Lắng lòng mùa Vu lan

27/08/2018 07:04

Cuộc sống thường ngày với những lo toan của mưu sinh cuốn những người xa quê như con đi trong hối hả. Những dòng sông cứ thế trôi đi, mỗi ngày cũng cứ thế mà trôi qua, chưa bao giờ dừng lại. Quê hương xa ngái, cha mẹ xa ngái, muốn bày tỏ tấm lòng cũng chỉ là chút thăm hỏi thường ngày. Lắm khi, dõi mắt về nơi đó, lòng con lại có chút gì chùng xuống…

Nơi đó - Vu lan này, cha mẹ vẫn như mọi ngày, ngóng trông những cuộc điện thoại. Trời ơi, lại vẫn là những câu muôn năm cũ: cha mẹ khỏe không, nhớ giữ gìn sức khỏe nhé… vậy mà cha mẹ cứ ngóng, cứ trông hoài.

Nơi đó - cha mẹ, những người muôn năm cũ - sống mãi với kỷ niệm, lưu giữ, nâng niu những gì thuộc về quá khứ. Cha mẹ sẽ cùng nhau nhớ lại những bước đi chập chững đầu tiên của con, những ngày con bi bô tập nói… Cha mẹ lại lụi cụi với những tấm giấy nhuốm màu thời gian. Những bức ảnh, những tờ giấy khen, những bức tranh con vẽ, những nét chữ đầu đời, những bức thư ngày con rời khỏi vòng tay mẹ cha để bước ra phố phường, tìm thêm con chữ mới… Cùng nhau lật giở, ánh mắt cha mẹ lấp lánh niềm vui khi nhớ đến mức chi tiết “lịch sử” của từng trang giấy vàng ố chứa chan ký ức ấy.  

Ở nơi đó - cha mẹ dõi theo hình bóng các con. Chỉ cần nghe con đi công tác về muộn, lo; nghe con của con ốm, lo; vợ chồng con “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, cũng lo…

Ngẫm lại những cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố đã từng trải qua, mới nhớ ra rằng, khi không ai còn gọi tên con, thì bên con vẫn luôn có cha mẹ. Thế mới biết chỉ có lòng mẹ cha thẳm sâu, mênh mang, đi suốt một đời vẫn cứ theo con.

Còn con, mải mê ngụp lặn giữa mưu sinh buộc trở nên sống vội. Sống vội cả trong những cuộc gặp gỡ mẹ cha. Sống vội cả ngay trong những lần sẻ chia qua điện thoại…

Cha mẹ vì thế dường như chỉ hiện lên chập chờn trong những giấc mơ. Con nhớ rõ những tiếng thở dài rất mỏng của mẹ cha thả vào ngọn đèn dầu đặt ở gian nhà giữa trong lần bàn nhau lo cho các con ăn học. Nhớ lắm chiếc áo bộ đội cha vẫn mặc mỗi ngày, màu đã bạc, vai đã sờn, ngai ngái mùi bùn đất pha lẫn mùi mồ hôi như đong bao kỷ niệm mặn mòi. Còn mẹ vẫn đôi bàn tay bè bè, thô ráp, từng ngón tay cắt ngắn và chưa một lần tô sơn đỏ, sơn hồng. Đôi bàn tay ấy sửa soạn không biết bao nhiêu bữa cơm, bế ẵm - dắt con đi qua bao chặng đường và cũng đã không biết bao lần giúp con lau khô những giọt nước mắt lăn dài trên má...

Và cũng qua những giấc mơ ấy, con đã có tấm vé về tuổi thơ, dắt con đến bến bờ mà ở đó, tự giận mình có những lần vùng vằng, hờn dỗi mẹ cha vô lý. Bỗng giật mình tỉnh giấc, ước gì thời gian có thể quay trở lại, mẹ cha trẻ khỏe cùng con thơ bé nũng nịu, ríu rít sum vầy…

Vẫn biết hiếu lễ với mẹ cha không chỉ trong mùa Vu lan, nhưng tiếng chuông chùa thanh tịnh gióng lên cầu chúc cha mẹ sức khỏe, bình an như một lần nữa đánh thức con sống chậm lại, nhớ nhung nguồn cội, nhớ nhung những bậc sinh thành và khiến con như được vỗ về, được bình yên sau những tất bật bươn chải mưu sinh.

Đôi khi tự nhủ lòng, mải mê bươn chải kiếm tiền, lúc đầu lo miếng cơm manh áo, sau lo cho nhà cửa tiện nghi, lo gia đình yên ấm, lo nuôi dưỡng, chăm chút cho các con như cha mẹ đã từng làm cho con cũng là một cách hiếu lễ. Nhưng, con cũng biết, sẽ là vô tâm, sẽ là vô tình nếu cứ mải bước đi trong dòng chảy của thời gian, trong nhịp sống hiện đại có phần hối hả.

Những cơn mưa cao nguyên cứ nối tiếp nhau đến nặng lòng. Nặng lòng như nỗi nhớ mẹ cha nơi quê hương xa ngái. Đứng bên hiên nhà nhìn vườn cây ướt đẫm, lá rơi xào xạc, thấy mùa đi rất vội, lòng con như rung lên từng đợt. Chợt nghe câu hát nhà ai vọng lại “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi/Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần” mà khóe mắt cay cay…

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác