27/09/2021 13:07
A Đáo bước ra khỏi lều, vươn vai hít một hơi thật sâu, thật dài, cho không khí trong lành, mát mẻ lúc tinh sương tràn vào căng lồng ngực. Thoảng trong đó là vị nồng nồng, ngai ngái, hăng hăng của đất sau những ngày mưa dầm, của lá mục, của mủ cao su. Những mùi vị này đã thấm vào máu thịt, theo A Đáo từ khi lọt lòng mẹ cho đến bây giờ.
Từ đầu tháng 7 đến nay, A Đáo gia nhập “đội hình” trực chốt kiểm soát Covid-19 do xã thành lập, gồm công an xã, dân quân, y tế…
Nhiệm vụ của chốt là trực 24/24h để kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện vào địa bàn tại các tuyến đường mòn, lối mở giáp ranh với tỉnh Gia Lai, nhằm phát hiện sớm các trường hợp có yếu tố dịch tễ, nghi ngờ/mắc bệnh xâm nhập vào địa bàn thành phố để giám sát, quản lý, cách ly, điều trị kịp thời. Từ đó đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các nguồn có nguy cơ lây nhiễm Covid 19 vào địa bàn...
Còn nhớ có lần, trưởng thôn A Wưh dẫn theo anh Hưng chủ tịch xã đến gặp A Đáo, hỏi có rành “đường đi nước bước” không, có biết được hết các lối đi xuyên rừng, qua núi để vào thôn hay không. A Đáo cười lớn: Biết chứ. Có đường nào mà không biết.
Thế thì hay quá- anh Hưng chủ tịch xã phấn khởi. Xã đang chuẩn bị lập chốt kiểm soát người ra vào địa bàn để phòng, chống dịch Covid-19 tại thôn. A Đáo giúp xã nhé.
Được làm việc cho thôn, cho xã, góp phần bảo vệ dân làng trước dịch bệnh nguy hiểm thì A Đáo sẵn lòng thôi, nhưng điều A Đáo băn khoăn nhất là có biết gì về chuyên môn đâu, lỡ như hỏng việc thì xấu hổ lắm.
Anh Hưng vỗ vỗ vai: Việc kiểm soát người ra vào thì không khó, cứ thấy người từ ngoài vào, lạ cũng như quen, A Đáo đều giữ lại để khai báo y tế, còn về chuyên môn, kỹ thuật (khai báo y tế, điều tra dịch tễ, cách ly y tế…) thì đã có người bên y tế lo.
A Đáo nhận lời. Không chỉ vậy, còn cùng trưởng thôn hăng hái đóng góp ý kiến về vị trí đặt chốt. Bởi A Đáo biết một nơi “rất ưng ý”, có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
|
“Căn cứ” của họ là cái lều bằng vải bạt cắm dưới tán lá cao su rậm rì, án ngữ con đường đất xuyên qua rừng cao su. Phía bên trái đi ra xã ngoài, chạy thẳng vào trung tâm thành phố. Phía trước và bên phải là rậm rạp rẫy, vườn; xa chút nữa là núi, với chằng chịt đường mòn tỏa xuống vùng Chư Pảh của tỉnh Gia Lai.
Mấy hạt nước rơi xuống cổ lành lạnh khiến A Đáo khẽ rùng mình. Muỗi bay vo ve bên tai. Trong rừng cao su, muỗi nhiều như trấu, nhất là sau những ngày mưa.
Mới 4 giờ sáng. Hãy còn sớm quá, để anh em ngủ thêm chút nữa- A Đáo nhìn đồng hồ, tự nhủ. Đội đèn pin lên đầu, luồn chân vào đôi ủng, cầm theo tấm áo mưa, A Đáo rảo bước trên con đường đất chạy xuyên qua rừng cao su, ánh đèn pin quét loang loáng trên những thân cây cao lớn, thẳng tắp, rồi rẽ vào con đường mòn dẫn vào núi.
Sinh ra, lớn lên ở đây, A Đáo thuộc những con đường mòn chi chít còn hơn cả thuộc những đường chỉ tay của mình. A Đáo cũng biết, con đường nào là những người tìm cách vượt chốt có thể đi qua nhất.
Trên đường đi, A Đáo nhớ mãi lời dặn của Chủ tịch Hưng lúc chiều, khi vào thăm chốt: Anh em nhớ thường xuyên tuần tra lối đi xuyên núi nhé. Phải hết sức cảnh giác, vì ngoài chốt Quốc lộ, các lực lượng của tỉnh, thành phố làm chặt, sẽ có đối tượng tìm đường đi vòng để né chốt, nếu mất cảnh giác, để lọt người nhiễm bệnh vào địa bàn thì hậu quả rất nặng nề.
Không gian thật yên tĩnh, đến mức như nghe được cả tiếng cỏ quất vào ủng cao su ràn rạt. A Đáo căng mắt nhìn suốt sườn núi. Tầm này, rất dễ có người tìm cách vượt chốt để vào địa bàn.
Không như chốt kiểm soát ngoài cửa ngõ vào tỉnh, vốn tấp nập người và phương tiện qua lại, chốt kiểm soát dịch Covid-19 của A Đáo khá vắng vẻ, cả ngày có khi chỉ 9 - 10 xe, chủ yếu là xe chở hàng, người dân đi làm rẫy. “Nhưng đông có cái khổ của đông, vắng lại có cái vất vả của vắng”- A Đáo nghĩ, mắt vẫn không ngừng quan sát từng mỏi đá. Không lo “thông chốt”, không sợ cự cãi, nhưng lại ngán cái vụ “len lỏi đi lại bất tử” của một số người dân lúc đêm khuya hay rạng sáng.
Một chuyện nữa là phải đấu tranh để chiến thắng cái bệnh chủ quan của chính mình. Cứ nghĩ ở đây vắng vẻ, ít người qua lại mà chủ quan là hỏng. Người ta có thể xâm nhập bất cứ lúc nào. Nên vào ca trực, cứ phải căng mắt dỏng tai lên mà nhìn, mà nghe; bỏ đi chơi, về nhà hay đi “cà phê, cà pháo” là “thủng lưới” như chơi.
Mồ hôi bắt đầu thấm ướt lưng áo. Sau mấy ngày mưa tầm tã, trời vần vũ mây đen, hôm nay trời quang đãng hơn. Một vài ngôi sao xé mây nhấp nháy những tia sáng trên nền trời bắt đầu nhợt nhạt sáng.
Nhớ lại những ngày mưa vừa qua do ảnh hưởng bão số 5, A Đáo vẫn còn “ngán”. Suốt một ngày một đêm, mưa như trút, nước tràn vào lều, ngập ngang bắp chân. A Đáo và mấy anh em hò nhau chuyển máy đo thân nhiệt lên phản; đào mương, xẻ rãnh để tháo nước, rồi đắp đất xung quanh lều.
Thương nhất là cô y tá, cứ ôm khư khư tập giấy khai báo y tế, mặc cho túi đồ dùng cá nhân bị ướt. Cô nói “không cần gì, chỉ cần giấy tờ”.
Đã lên đến đỉnh núi. Từ đây, A Đáo nhìn về hướng Quốc lộ 14, nơi có chốt kiểm soát Sao Mai sáng ánh điện. A Đáo biết rõ, ở đó cũng có những người như mình, hết ngày dài đến đêm thâu đang làm việc hết sức mình để góp phần ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sự an toàn cho “hậu phương”.
A Đáo tháo đèn pin khỏi đầu, lặng lẽ quay lưng xuống núi. Phía sau, dãy Chư Hreng đã hắt lên những quầng sáng của ngày mới.
HỒNG LAM