Lấp lánh nụ cười trẻ thơ

01/06/2021 06:04

Xóm nhỏ, chiều nào cũng rộn ràng. Một phần, nhờ lũ trẻ con. Mặc kệ ai suy nghĩ, lo toan, vội vàng chuẩn bị bữa ăn sau một ngày bận rộn, những đôi mắt trong veo chỉ biết rằng, phía trước là cồn đất đỏ để xúc, để nặn; bên đám đất trống là địa điểm để tạt lon và những đám cây trở thành nơi ẩn náu trong trò chơi năm mười.

Hết năm mười, rồng rắn lên mây lại u quạ. Chúng cứ chạy lon ton. Đầu tóc bết dính mồ hôi, quần áo lấm lem bụi đường. Giọng thì vang xóm. Lúc cười, lúc hét, lúc la lối chỉ để phân bua đúng sai trong một trò chơi gay cấn. Nhìn thấy đám trẻ con vô tư náo nhiệt, người lớn nhiều lúc cũng thấy tâm hồn trẻ lại.

Ở xóm, riết, ai cũng quen cái cảnh những âm thanh vang trời của những bà mẹ khi gọi con về nhà tắm rửa, ăn cơm. Đáp lại những lời gọi là sự năn nỉ: “cho con thêm xíu nữa”, “con về ngay đây”… Nhưng mặt trời khuất núi, cả nhóm vẫn mải mê với những trò chơi không tên. Rồi rón rén mò về nhà khi đèn đường rực sáng.

Trẻ con hồn nhiên, vô tư như những gì chúng nghĩ. Bởi vậy, nụ cười trẻ thơ bao giờ cũng đẹp. Còn người lớn thì khác, bị cuốn vào guồng quay cuộc sống, không thoát ra được. Nhiều lúc, nghĩ, đã quá lâu rồi chẳng được cười hồn nhiên như một đứa trẻ. Cũng bởi thế, nhiều người càng thấy thời gian trôi qua, càng muốn “xin một vé đi tuổi thơ”, quay lại thời trẻ nít. Mà đâu phải ai cũng may mắn có được tấm vé khứ hồi.

Chiều nay, nhìn đám trẻ ở thành thị, chợt cay cay khi nhớ đến những em bé vùng khó. Trẻ em như búp trên cành, nhưng đâu phải ở nơi nào, trẻ em cũng được tung tăng, chẳng phải lo toan, chỉ hồn nhiên để vui cười. Cách đây không lâu, tôi đã từng khựng lại trước hình ảnh những em bé đầu trần, chân đất, mò cua, bắt ốc trong tiết trời giá lạnh. Tôi cũng từng rơm rớm nước mắt khi nhìn thấy một bé gái nhỏ thó còng lưng cõng gánh củi lên con dốc để trở về nhà. Tôi ngẩn người trước những nụ cười tươi, phấn khởi của các em khi được khách đường xa cho vài viên kẹo ngọt. Những đôi mắt to tròn, lúng liếng cảm ơn như thể vừa nhận được một món quà to lớn.

Lấp lánh nụ cười trẻ thơ. Ảnh minh họa

 

Dẫu khó, dẫu khổ, dù thiếu thốn, song những đứa trẻ vẫn vô tư, bằng lòng, vui vẻ với hiện tại. Gương mặt trẻ thơ vẫn bừng sáng, lấp lánh nụ cười. Bởi các em hiểu rằng, mình đang trải qua một tuổi thơ ý nghĩa: biết phụ giúp, chia sẻ khó khăn với ba mẹ.

Dù ở thôn, làng không có những khu vui chơi như thành thị, nhưng niềm vui trong các em chưa bao giờ tắt. Sau thời gian phụ giúp bố mẹ, trở về nhà, các em cũng thỏa sức vui cười với đám bạn thôn quê. Tôi đã cười như một đứa trẻ khi thấy các em cùng hớn hở, cười thả ga khi vừa chạy theo vòng lăn của chiếc bánh xe; tôi như sống lại với những ngày thơ ấu khi thấy các em ríu rít, rủ nhau hái và chia nhau những quả nhãn, trâm rừng. Kể về niềm vui sao cho hết khi thấy các em quây quần bên nhau, tự làm chiếc diều bằng giấy, bằng túi nilong rồi tung tăng chạy thả trên cánh đồng. Rồi cứ thế, hết trò này, các em lại bày nhau làm cà kheo; rủ nhau đi bẻ những cành cây để chơi banh đũa… Những niềm vui, nụ cười đậm nét núi rừng của các em thật cuốn hút. Chắc chắn rằng, trong những âu lo, mệt mỏi, chỉ cần thấy sự hồn nhiên, vô ưu, vô lo của đám trẻ nhỏ cũng đủ khiến tâm hồn người lớn như trẻ lại.

Những chuyến về với các xã vùng biên luôn để lại những ấn tượng đáng nhớ. Nhưng điều khó quên nhất vẫn chính là đôi mắt thơ ngây, nụ cười tỏa nắng của những đứa trẻ ở những ngôi làng nghèo khó. Những nụ cười không chỉ để nhớ, để lưu luyến mà còn để trăn trở. Mỗi chuyến đi trở về, chỉ mong kết nối được với các mạnh thường quân, những nhà hảo tâm để có những phần quà đến với các em. Để bữa cơm có thịt, rét lạnh có áo; để các em có đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập mỗi ngày đến trường.

Giữa những chông chênh của cuộc sống, sự lạc quan, hồn nhiên, ngây thơ của các em lại là liều thuốc kỳ diệu. Những nụ cười hồn nhiên ấy luôn là hình ảnh đẹp và diệu kỳ mà tôi tin chắc rằng, chẳng riêng gì tôi, bất cứ ai cũng muốn được nhìn thấy mỗi ngày.

BÌNH AN

Chuyên mục khác