹ.

Mà cà rem thời ấy chỉ có đường và đá, sang hơn thì pha chút đậu xanh hay đậu đen, chứ làm gì có đủ thứ hương vị dâu, khoai môn, sầu riêng, socola, vani, sữa dừa như bây giờ.

 
Ai còn nhớ chiếc xe bán cà rem lúc nào cũng thu hút trẻ con mỗi buổi trưa hè. Ảnh: S.C 

 

Cứ đến những ngày nắng nóng, trong xóm lại xuất hiện xe bán cà rem của chú Bảy. Không có nhạc hay tiếng rao, chỉ có những tiếng leng keng phát ra từ chiếc chuông đồng treo lủng lẳng trên ghi đông xe đạp của chú báo hiệu xe bán cà rem đang tới.

Ấy vậy mà những tiếng leng keng ấy lại có sức hút không cưỡng nổi với lũ trẻ chúng tôi, từ làng trên đến xóm dưới.

Tôi nhớ, mỗi lần mấy chị em đang chơi đồ hàng ở hiên nhà mà nghe tiếng leng keng từ chiếc xe cà rem của chú Bảy từ xa vọng lại là vội vàng chạy đi kiếm những món đồ cũ, từ dép đứt, chai lọ đến những miếng nhôm, miếng sắt bị hư hỏng để mang ra đổi lấy cà rem.

Thế nên cũng có chuyện chị em tôi bị “ăn roi” vì những buổi trưa hè nắng bể đầu nhưng không chịu ngủ, trốn ba mẹ lang thang khắp các khu vườn để lục lọi tìm bất cứ thứ gì có thể đổi cà rem được.

Âm thanh leng keng và hình ảnh chú Bảy miệt mài đạp xe giữa trưa hè nắng như đổ lửa, chở theo một thùng cà rem bằng gỗ, kèm theo hai bên sườn xe là những mảnh sắt vụn, đồng nát, cùng bao đựng chai nhựa, đã trở thành mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh sinh động của ngày hè nơi làng quê ngày ấy.

Chiếc xe đạp chở thùng cà rem vừa dừng lại là bọn trẻ con chúng tôi đã ùa tới vây kín. Đứa thì “chú Bảy bán con con cây cà rem”, đứa thì “chú Bảy đổi cà rem cho con”, nghe thật rộn ràng.

Ngày ấy, cây cà rem có giá 200 đồng, nhưng có mấy đứa trả bằng tiền mặt đâu, mà toàn mang dép đứt, sắt vụn để đổi. Một đôi dép đứt thường đổi được 2 cây cà rem. Lâu dần, chúng tôi thuộc luôn cách quy đổi của chú Bảy, nên hôm nào cần đổi bao nhiêu cây cà rem là chúng tôi sẽ chuẩn bị bấy nhiêu chiếc dép đứt để mang ra. Lỡ như thiếu, thì chú Bảy cho… đổi nợ.

Bởi thế mà những đôi dép đứt cũng gắn với “tuổi thơ dữ dội” của bọn trẻ chúng tôi. Chuyện là, hễ trong nhà có ai mang đôi dép gần đứt là chúng tôi săm soi, canh chừng, chờ ngày dứt hẳn để cất dành đổi cà rem.

Thậm chí có những đôi dép chưa có dấu hiệu đứt quai đã có đứa bày trò cắt một chút cho nhanh đứt để sớm có cơ hội mang đi đổi cà rem. Đứa nào “xui” bị người lớn trong nhà phát hiện thì “no đòn”, đứa nào may mắn trót lọt thì khi đổi được cà rem rồi sẽ nhớ chia phần cho đứa bày trò, nếu không muốn nó đi mách người lớn.

Mỗi khi mua hoặc đổi được cây cà rem, dù rất thèm nhưng không phải ăn ngấu nghiến, mà chúng tôi thường tản vào chỗ mát ngồi nhấm nháp từ từ để thưởng thức cái lạnh tê buốt len lỏi trong miệng, thưởng thức hương thơm nhè nhẹ bốc lên cùng khói lạnh, lâu lâu trúng hạt đậu xanh, đậu đen bùi bùi béo béo thì thích vô cùng.

Có hôm cả nhóm năm, bảy đứa trẻ chỉ đổi được vài ba cây cà rem thì  ăn chung, đứa lớn cắn một chút rồi đưa cho đứa nhỏ. Mấy chị em tôi cũng từng ăn chung một cây cà rem, cứ mỗi đứa mút một chút, đứa nào lỡ cắn miếng to thì xác định là bị ăn “lườm nguýt”. Bây giờ thỉnh thoảng nhắc lại mới biết, hóa ra ai cũng còn nhớ cảnh ăn cà rem ấy.

Bây giờ, cà rem có đủ loại, như cây, hũ, ốc quế và đủ hương vị khác nhau, như dâu, sầu riêng, khoai môn, vani, socola, sữa dừa của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng. Muốn mua cà rem, bọn trẻ không phải ngồi chờ có tiếng leng keng phát ra từ chiếc chuông đồng treo trên ghi đông xe đạp như thời của chúng tôi, mà có thể mua ở bất cứ đâu, từ các cửa hàng chuyên bán cà rem đến siêu thị, cửa hiệu tạp hóa.

Nhưng không hiểu sao, với tôi, những tủ cà rem đầy màu sắc, nhiều hương vị ấy không quyến rũ bằng những cây cà rem đường đá, được ủ trong thùng gỗ đơn sơ thời thơ ấu.

Và cho dù tiếng kêu leng keng phát ra từ chiếc chuông đồng treo trên ghi đông xe đạp bán cà rem đã không còn nữa, nhưng nó sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi.

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác